Tin thế giới

Vì sao phương Tây không dám nói Nga “xâm lược” Ukraine?

NYT dẫn phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tuần trước tại Brussels cho hay: “Bây giờ, tôi không muốn xác định hành động đó (của Nga ở Ukraine) là gì, nhưng bạn có thể gọi nó theo cách mà bạn muốn”.

Theo Thời báo New York (NYT), dù liên tục cáo buộc Nga đã đưa quân và vũ khí vào Ukraine nhưng phương Tây và Mỹ vẫn luôn tránh dùng từ “xâm lược” (invasion) để miêu tả hành động của Moscow.

Cùng ngày tại đây, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý rằng Nga đã tăng cường đưa “máy bay chiến đấu và vũ khí” vào Ukraine và gọi đó là hành động gây hấn chứ không hề đề cập đến từ “xâm lược”.

Các binh sĩ Kiev ở Mariupol, Ukraine.

Trong bài phát biểu hôm 3/9 tại Estonia, Tổng thống Obama thận trọng không kém khi dùng từ “xâm nhập” trước khi tố cáo Nga đã “tấn công trắng trợn” Ukraine.

Một số lãnh đạo phương Tây cho rằng, dùng từ nào không quan trọng. Nhưng dường như nguyên nhân sâu xa là họ e ngại việc dùng từ “xâm lược” sẽ gây thêm căng thẳng cho tình hình ở Ukraine hoặc khiến ông Putin khó “rút lui” hơn nếu ông muốn làm như vậy.

Ngoài ra, sự do dự trên cũng cho thấy những khác biệt trong các tính toán của các đồng minh phương Tây. Điều này được thể hiện rõ trong Hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở xứ Wales. Trong khi một số nước, đặc biệt là 3 nước Baltic và Ukraine, muốn có phản ứng mạnh mẽ hơn đối với hành động của Nga thì một số nước khác lại muốn đơn giản hóa tình hình tại Kiev.

NYT dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania, ông Linus Linkevicius, cho hay: “Chúng ta nên đặt tên rõ ràng cho những chuyện đang xảy ra. Xâm nhập cũng là một từ khá ổn, nhưng rõ ràng đây là một cuộc xâm lược. Có một sự hiện diện bất hợp pháp của quân đội nước ngoài trên một lãnh thổ có chủ quyền. Vậy các bạn còn định gọi nó là gì nữa?”.

Ông Linkevicius nói phương Tây cần tránh bị phân tâm bởi các cuộc tranh cãi về thuật ngữ nhưng cũng cảnh báo: “Nếu bạn dùng một từ nào đó thể hiện nghĩa nhẹ hơn từ “xâm lược” (ở Ukraine), bạn sẽ cảm thấy không cần phản ứng”.

Trong khi đó, Ukraine cho rằng, phương Tây lảng tránh thuật ngữ “xâm lược” là nhằm tránh những phản ứng mạnh mẽ đối với các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine mà Tổng thống Petro Poroshenko đã từng cảnh báo rằng một ngày nào đó sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của cả châu Âu.

Một thành viên quân ly khai ở miền Đông Ukraine.

Ông Dmytro Tymchuk, một cựu sĩ quan quân đội Ukraine, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quân sự và Chính trị tại Kiev nói: “Tất nhiên đây là một cuộc xâm lược. Nếu không, tôi không thể hiểu được xâm lược là gì”.

Ông nói thêm: “Các nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng họ hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng họ lại không muốn đốt cháy những “cầu nối” với Moscow. Họ vẫn hy vọng rằng ông Putin sẽ thay đổi. Chuyện đó sẽ không xảy ra. Họ đã tự lừa dối mình”.

NYT nhận định rằng, trong bối cảnh có những bằng chứng cho thấy Nga đã gửi xe tăng, pháo và quân đội vào miền đông Ukraine, thì việc phương Tây vẫn lảng tránh dùng thuật ngữ “xâm lược” lại một lần nữa cho thấy thành công của Tổng thống Nga Vladimir V. Putin trong việc làm mờ danh giới giữa chiến tranh và hòa bình.  Moscow luôn phủ nhận việc gửi quân và vũ khí tới Ukraine.

Thuật ngữ chính xác để gọi những hành động của Nga ở Ukraine hiện đang nhận được sự chú ý đặc biệt ở Washington. Nó được đưa vào các cuộc tranh luận lớn về phản ứng của ông Obama đối với tình hình hiện nay của Kiev. Trả lời đài CBS hồi tuần trước, Thượng nghị sĩ John McCain  nói: “Đây không phải là một sự xâm nhập. Đây là một cuộc xâm lược”.

Bà Jen Psaki, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: “Theo quan điểm của chúng tôi việc gọi đó là gì không quan trọng. Chúng tôi sẽ gọi nó là một cuộc xâm nhập bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ nói rằng Nga đang xâm phạm chủ quyền của Ukraine. Việc chúng ta sẽ làm gì quan trọng hơn là chúng ta sẽ gọi nó là gì?”.

Các chuyên gia luật pháp quốc tế cho biết họ đang cảm thấy khó hiểu khi phương Tây thận trọng trong việc sử dụng từ “xâm lược” vì thuật ngữ này không có ý nghĩa pháp lý đặc biệt.

Ông Harold H. Koh, một giáo sư luật tại Đại học Yale, người đã từng là cố vấn pháp lý cho Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Xâm lược là một thuật ngữ thông tục mà về mặt pháp lý, nó không mang bất kỳ ý nghĩa đặc biệt nào”.

Bà Sharon Korman, một luật sư người Úc, cũng đồng ý với nhận định trên nhưng nói thêm rằng đó là một “thuật ngữ bao hàm nghĩa lớn về mặt cảm xúc và chính trị”, gợi lên hình ảnh của cuộc chiến tranh thế giới II và có thể dẫn đến những phỏng đoán rằng phương Tây sẽ phản ứng vũ trang.

Bà nói: “Úc đã gọi hành động của Nga là một cuộc xâm lược nhưng đó là bởi vì không ai nghĩ rằng Úc sẽ phản ứng. Nếu Mỹ và Đức làm như vậy, thì nhiều người sẽ nghĩ rằng những nước này đang chuẩn bị phản ứng vũ trang”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The New York Times, nhật báo được xuất bản tại thành phố New York do Arthur O. Sulzberger Jr. làm chủ biên, được phân phối ở khắp Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP