Đắm say với điệu “trò Kiều”

Sáng 4.12, hội trường Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du chật cứng người, ai nấy chăm chú xem vở diễn “Trò Kiều” (hay “Chèo Kiều”) do các nghệ nhân bản địa thực hiện. Trên sân khấu nhỏ, đôi trai tài gái sắc Kim Trọng – Thúy Kiều trong trang phục tài tử giai nhân đang diễn khúc biệt ly đau đớn, với những ca từ sầu thảm, cắt cứa lòng người. Sức hấp dẫn của “Trò Kiều” không chỉ là ca từ trau chuốt, bóng bẩy, mà còn từ những động tác, vũ điệu đầy tính biểu cảm. Các điệu hát vô cùng phong phú, gồm các làn điệu Nam ai, Nam bằng, hò, ví giặm, cải lương, tuồng… được kết hợp nhuần nhuyễn. Toàn bộ tích trò Kiều diễn hết phải liên tiếp hai đêm, gần chục tiếng đồng hồ. Điều đặc biệt là dàn diễn viên hơn chục người không hề được học qua một tiết về nghệ thuật sân khấu, hầu hết là những nông dân, ngư dân tự mày mò, học hỏi, sáng tạo ra các điệu hát và động tác, vũ điệu.

Đến với “Trò Kiều”, khán giả được chứng kiến các nhân vật văn học họ vốn ngưỡng mộ hiển hiện bằng xương bằng thịt, được sống trong thế giới của Truyện Kiều với những cung bậc cảm xúc chân thật, mãnh liệt để quên đi những khó khăn, mệt mỏi của cuộc sống mưu sinh. Hiện nay, có hai địa phương vẫn còn lưu giữ được đội trò Kiều là xã Xuân Liên và xã Tiên Điền, quê hương Nguyễn Du. Nghệ thuật “Trò Kiều” cho thấy sức sáng tạo mãnh liệt cũng như tình yêu vô tận của người dân dành cho “Truyện Kiều”. Để kiệt tác của đại thi hào không ngủ yên trên giá sách mà đi vào cuộc sống, phập phồng hơi thở dân gian.

Quê hương nghĩa trọng tình cao

Trong Khu lưu niệm Nguyễn Du, vẫn còn lưu giữ nhiều di tích gốc như các cây cổ thụ, đàn đá, các hiện vật khác, đặc biệt là gian thờ đại thi hào với đại tự “Địa linh nhân kiệt” (Đất thiêng sinh người tài giỏi) và đôi câu đối do triều đình Huế ban tặng khi ông mất: “Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh, sinh bất thiểm. Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc, tử do vinh” (Một đời tài hoa, đi sứ làm quan sống chẳng thẹn. Trăm năm sự nghiệp, trong nhà, ngoài nước, chết còn vinh). Về Tiên Điền, thả bộ trong “Nguyễn gia viên” và dọc đường làng, thăm nhà thờ Tể tướng Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, cúi đầu trước phần mộ danh nhân, nhìn sông, ngắm núi, chúng ta mới cảm nhận được cội nguồn sâu thẳm đã sản sinh ra nhân tài văn hóa kiệt xuất. Tiên Điền là ngôi làng cổ nằm ven sông Lam, ngoảnh ra bến Giang Đình mênh mông sóng nước, không chỉ là nơi làm ăn buôn bán tấp nập, mà còn là nơi thưởng ngoạn, ngắm cảnh, nơi trai gái nên duyên hò hẹn. Tiên Điền cũng nằm dưới chân dãy Hồng Lĩnh 99 ngọn hùng vĩ, linh thiêng, nơi mà bước chân Nguyễn Du đã đi khắp cùng hội phường săn. “Cốt khuây lúc rỗi, mong gì lợi/Há trái điều nhân diệt các loài” (thơ Nguyễn Du).

Phía đông làng Tiên Điền là Biển Đông mênh mông sóng vỗ. Đó là cái thế “địa linh” để sinh ra nhân kiệt, từ Xuân Quận công – Tể tướng Nguyễn Nghiễm (thân phụ Nguyễn Du) cho đến Tham tụng Nguyễn Khản (anh trai Nguyễn Du), đại thi hào Nguyễn Du, và nhiều nhà thơ khác như Nguyễn Nễ, Nguyễn Hành. Quê hương ấy là nơi Nguyễn Du đã gửi gắm tấc lòng mình: “Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ. Hồng Sơn sơn hạ, Quế Giang thâm” (Ta có tấc lòng không biết ngỏ cùng ai. Dưới chân núi Hồng, dòng sông Quế (sông Lam) sâu thẳm). Cũng trên dải đất của sông Lam, núi Hồng, Nguyễn Du đã tham gia các cuộc hát ví phường vải. Với tâm hồn thi sĩ đa tình, thi sĩ đã có vài “mối tình” với các kỳ nữ phường vải, để lại những giai thoại đẹp truyền tụng đến hôm nay, bồi đắp cho tâm hồn thi sĩ càng thêm sâu sắc, đằm thắm, tài năng càng thêm sắc sảo. Như thi sĩ từng chia sẻ: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Bài học đầu tiên nơi thôn dã là tiếng hát của người trồng dâu, trồng đay).

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài

Tại khu lưu niệm Nguyễn Du có chữ “Tâm” lớn màu vàng đắp nổi, là nơi mà mọi người rất thích chụp ảnh, cùng với tượng đại thi hào trước khuôn viên. Giá trị lớn nhất trong các tác phẩm văn học của Nguyễn Du là lòng nhân ái mênh mông sâu thẳm dành cho những người tài hoa bạc mệnh, những người khốn khổ, dưới đáy trong cuộc đời trầm luân, tôn vinh các giá trị nhân bản cao quý. Tài năng nghệ thuật trác việt cộng với chủ nghĩa nhân đạo vĩ đại đã đưa tác phẩm của Nguyễn Du trở thành tập đại thành của văn học cổ điển Việt Nam, đỉnh cao muôn đời của văn hóa dân tộc. Hôm nay, tôn vinh Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới, UNESCO muốn gửi thông điệp hòa bình, nhân văn tới tất cả các dân tộc. “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, chỉ có tình yêu thương con người, sự bao dung, chia sẻ mới có thể kết nối con người, kết nối các dân tộc để xây dựng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Các giá trị văn hóa Nguyễn Du, vì vậy sẽ mãi mãi đồng hành cùng quê hương, dân tộc và nhân loại.

650 nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia “Tiếng thơ ai động đất trời”

Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia. Để phục vụ nhu cầu của quần chúng nhân dân, khán đài được bố trí có sức chứa khoảng 10.000 chỗ ngồi theo hình vòng cung quanh sân khấu. 650 diễn viên, nghệ nhân tham gia chương trình nghệ thuật đến từ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Truyền thống Hà Tĩnh, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Trung cấp Mỹ thuật Nguyễn Du, Đoàn nghệ thuật trung ương…; một số nghệ nhân dân ca ví giặm, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên tỉnh Hà Tĩnh, các cháu thiếu nhi tại các trường, làng, xã địa phương Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh. (TRẦN TUẤN)

Quang Đại