Nhân ái

Thắt lòng nhìn cụ ông 90 tuổi lết dưới nền nhà chăm vợ bị tai biến

Những hôm người con gái nuôi bận việc đồng ruộng chưa kịp đến lo cơm nước, vệ sinh thì ông Lừng phải gắng gượng tự lo cho bản thân vừa chăm sóc cho người vợ già bị tật, lại bị tai biến nằm liệt giường.

Thắt lòng nhìn cụ ông 90 tuổi lết dưới nền nhà chăm vợ bị tai biến

Đó là hoàn cảnh của vợ chồng cụ Nguyễn Lừng (90 tuổi) và cụ bà Phan Thị Khiết (83 tuổi, ngụ đội 8, thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Hiện, ông bà được người con gái nuôi là chị Nguyễn Thị Tâm (46 tuổi, ở thôn Vĩnh Trường, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) hàng ngày lui tới thăm nuôi, cơm nước qua ngày.

Tuổi già bất hạnh

Lần theo địa chỉ bạn đọc cung cấp, chúng tôi tìm về thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định để xác minh hoàn cảnh trên. Hỏi những người lớn tuổi ở thôn Mỹ Hóa, hầu như ai cũng tường tận về gia cảnh của đôi vợ chồng già sống đơn thân.

Thắt lòng nhìn cụ ông 90 tuổi lết dưới nền nhà chăm vợ bị tai biến

Bà Nguyễn Thị An (84 tuổi), một người hàng xóm chia sẻ: “Mấy năm trước, cụ ông còn khỏe thì tự chăm sóc rồi lo cho vợ, nhưng giờ già yếu chẳng làm gì được, con cái thì không có ai. Ông bà chỉ có một người con gái nuôi nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn, nhà lại ở xa nên cũng không có điều kiện, thời gian chăm sóc chu đáo cho bố mẹ nuôi. Hoàn cảnh vợ chồng ông Lừng bà Khiết khổ lắm nên mấy đứa trẻ chụp hình đăng lên mạng Facebook gì đó, rồi cũng có người về cho ít gạo, người ít đồng...”.

Theo dẫn đường của bà An, chúng tôi cũng tìm đến nhà cụ Lừng, căn nhà nhỏ đã xuống cấp nằm sâu trong con đường đất hẹp chạy quanh co. Ngày chúng tôi đến, cụ Lừng đang nằm co ro trên giường, nhìn bộ dạng cụ chẳng khác nào một bộ xương khô đang nằm bất động. Phía sau gian bếp là nơi nằm của người vợ thì bốc mùi khắm, thối rất khó chịu. Bởi, bà Khiết vừa bị tật ở chân vừa bị tai biến, nằm liệt giường nhiều năm nên mất ý thức trong việc tự vệ sinh mà tiểu tiện ngay ra chỗ nằm.

Cụ Lừng đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe ngày một yếu khiến ông cũng không thể chăm sóc cho vợ già lại bị tai biến liệt giường.

“Cụ ông giờ đứng còn không vững, tự lo cho bản thân còn khó nói gì đến việc chăm sóc cho vợ. Thường ngày, đứa con gái nuôi phải lui tới lo vệ sinh, nấu cơm nước xong xuôi cho ông bà rồi lại về lo việc gia đình. Có hôm nó bận việc tối đen mới đến thì ông Lừng cũng gắng lết vào để vệ sinh cho vợ”, bà An nói.

Cần lắm những sẻ chia

Ở tuổi 90 tuy sức khỏe yếu đi từng ngày nhưng đầu óc cụ Lừng vẫn còn khá minh mẫn. Theo lời cụ Lừng, vợ chồng ông bà sớm mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cùng cảnh ngộ rồi nên duyên chồng vợ. Lấy nhau từ trước chiến tranh, vợ chồng lo cày cấy lấy công cùng nhau sống hạnh phúc. Song, hạnh phúc lại không mỉm cười với ông bà, lấy nhau cả mấy chục năm nhưng chẳng có nhau lấy mụn con nên ông bà phải xin con nuôi để nhờ cậy lúc tuổi già.

Trông cụ Lừng ốm yếu như da bọc xương như không còn sức sống.

“Dù không có con nhưng vợ chồng tôi vẫn sống bên nhau hạnh phúc. Sau này, ở địa phương có người vì hoàn cảnh đưa đẩy sinh con ra không thể nuôi nên họ để lại bệnh xá xã nhờ người nuôi hộ. Biết lai lịch đứa bé là con của người địa phương nên vợ chồng xin về nuôi để nhờ cậy lúc tuổi già. Tiếng là con gái nuôi nhưng cái Tâm rất tốt với vợ chồng tôi. Chỉ vì vợ chồng nó cũng làm nông lại nuôi 3 con ăn học nên cũng chẳng khá giả để lo cho chu toàn. Hàng ngày, sau khi lo việc gia đình xong nó tranh thủ chạy đến lo cơm cả ngày cho vợ chồng tôi. Chỉ hôm nào nó bận không kịp đến thì tôi phải lết đi lo cho bà ấy”, ông Lừng nói.

Cụ Khiết vợ ông Lừng thì bị tai biến nằm liệt giường không biết gì hết nên mọi sinh hoạt, vệ sinh cuối ngày người con gái nuôi về dọn, chăm sóc.

Theo ông Võ Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, cho biết hoàn cảnh vợ chồng ông Lừng rất đáng thương ở địa phương, song địa phương cũng không có nguồn kinh phí để giúp đỡ nhiều vợ chồng ông bà. Ngoài các chế độ cho người già, người tàn tật thì địa phương ưu tiên mỗi khi có các phần quà hỗ trợ về địa phương nhưng đó chẳng là bao so với gia cảnh của ông bà.

“Xã giao cho các đoàn thể, thôn vận động giúp đỡ còn xã cũng không có khoản nào để hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, ngoài phần sinh sống hàng ngày thì còn lúc ốm lúc đau, nếu có một khoản nào hỗ trợ giúp vợ chồng ông bà thì thật quý báu. Tôi hy vọng thông qua báo Dân trí sẽ là cầu nối nhân ái để những nhà hảo tâm biết và giúp đỡ vợ chồng ông bà”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Cụ Nguyễn Lừng (đội 8, thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định)

Số ĐT: 0975.886.921 (Số ĐT của chị Nguyễn Thị Tâm – con gái nuôi cụ Lừng).

Tác giả: Doãn Công

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP