Nông Thôn Hà Tĩnh

Sáp nhập thôn, xóm ở Hà Tĩnh giảm chi phí ngân sách Nhà nước

Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay, Hà Tĩnh đã giảm được gần 14.000 cán bộ thôn, xóm, tiết kiệm ngân sách mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Trước thực trạng các thôn, xóm có quy mô nhỏ, bộ máy cán bộ cồng kềnh, tốn kém ngân sách, hiệu quả hoạt động thấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển, từ năm 2011, tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra chủ trương sáp nhập các thôn, xóm nhằm tinh gọn bộ máy, giảm chi phí ngân sách.

Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay, Hà Tĩnh đã giảm được gần 14.000 cán bộ thôn, xóm, tiết kiệm ngân sách mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Quan trọng hơn là chủ trương này đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ở địa phương, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Mô hình trồng rau củ quả cho năng suất cao trong xây dựng nông thôn mới ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh

Trong nắng mới, khung cảnh làng quê ở thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà hiện ra đầy sức sống. Tiếng cười nói xôn xao trong niềm vui được mùa của người dân đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ xuân vang vọng khắp đồng trên xóm dưới. Thôn Thượng Phú có 142 hộ dân, hơn 600 nhân khẩu được sáp nhập từ hai thôn Trung Lập và Trung Tiến.

Trước đây, cả hai thôn này đều có bộ máy cán bộ và chức danh hoạt động không chuyên trách lên tới hơn chục người với các chức danh như Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Công an viên, trưởng và phó các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân… Sau khi sáp nhập thành một thôn, số lượng cán bộ này đã giảm xuống còn một nửa, nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho hai thôn nay được tập trung vào một thôn, kinh tế phát triển rõ nét, thu nhập bình quân đầu người từ 16 triệu đồng/năm được nâng lên 19,5 triệu đồng/năm.

Về những thay đổi sau khi sáp nhập, ông Trần Danh Thuận, Trưởng thôn Thượng Phú cho biết: “Sau khi sáp nhập. cơ sở hạ tầng có bước chuyển biến rõ rệt, đường liên thôn được nâng cấp, kinh tế của bà con ngày càng đi lên được sự đồng thuận, nhất trí của nhân dân. Các hạng mục công trình như đường nội đồng, nhà văn hóa cũng được nâng cấp”.

Thượng Phú là một trong hàng trăm thôn sau khi sáp nhập của huyện Thạch Hà. Trước khi sáp nhập thôn, xóm, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có đến 344 thôn, sau khi sáp nhập đến nay huyện chỉ còn 232 thôn, giảm được 112 thôn, cùng với đó là 112 cán bộ với các chức danh như: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, trưởng và phó các chi hội phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân…Tổng số cán bộ giảm được 784 người, tiết kiệm được kinh phí mỗi năm là 4,7 tỷ đồng.

Cánh đồng rau theo mô hình xây dựng nông thôn mới ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà

Ông Bùi Xuân Thập, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà cho biết, sáp nhập thôn xóm, quy mô dân số đã tăng lên và có đủ các tổ chức trong từng thôn, tổ dân phố, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để phát huy sức mạnh của tổ chức cơ sở Đảng, của người dân. Sau khi đội ngũ cán bộ được tinh giản, chọn lọc được những cán bộ có năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước tăng lên.

Ông Bùi Xuân Thập nói:Sau khi tiến hành sáp nhập thôn xóm, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, thực hiện xây dựng nông thôn mới, việc huy động nội lực xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, số người nhiều hơn việc đóng góp cũng tập trung hơn. Việc sáp nhập không chỉ tăng quy mô thôn, giảm được cán bộ, tập trung huy động được nguồn lực xây dựng nông thôn mới mà cơ bản từ đó đã xóa được xóm trắng chi bộ hoặc chi bộ ghép, xóa được việc thiếu các tổ chức đoàn thể. Vì vậy, tất cả các thôn, tổ dân phố đều có đầy đủ các tổ chức trong hệ thống, tập hợp được đông đảo hội viên, đoàn viên. Từ đó phát huy được trí tuệ cũng như sức mạnh trong cộng đồng dân cư, có sự thay đổi rõ nét sau khi sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”

Trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, xóm Hà Tĩnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, 262 xã và có 2837 thôn, tổ dân phố, tổng số cán bộ ở thôn, tổ dân phố gần 23.000 người. Với số lượng thôn và bộ máy đông như vậy đã nảy sinh nhiều bất cập trong thực tế như có những thôn quy mô dân số lớn, lên đến 700 hộ dân, nhưng có thôn lại rất ít, chỉ khoảng 20 hộ. Bên cạnh đó vẫn còn một số thôn chưa có chi bộ. Đồng thời từ thực tế xây dựng nông thôn mới, muốn thực hiện có hiệu quả cần tăng quy mô dân số của mỗi khu dân cư để huy động tốt sự đóng góp của nhân dân. Những bất cập này đặt ra yêu cầu sáp nhập thôn xóm ở Hà Tĩnh.

Bà Phan Thị Tố Hoa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết, sau khi sáp nhập, từ 2873 thôn, xóm, tổ dân phố đến nay chỉ còn 2157 thôn, giảm được 680 thôn, xóm và gần 14.000 cán bộ, tổng ngân sách hàng năm giảm được do không phải chi trả phụ cấp và hỗ trợ cho số cán bộ này là gần 30 tỷ đồng.

Bà Phan Thị Tố Hoa cho biết: “Sáp nhập thôn gắn với chuẩn bị nhân sự cho thôn sau sáp nhập vì khi sáp nhập có một số cán bộ nghỉ việc. Việc xử lý với số cán bộ này như nào trước là về tư tưởng sau là chế độ chính sách sau khi nghỉ cho những người này. Nếu làm tốt điều này tạo được đồng thuận trong nhân dân. Một việc nữa là phải gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đưa ra bàn bạc với nhân dân, có đồng thuận của nhân dân mới đạt được kết quả”.

Những kết quả trong sáp nhập thôn, xóm, giảm số lượng cán bộ thôn xóm ở Hà Tĩnh được Bộ Nội vụ đánh giá cao. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định:Việc giảm được số lượng đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở tổ dân phố là rất tốt, góp phần giảm bớt gánh nặng của ngân sách, đòi hỏi những người tham gia trong đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ phải nâng cao chất lượng hoạt động lên, đòi hỏi phải có sự tâm huyết hơn nếu không làm được thì phải sắp xếp để đưa ra khỏi đội ngũ. Đây là việc rất cố gắng của tỉnh Hà Tĩnh”.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh để đánh giá và nhân rộng cách làm tốt này./.

Đình Hiếu/VOV-Trung tâm Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP