Chăm sóc sức khỏe

Rượu bia: Thủ phạm giết chết cuộc vui ngày Tết

Ở Việt Nam, rượu bán mọi nơi, nhiều loại không có nguồn gốc rõ ràng lại rất phổ biến và gây nhiều tác hại nguy hiểm đến sức khỏe.

Đối với anh Nguyễn Văn Tuấn (28 tuổi, ở Thanh Hóa), Tết năm 2017 là tròn một năm anh nói không với rượu bia. Anh cho biết bản thân đã phải trả giá đắt vì thú vui hay nhậu nhẹt.

Do đặc trưng công việc cộng thêm bản tính ham vui, hầu như các ngày anh Tuấn đều đi uống bia, rượu. Thậm chí, anh nhậu tới 4-5 lần/ngày. Đỉnh điểm, vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2016, anh triền miên trong cơn say với các cuộc liên hoan. Ngày mùng 2 Tết, anh bị đau bụng dữ dội, không thể nằm yên, vã mồ hôi. Gia đình phải đưa anh vào bệnh viện cấp cứu.

Tại đây, kết quả chụp CT cho thấy anh Tuấn bị viêm tụy cấp mức độ nặng nhất do hậu quả uống rượu bia quá nhiều, tỷ lệ sống chỉ còn 30%.

Sau 15 ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) may mắn, anh Tuấn dần hồi phục. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết đây là căn bệnh dễ tái phát và khi đó, rất nguy hiểm cho tính mạng. Do đó, bỏ rượu bia là điều bắt buộc với bệnh nhân này.

Ruou bia: Thu pham giet chet cuoc vui ngay Tet hinh anh 1
Bệnh nhân nghiện rượu được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: HQ.

Gần đây nhất, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) trong dịp Tết Dương lịch cũng tiếp nhận trường hợp một nam bệnh nhân 47 tuổi, ở Hà Nội, hôn mê, huyết áp tụt, tổn thương não và ngừng tim do uống rượu liên tiếp trong vòng bốn ngày.

Sau nỗ lực cấp cứu, tim đập trở lại, bệnh nhân được chỉ định lọc máu, điều trị rối loạn suy thận. Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy bệnh nhân bị suy thận, tổn thương não nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi, không thể cứu chữa. Gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà.

TS.BS Vũ Trường Khanh, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu đặc biệt là khi Tết đến, xuân về. Trong những ngày này lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn, cùng với đó là số người nhập viện do say xỉn, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.

Thời gian gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp bị viêm tụy cấp, tổn thương phổi, gan, suy gan, trụy mạch, rối loạn đông máu… do uống rượu, bia quá nhiều. Nhiều trường hợp điều trị tốn kém cả trăm triệu đồng, sau khi ra viện mang những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bên cạnh đó, số người chết vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia được Ủy ban ATGT quốc gia thống kê hàng năm không hề nhỏ. Nhiều người tàn tật suốt đời sau tai nạn, để lại nỗi ám ảnh cho chính họ và nỗi đau cho gia đình, người thân, gánh nặng của xã hội.

“Không ở đâu mua rượu dễ như ở Việt Nam. Rượu bán ở mọi nơi, không có nguồn gốc rõ ràng như rượu tự nấu, rượu lậu lại rất phổ biến. Không kiểm soát được độ tuổi mua rượu, mọi đối tượng có nhu cầu đều có thể mua được rượu dễ dàng” – TS Trương Đình Bắc – Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từng bày tỏ lo ngại.

Các chuyên gia khuyến cáo uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…

Để phòng tránh bị ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, khi sử dụng rượu, bia cần thực hiện các nguyên tắc sau:

– Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

– Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30 ml/người/ngày.

– Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

– Không uống rượu khi không có nguồn gốc, không công bố tiêu chuẩn chất lượng, đang đói, mệt hoặc uống thuốc điều trị.

– Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Hà Quyên | Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP