Nông Thôn Hà Tĩnh

Nuôi cá chẽm ở Thạch Sơn

Sau khi dự án ngọt hóa sông Nghèn đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân ở 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã làm giàu nhờ mô hình nuôi cá chẽm.


Năm 2008, dự án ngọt hóa sông Nghèn hoàn thành, đưa vào sử dụng đã mang lại nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và SX nông nghiệp cho các xã ở 3 huyện Thạch Hà, Can Lộc và Lộc Hà. Mặc dù hiệu quả mà dự án trên mang lại là rất to lớn, nhưng phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của trên 260 hộ dân ở 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải của xã Thạch Sơn do bị mất ngư trường đánh bắt.


Bài toán chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong xã chưa có lời giải đối với lãnh đạo xã Thạch Sơn. Mãi đến năm 2010, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, xã Thạch Sơn chọn 2 hộ ở xóm Sông Hải thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá chẽm thì đời sống người dân nơi đây mới thực sự khởi sắc.


Mỗi hộ dân đóng một cụm lồng gồm 4 ô, thể tích 108 m3, thả nuôi 1.000 con cá giống/cụm lồng, mật độ thả 10 – 20 con/m3 nước; trong quá trình nuôi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KN-KN hướng dẫn đóng lồng, chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh. Kết quả, sau 6 tháng thả nuôi, mỗi hộ thu hoạch đạt từ 800 – 850 kg cá thương phẩm. Bán với giá 75.000 đ/kg (năm 2010), trừ chi phí tiền giống, thức ăn, công, khấu hao cơ bản thì mỗi hộ còn thu lãi trên 25 triệu đồng.


Đến nay xã Thạch Sơn đã mở rộng 180 hộ nuôi cá lồng bè


Từ thành công bước đầu trên, những năm tiếp theo, thông qua chính sách hỗ trợ theo Quyết định 24, 26 của UBND tỉnh Hà Tĩnh (bình quân mỗi hộ nuôi được hỗ trợ gần 50 triệu đồng), xã Thạch Sơn đã nhân rộng mô hình lên đạt 180 hộ, trong đó 115 hộ xóm Sông Hải nuôi cá chẽm nước lợ; 65 hộ xóm Sông Tiến nuôi cá nước ngọt… Bình quân, mỗi đợt thả nuôi sau khi trừ hết các chi phí, lãi ròng từ 60 – 70 triệu đồng/hộ.


Chia sẻ với chúng tôi ông Nguyễn Hữu Hồng, một hộ dân xóm Sông Hải cho biết: “Nghề nuôi cá chẽm trong lồng trên sông khá thuận lợi, bởi nguồn nước sông thường xuyên được thay do sự điều tiết nước từ cống bara; chỗ đặt lồng rộng rãi nên rất đảm bảo về yếu tố môi trường, cá không bi dịch bệnh; đặc biệt, được sự quan tâm, hỗ trợ về vốn của tỉnh, huyện, xã nên mô hình ngày càng phát triển, nhân rộng”.


Đối với xóm Sông Tiến, do nằm ở phía trên cống ngăn mặn nên tất cả các hình thức nuôi trồng thủy sản đều phải chuyển sang nước ngọt. Từ thành công của phong trào nuôi cá lồng nước mặn ở xóm Sông Hải, năm 2011, Sông Tiến cũng bắt đầu triển khai nuôi cá lồng nước ngọt trên sông với các loại cá dễ thích nghi với môi trường sống trong lồng bè và có giá trị cao như cá diêu hồng, cá trê, cá chẽm nước ngọt…


Năm 2012, doanh thu nuôi cá lồng bè của 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải đạt hơn 25 tỷ đồng, bình quân 140 triệu đồng/hộ. Lợi nhuận 10,8 tỷ đồng/năm (60 triệu đồng/hộ); tạo việc làm cho 200 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/ người/tháng.



Tính đến thời điểm này, toàn xóm có 65 chiếc lồng cá được thả nuôi, trong đó nhiều hộ đã kiên cố hóa lồng nuôi bằng việc đầu tư lồng ống tuýp sắt không rỉ, vừa kéo dài tuổi thọ lồng, vừa đảm bảo an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.


Ông Nguyễn Hữu Niêm, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn nói: “Thành công của quá trình chuyển đổi nghề ở Sông Tiến, Sông Hải, ngoài sự quan tâm nỗ lực tìm tòi hướng đi phù hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn phải kể đến sự hỗ trợ quan trọng của việc xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông. Chính mô hình thí điểm ấy đã tạo cú hích giúp Thạch Sơn có được kết quả như hôm nay”.


Ông Niêm cho biết, để nâng cao hiệu quả trong quá trình nuôi, mới đây 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải đã thành lập các HTX nhằm hỗ trợ nhau phát triển SX, cung ứng giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, nhân rộng mô hình.


Có thể khẳng định, hiệu quả từ mô hình nuôi cá chẽm lồng bè đã góp phần giúp Thạch Sơn giải bài toán việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, góp phần xây dựng NTM trên địa bàn huyện ven đô.

Nông Nghiệp

  Từ khóa: Sông Nghèn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP