Lao Động - Việc Làm

Nỗi lo của người lao động trở về từ Li-bi

Nghệ An và Hà Tĩnh là hai trong những tỉnh có người đi xuất khẩu lao động tại Li-bi nhiều nhất cả nước. Những mong sẽ đổi đời, nhưng cực chẳng đã, để bảo đảm an toàn tính mạng trước biến động của đất nước này, họ lại trắng tay khăn gói về nước. Vui mừng thoát khỏi vùng chiến sự, an toàn trở về gặp người thân, nhưng họ lại phải đối mặt với nỗi lo trả những món nợ đã vay trước khi đi.

Anh Trần Văn Hạnh (thứ hai từ trái sang), xóm 8, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vui mừng sau khi trở về an toàn với gia đình, nhưng liền đó là nỗi lo nợ nần và thất nghiệp.

An toàn trở về từ vùng chiến sự

Hành trình quá cảnh qua nhiều nước, đến nay các lao động người Nghệ An và Hà Tĩnh đang làm việc tại vùng chiến sự Li-bi hầu hết đã trở về quê nhà an toàn. Trong căn nhà tuềnh toàng của anh Trần Văn Hạnh, xóm 8, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; mấy ngày qua lúc nào cũng có người vào ra thăm hỏi. Ðây là lần thứ hai anh phải về nước trước thời hạn. Cách đây ba năm, anh Hạnh làm việc ở Li-bi với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng thì bất ngờ chiến sự nổ ra, anh Hạnh phải vật vạ ở các sân bay của Li-bi, Thổ Nhĩ Kỳ, Tuy-ni-di để về nước. Là trụ cột trong gia đình, về nhà không có việc làm, thu nhập gia đình chỉ trông chờ vào việc chạy chợ của vợ cho nên anh Hạnh tiếp tục nộp đơn xin đi xuất khẩu tại Li-bi. Nhưng lại thêm một lần nữa trắng tay trở về.

Làm cùng công ty với anh Hạnh, anh Trần Ðình Chinh, sinh 1987, trú tại phường Ðội Cung, TP Vinh (Nghệ An) cũng có thâm niên hai lần đi lao động ở Li-bi. Ðầu năm 2011, sau khi hết hạn hợp đồng, anh Chinh trở về nước và tiếp tục quay lại vào năm 2013. Công việc đang rất thuận lợi với mức lương hằng tháng gửi về khoảng 13 đến 14 triệu đồng để trả nợ. Chưa kịp trả hết nợ thì chiến sự lại xảy ra, phải khăn gói trở về nước. Anh Chinh cho biết, hiện nay công ty ở Li-bi đang giữ lương tháng 7 của công nhân.

Anh Lê Hữu Thủy, 31 tuổi, xóm 2, xã Nam Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh là một trong số 48 lao động đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh được trở về từ vùng chiến sự, không giấu nổi niềm vui: “Những ngày cuối cùng rời khỏi bên đó, không ngày nào là không nghe tiếng súng nổ, chúng tôi hoang mang và lo lắng lắm. Nay được Chính phủ và Công ty Huyndai Amco lo mọi thủ tục về nước, lại được tạm ứng mỗi người một triệu đồng, chúng tôi vô cùng cảm kích. Bao nhiêu gánh nặng tinh thần những ngày qua được trút hẳn khi trở về quê hương, về bên vợ con”. Chị Phan Thị Bình, vợ anh Thủy cho biết: “Nhà làm nông cho nên kinh tế khó khăn, vay mượn khắp nơi để có tiền cho chồng đi làm ở Li-bi. Khi nghe tin Li-bi xảy ra chiến tranh thì cả nhà lo lắm. Giờ thấy anh về khỏe mạnh, ai cũng mừng”.

Cùng chung niềm vui với người bạn đồng hành trên chuyến bay về nước, thoát khỏi vùng chiến sự nguy hiểm, anh Hoàng Bắc ở xóm 5, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Chúng tôi làm việc chỉ cách vùng chiến sự khoảng 100 km, hằng ngày đều nghe tiếng súng nổ, sợ lắm. Giờ được về nước, ai nấy đều vui”.

Chưa kịp mừng đã vội lo

Anh Lê Hữu Thủy cho biết: “Làm việc bên đó, lương công ty chỉ trả đủ để chi phí sinh hoạt, còn mỗi tháng tám triệu đồng, công ty chuyển khoản về cho gia đình. Như thế cũng tích cóp được chút ít, giờ về thế này, cuộc sống lại vất vả, khó khăn. Nay về nhà biết làm chi ra từng đó tiền mà trả nợ!”. Chị Nguyễn Thị Loan, vợ anh Trần Văn Hạnh, xóm 8, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vui mừng khi chồng trở về nhà an toàn nhưng cũng không khỏi lo lắng bởi phần lớn số tiền vay cho chồng đi vẫn chưa trả hết.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) Nghệ An, trong số 1.800 lao động người Việt Nam làm việc ở Li-bi, có khoảng hơn 320 lao động người Nghệ An. Hiện, số lao động nêu trên hầu hết đã về nước an toàn. Trong số đi xuất khẩu lao động đều phải vay mượn ngân hàng, bạn bè, người thân từ 40 đến 50 triệu đồng. Nhiều người chưa trả hết nợ ngân hàng và hầu hết đều đang gặp khó khăn vì trong thời gian tới chưa biết phải làm gì để trả hết số nợ nêu trên. Hiện, sở đang theo dõi sát sao, nắm bắt thông tin số lao động Nghệ An về nước để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh kế hoạch thăm hỏi, động viên kịp thời; có chính sách hỗ trợ những lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Trao đổi về nỗi lo và những khó khăn của những người lao động vừa mới từ Li-bi trở về, Phó Giám đốc Sở LÐ-TB và XH tỉnh Hà Tĩnh Lê Tiến Dũng cho biết: Hà Tĩnh có 413 lao động đang làm việc tại Li-bi do sáu doanh nghiệp cung ứng lao động được Bộ LÐ-TB và XH cấp giấy phép. Sau khi chiến sự xảy ra, đến nay đã có gần 400 lao động về nước an toàn.

Với số lao động này, điều quan tâm lớn nhất là sau khi từ Li-bi trở về chính là việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, các dự án tại khu kinh tế Vũng Áng, hỗ trợ vay vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia. Sở cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ những lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trước mắt, sau khi về nước, nếu những lao động nào có nhu cầu tiếp tục đi xuất khẩu lao động trở lại, các ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh và các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động được chuyển sang một thị trường khác. Ðồng thời có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đối với người lao động.

Sở LÐ-TB và XH sẽ làm việc với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Quỹ Hỗ trợ lao động ngoài nước và các doanh nghiệp cung ứng lao động để có chính sách hỗ trợ đối với những lao động về nước trước thời hạn…

Bài và ảnh : MINH THƯ, THÀNH CHÂU

  Từ khóa: Li-bi , người lao động , Nỗi lo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP