Tin Hà Tĩnh

Nghị định 67 ở Hà Tĩnh: Ngân hàng 'tiến thoái lưỡng nan'

Sau khi Nghị định 67 có hiệu lực, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn Hà Tĩnh nhanh chóng vào cuộc, hoàn tất các thủ tục, được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, bây giờ khó khăn lớn nhất các ngân hàng là việc thu hồi nợ.

Nợ xấu hơn 117,5 tỷ đồng

Theo Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2014 đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 21 tàu cá nằm trong diện được vay vốn nâng cấp, đóng mới theo NĐ67.

Tàu xa bờ phụ thuộc quá nhiều vào lao động trực tiếp nên việc vươn khơi không đều đặn, hiệu quả kinh tế thấp

Trong đó, 19 tàu khai thác, 2 tàu dịch vụ. Có 7 tàu công suất từ 400 – 800CV và 14 tàu công suất trên 800CV. Tính đến cuối tháng 10/2018, các NHTM đã giải ngân 162,62 tỷ đồng, phục vụ việc đóng mới, đưa vào sử dụng 11 tàu (Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển (BIDV Hà Tĩnh) cho vay 9 tàu; NN-PTNT Hà Tĩnh cho vay 2 tàu).

Bà Bùi Thị Huệ, Trưởng phòng Tổng hợp nhân sự và kiểm soát nội bộ (Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh) cho hay, tính đến ngày 31/10 dư nợ còn lại của 11 tàu là 153,17 tỷ đồng. Đáng buồn là 9 chủ tàu do BIDV Hà Tĩnh cho vay đã phát sinh nợ xấu.

Ví dụ, chủ tàu Trần Quốc Rạng (huyện Nghi Xuân) có tổng dư nợ hơn 11,8 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc (nợ xấu nhóm 4) là 640,8 triệu đồng; nợ lãi quá hạn hơn 831 triệu đồng. Chủ tàu Trần Quốc Dũng (Nghi Xuân) tổng dư nợ còn lại là hơn 17,3 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc (nợ xấu nhóm 4) hơn 1,5 tỷ; nợ lãi quá hạn hơn 989 triệu đồng. Chủ tàu Nguyễn Văn Lòng (huyện Lộc Hà) có tổng dư nợ trên 12,4 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc (nợ xấu nhóm 4) hơn 847 triệu đồng; nợ lãi quá hạn hơn 680 triệu đồng…

Để đánh giá khách quan vì sao các khoản nợ xấu liên tục gia tăng, PV NNVN đã tìm gặp 4 chủ tàu tại các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên. Một câu trả lời chung PV nhận được là “tàu làm ăn thua lỗ nên không có tiền trả nợ cho ngân hàng”.

Ngư dân Lê Văn Sơn, thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân – chủ tàu cá HT96707 than thở: “Bình quân mỗi tháng tôi đi 2 chuyến. Chuyến nào may mắn thì lãi vài ba chục triệu. Nhưng 3 tháng lại nay giá dầu tăng cao nên chuyến nào đi cũng hòa vốn hoặc lỗ tiền dầu”. Theo tính toán của anh Sơn, tổng chi phí một chuyến vươn khơi của anh (7 ngày) bình quân hết khoảng 70 - 80 triệu đồng. Trong đó, chi phí thuê thuyền trưởng 3,9 triệu (tương đương gần 17 triệu đồng/tháng); tiền lương thuyền viên 14,7 triệu đồng/7 người (tương đương 10 triệu đồng/người/tháng); tiền dầu 50 triệu đồng; phần còn lại mua đá, chi phí ăn uống. Sau khi cập bờ, doanh thu từ bán cá thường chỉ được khoảng 80 - 100 triệu đồng, tiền lời chưa đủ để khấu hao sửa chữa tàu và ngư lưới cụ.

Chủ tàu Lê Văn Sơn (đội mũ cối) và Tôn Đức Vinh than thở “Do hiệu quả khai thác của tàu 67 thấp nên không thể trả nợ đúng hạn cho ngân hàng”

Chủ tàu HT96719 Tôn Đức Vinh, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên cho rằng chất lượng tàu kém, hầu như sau mỗi chuyến biển trở về đều phải đầu tư sơn sửa lại tàu. Tiếp đến là nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt trong khi lượng tàu thuyền khai thác lớn; giá nhiên liệu tăng cao. Đặc biệt, là thiếu lao động trực tiếp. “Chúng tôi phải lặn rội ra Nam Định thuê từ thuyền trưởng đến thuyền viên. Mỗi tháng trả lương cho thuyền trưởng từ 16 – 17 triệu đồng; thuyền viên 10 – 11 triệu đồng/người; sau khi trừ chi phí nhiên liệu, ăn uống, khấu hao tài sản nữa thì hòa vốn đã là may chứ nói gì đến lời”, ông Vinh nói.

Có việc chây ỳ trả nợ

Các chủ tàu lý giải nguyên nhân không có tiền trả nợ cho ngân hàng là do sản xuất hiệu quả thấp, song theo đánh giá của lãnh đạo BQL các cảng cá Hà Tĩnh thì “Hiệu quả khai thác của các tàu 67 chắc chắn là có. Song nhiều hay ít thì không ai khẳng định được”, bởi sản lượng cá đánh bắt được bà con chủ yếu bán ở các tỉnh Nghệ An, Nam Định, thậm chí bán luôn trên biển.

“10/11 chiếc tàu vỏ thép vẫn đi biển đều đều. Bình quân mỗi tháng đi 2 – 3 chuyến, mỗi chuyến kéo dài 7 – 10 ngày. Nếu nói đánh bắt thua lỗ thì sau 2 – 3 chuyến, thậm chí 5 chuyến thua lỗ thì chẳng ai ra khơi làm gì nữa”, vị cán bộ này nói.

Cán bộ BQL các cảng cá Hà Tĩnh phân tích thêm, lâu nay ngư dân cho rằng chiếc tàu mà họ đang sử dụng được đóng từ tiền của ngân hàng, trong khi số tiền họ phải đối ứng không đáng kể nên có hiện tượng chây ỳ không trả nợ. Đây chính là lỗ hổng của chính sách cho vay vốn. Tức là có chế tài cho vay nhưng chưa có chế tài quản lý.

“Ngoài thế chấp tài sản là con tàu ra thì cần phải ràng buộc thêm bởi các tài sản khác của ngư dân để tăng hiệu lực trong hợp đồng tín dụng”, cán bộ này nói thêm.

Báo cáo của ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, nợ xấu của Chương trình đóng tàu theo NĐ67 tại các địa phương ngày càng gia tăng

Theo BIDV Hà Tĩnh, để thu hồi công nợ, hầu như tuần nào cũng có 3 – 4 cán bộ túc trực tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh từ 6h sáng để làm việc với các chủ tàu và “canh” sản lượng khai thác của từng tàu. Tuy nhiên, cái khó là sản lượng đánh bắt được 90% bán ngoại tỉnh nên dòng tiền các tàu thu về từ mỗi chuyến vươn khơi ngân hàng không kiểm soát được. “Trước thực trạng ngư dân chây ỳ trả nợ, từ cuối năm 2017 đến nay hầu như tháng nào chúng tôi cũng gửi văn bản đến UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh, chính quyền các huyện, xã ven biển và các lực lượng liên quan khác đề nghị hỗ trợ ngân hàng trong việc thu hồi nợ và thu thập thông tin sản lượng mỗi chuyến đi biển, song không nhận được phản hồi từ các đơn vị”, lãnh đạo BIDV Hà Tĩnh thông tin.

Báo cáo của BIDV Hà Tĩnh cũng cho thấy, khoảng một năm trở lại đây các chủ tàu không có động thái trả nợ khiến cho hiệu quả kinh doanh của đơn vị sụt giảm nghiêm trọng; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động.

Được biết, theo hợp đồng tín dụng đã ký, bình quân mỗi năm các chủ tàu phải trả 9 tỷ đồng tiền nợ gốc cho ngân hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay BIDV Hà Tĩnh mới thu được 1,5 tỷ, đó là chưa kể đến nợ lãi. Hàng tháng ngân hàng này vẫn gửi thông báo nợ quá hạn đều đặn đến các chủ tàu, thậm chí có tàu thông báo đến 15 lần nhưng việc thu hồi nợ vẫn “dẫm chân tại chỗ”.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Mặc dù NHTM đã thông báo nợ quá hạn, nợ xấu, lãi chậm trả đến từng chủ tàu nhưng ý thức trả nợ của nhiều chủ tàu rất kém, thậm chí có chủ tàu không có thiện chí trả nợ. Việc phát sinh nợ xấu lớn không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của NHTM mà còn làm tăng số tiền lãi phải trả của chủ tàu do không được hỗ trợ lãi suất (không được Nhà nước cấp bù lãi suất vốn vay 6%/năm trong tổng số 7%/năm). Thậm chí, chủ tàu sẽ bị phía ngân hàng áp dụng các biện pháp xử lý tài sản để thu hồi vốn vay”.

Ngày 16/8/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về khó khăn trong thu hồi nợ vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo NĐ67 tại các địa phương.

Theo đó, nợ xấu của chương trình này ngày càng gia tăng, từ 315,6 tỷ đồng nợ xấu cuối năm 2017 tăng lên gần 1.119 tỷ đồng vào cuối tháng 6/1028 (tăng 3,5 lần). Một số địa phương có nợ xấu lớn là Quảng Nam, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Tác giả: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Từ khóa: 67 ở Hà Tĩnh , Nghị định

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP