Hà Tĩnh ngày nay

Lờ “bài học đắt giá”, thủy điện Hố Hô tiềm ẩn nhiều hiểm nguy

Trong khi những tranh cãi về quy trình vận hành xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn chưa hồi kết, thì có một thực tế đang diễn ra là chủ đầu tư nhà máy thủy điện này đã lờ những bài học đắt giá từ lịch sử, không quyết liệt đầu tư xây dựng, cũng cố nhiều hạng mục...

Bài học đắt giá vẫn còn nguyên

Công trình nhà máy thủy điện Hố Hô là dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 1 (NEDI 1) làm chủ đầu tư, xây dựng trên địa bàn xã Hướng Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Dự án có tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng; hoàn thành, phát điện vào tháng 4/2010.

Điều đặc biệt ở công trình thủy điện này đó là nhà máy phát điện, trụ sở nằm trên đất tỉnh Quảng Bình, nhưng nguồn nước xả phục vụ sản xuất điện năng cũng như xả lũ lại chảy về địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Kể từ khi nhà máy này đi vào hoạt động chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, nhân dân các huyện nằm ở hạ nguồn luôn ngồi trên đống lửa mỗi khi mưa lũ kéo về.

Khi công trình này chưa đưa vào khai thai thác, nhiều chuyên gia, đơn vị chuyên môn đã có những phản biện với nhiều lo ngại có thể xảy ra, trong đó đáng kể nhất là những lo ngại xuất phát từ điều kiện thời tiết, địa chất, quy trình vận hành, khai thác…

Ngày 4/10/2010 cửa tràn xả lũ thủy điện Hố Hô bị tê liệt do sự cố mất điện, khiến nước đổ về nhanh tràn cả thân đập.
Ngày 4/10/2010 cửa tràn xả lũ thủy điện Hố Hô bị tê liệt do sự cố mất điện, khiến nước đổ về nhanh tràn cả thân đập.

Những lo ngại đó đã trở thành sự thật khi một sự cố cực kỳ hệ trọng xảy ra vào thời điểm công trình mới phát điện được đúng hơn 5 tháng. Vào ngày 4/10/2010, trong trận lũ được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay tại Hà Tĩnh thì cửa tràn xả lũ bằng hệ thống thủy lực của nhà máy không hoạt động được. Nguyên nhân được xác định là do mất điện.

Cửa tràn không mở được, cây cối, rác từ thượng nguồn đổ về nhanh đã khiến nước từ hồ băng qua cả thân đập, dội thẳng xuống nhà máy phát điện. Hồ Hố Hô như quả “bom nước” khiến chính quyền, người dân hạ lưu trải qua những giây phút hoảng sợ. Rất may tình huống xấu nhất đã không xảy ra.

Dẫu vậy, nhà máy chịu thiệt hại nặng nề. Toàn bộ trạm nâng áp, thiết bị điện nhà máy, kè hạ lưu của nhà máy bị hư hỏng hoàn toàn. Hai vai đập bị xói lở. Các hạng mục khác như hệ thống chiếu sáng, đường vào nhà máy cũng bị lũ cuốn trôi hoặc gây hư hỏng nặng.

 Phải mất hơn 2 năm khắc phục sự cố, nhà máy mới phát điện trở lại.

Phải mất hơn 2 năm khắc phục sự cố, nhà máy mới phát điện trở lại.

Vốn đã chồng chất khó khăn, sau sự cố Nhà máy thủy điện Hố Hô lại càng thêm khốn đốn. Phải mất hơn hai năm sau, với chi phí sửa khắc phục khoảng 40 tỉ đồng, công trình này mới tích nước, phát điện trở lại. Tuy nhiên, nhà máy thủy điện này cứ “ốm yếu” kéo dài và buộc Tổng công ty Điện lực Miền Bắc phải nhập về Cty CP Thủy điện Hồ Bốn.

Sau sự cố kể trên, hàng loạt tồn tại, bài học đắt giá đã được rút ra cho những người đang chèo lái Nhà máy thủy điện Hố Hô. Đó là không bao giờ được phép để xảy ra tình trạng mất điện tại nhà máy. Đó là cần một tuyến đường “đạt chuẩn” để máy móc, thiết bị hiện đại tiếp cận nhà máy khi sự cố xảy ra. Đó là nghiêm túc xem xét các cảnh báo của cơ quan chuyên môn về mặt địa chất, trong đó phải xử lí triệt để hai vai đập bê tông nằm trên lớp đá phiến thạch để tránh gây sạt trượt vai đập khi mưa lũ về.

Giật mình

Những tồn tại ấy cho đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư thủy điện Hố Hô triệt để khắc phục.

Cho đến thời điểm này nếu tái hiện cơn lũ lịch sử như năm 2010 không ai dám chắc thủy điện Hố Hô lại không tái hiện sự cố mất điện khiến nước dâng vượt thân đập như đã xảy ra. Sở sĩ như vậy là do máy phát điện công suất lớn chạy bằng dầu diezel phục vụ nâng cửa xã tràn bằng hệ thống nâng thủy lực đặt đặt ngay dưới chân đập vốn đã không hợp lí, nhưng nhiều năm chưa được di dời. Nếu xảy ra sự cố nước tràn đập, nước lũ sẽ gây hư hỏng máy phát điện, khi đó tràn xả lũ sẽ trở nên vô nghĩa và hậu quả sẽ khôn lường.

Tiếp đến là tuyến đường đi vào vận hành nhà máy. Từ sau sự cố tràn đập năm 2010 đến nay, tuyến đường đi vào nhà máy liên tục bị sạt lở nghiêm trọng, việc khắc phục chỉ mang tính chất vá víu. Một sự cố tràn đập, hoặc hư hỏng nghiêm trọng tại thân đập, việc di chuyển may móc, trang thiết bị vào ứng cứu sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây là một hạng mục được đánh giá rất quan trọng, thế nhưng do chi phí đầu tư lớn nên đã 6 năm trôi qua, hạng mục được cảnh báo nhiều lần này vẫn chưa được Nhà máy thủy điện Hố Hô triển khai.

Việc khắc phục hai bên vai đập chưa được xử lí triệt để. Hậu quả, ngay trong đợt mưa lũ vừa qua, vai phải của thân đập đã bị sạt, trượt, đe dọa đến an toàn của hồ chứa nước có dung tích 36 triệu m3 này.

Trong trận mưa lũ vừa qua, vai phải thân đập thủy điện Hố Hô bị sạt trượt nghiêm trọng, đe dọa an toàn đến hồ chứa nước này. Ngay sau khi ngớt mưa nhà máy đã phải huy động máy móc, công nhân khắc phục hậu quả.
Trong trận mưa lũ vừa qua, vai phải thân đập thủy điện Hố Hô bị sạt trượt nghiêm trọng, đe dọa an toàn đến hồ chứa nước này. Ngay sau khi ngớt mưa nhà máy đã phải huy động máy móc, công nhân khắc phục hậu quả.

Những tồn tại rất đáng lo ngại nêu trên đã được tổ công tác điều tra xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô của Bộ Công Thương đề cập vào ngày 17/10. Tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với đại diện Nhà máy thủy điện Hố Hô do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chủ trì vào sáng ngày 18/10, đại diện tổ công tác đã báo cáo Thứ trưởng Vương, đồng thời yêu cầu thủy điện Hố Hô phải triển khai khắc phục ngay để tránh những hậu họa khó lường.

Văn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP