Cần Giúp Đỡ

Kỳ Anh: Người mẹ nghèo đơn thân làm muối nuôi 4 con ăn học

Mối tình sau lũy tre làng và tình mẹ bao la

Chồng mất khi hai đứa út chưa đầy 7 tháng tuổi, từ đó đến nay, 11 năm ròng, chị Phạm Thị Hạnh (SN 1970, thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ở vậy nuôi 4 đứa con ăn học nên người. Tất cả cũng nhờ vào những hạt muối mặn nồng nơi đồng muối Đại Láng.

Chị Phạm Thị Hạnh sinh ra trong một gia đình nghèo của miền quê Kỳ Hà (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nơi cuộc sống của mọi người gắn vào những ô muối Đại Láng và ánh nắng chói chang những trưa hè bỏng rát.

Chồng chị cũng là một chàng trai hiền lành, chất phác, mặn mòi như những hạt muối biển quê hương. Cưới nhau từ năm 1990, nhờ siêng năng làm lụng, anh chị đã xây cất được gian nhà cấp 4 trên mảnh vườn ông bà nội cắt cho.

Chị Phạm Thị Hạnh hồi tưởng lại cuộc đời đầy đắng cay.

4 người con, trong đó có 2 đứa bé sinh đôi vào năm 2003, những tưởng cuộc sống của gia đình sẽ ấm êm bên những cánh đồng muối trắng, thế nhưng, một biến cố bất ngờ đã đẩy tình cảnh của mẹ con chị Hạnh vào cơn bĩ cực.

Rót đầy ly nước lọc mời khách, chị Hạnh hồi tưởng: “Khi 2 thằng cu vừa đầy 7 tháng, chồng mình lúc đó đi làm thợ xây cho một nhà nghỉ trên địa bàn. Không may giàn giáo đổ, tường sập đè chết 2 người trong nhóm thợ xây, trong đó có chồng chị”.

Vợ mất chồng, 4 đứa con thơ mất bố. Đau đớn, bàng hoàng, đó là tất cả chị cảm nhận được khi đó. Rồi đây biết làm gì, biết sống sao khi 4 đứa con còn quá nhỏ, đứa lớn nhất cũng chỉ 10 tuổi đầu. Hai năm trời sau khi chồng mất, chị suy sụp tinh thần, chỉ biết ôm những đứa con thơ dại mà khóc thương cho số phận hẩm hiu.

“Sau khi chồng mất, con còn quá nhỏ, ông bà hai bên cũng đã già cả. Nhiều hôm nhà không có hạt gạo để ăn, chị phải đi xin cơm về nhai mớm cho hai đứa út, còn ba mẹ con thì có thứ chi ăn thứ đó” – chị Hạnh ngậm ngùi kể.

Bữa cơm trưa đạm bạc của gia đình, lấy sức ra đồng làm muối.

Nhờ bà con họ hàng, cùng xóm giềng quan tâm giúp đỡ, chị dần lấy lại tinh thần. Càng thương con, chị quyết tâm dù thế nào cũng phải cố nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Từ hạt muối nuôi 4 đứa con ăn học

Sau khi chồng mất, gánh nặng kinh tế đổ dồn lên đôi vai chị. Trước đây lúc gia đình còn đầy đủ, ngoài những gánh muối trên cánh đồng Đại Láng, chồng chị còn đi làm thợ xây, kiếm tiền về trang trải cuộc sống.

Chồng mất rồi, chị xác định trên mảnh đất này, chỉ có làm muối mới có thu nhập, lại có thể chăm sóc con cái còn thơ dại. Những ô muối nào mà hàng xóm không làm hay bỏ hoang, chị đều nhận làm, mong sao kiếm thật nhiều tiền để con cái không phải đói khổ. “Cái nghề làm muối, dù có vất vả nhưng làm ngày mô là có tiền ngày nớ, mình mới mua được đủ rau cháo hàng ngày”, chị Hạnh phân trần. Làm lụng là thế, nhưng chị vẫn không sao thoát khỏi cái nghèo, 9 năm liền gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo của xã.

Hai đứa con sinh đôi Tiến Thành, Tiến Đạt tuy còn nhỏ nhưng cũng đã biết giúp đỡ mẹ.

Đến mùa muối, gia đình chị mới không bị cắt cơm hàng ngày. Còn đến mùa đông, khi ánh mặt trời không đủ cho hạt muối kết tinh nữa, những bữa cơm độn, cháo loãng cứ thế diễn ra. Chị lại phải lặn lội khắp vùng, ai thuê gì làm nấy, từ rửa chén bát thuê cho đến phụ hồ, chở đá chở cát. Làm bao nhiêu cũng không đủ ăn.

Khi nhắc đến gia cảnh con dâu, bà Thái Thị Hiền, mẹ chồng chị rơm rớm: “Nhà nó nghèo nhất nhì cái vùng ni, vợ chồng tui cũng già cả, không giúp đỡ được chi cả. Nhiều lúc sang thấy các cháu ngồi bên rổ khoai ăn trừ bữa, tui không cầm được nước mắt”.

Những khó khăn, gian khổ mà chị phải trải qua cũng đã kết thành quả ngọt, khi những đứa con của chị rất thương mẹ, và quyết tâm học hành để sau này thoát khỏi cái nghèo luôn đeo bám.

Cầm chồng giấy khen của 4 người con trên tay, chị Hạnh tự hào: “Nhà mình tuy nghèo thật, nhưng được cái con cái đều chăm ngoan học giỏi. Đứa con gái đầu là Nguyễn Nhật Phượng là sinh viên năm 3 khoa Tiếng Trung, giờ đang thực tập trong Khu kinh tế Vũng Áng. Đứa sau là Nguyễn Hà Trang học sư phạm Tiếng Anh của ĐH Ngoại ngữ Huế, hai đứa nhỏ sang năm lên lớp 6. Năm học vừa rồi, hai đứa đều đạt học sinh giỏi cả”.

Chồng giấy khen của các con chị luôn nâng niu, gìn giữ.

Chị nhớ lại, khi con gái đầu Nhật Phượng đi thi Đại học, chị phải bán hết số muối trong kho, vay mượn thêm bà con hàng xóm được khoảng 2 triệu đồng dẫn con vào Huế. “Những ngày đó trời nắng to lắm, mình dẫn con đi mà tiếng ruộng muối ở nhà. Mẹ con vô đến nơi, được một ngày là mình gửi con cho người quen, còn mình bắt xe về để làm muối. Nghĩ lại lúc đó, mình lên xe mà nước mắt ngắn dài, thương con hết mực mà không còn cách mô nữa, bỏ làm muối những ngày nớ thì mấy đứa con ở nhà cũng không có chi ăn”.

Để đổi lấy những thành quả bước đầu trên con đường học hành của các con, ngoài những giọt mồ hôi đong đây những gánh muối trên đồng muối Kỳ Hà, còn phải kể đến khoản nợ 60 triệu đồng vay ngân hàng để trang trải việc học cho các con. “Mình làm tất cả những gì có thể, mong cho các con ăn học thành tài. Mình sống cũng chỉ vì các con, mong các con sau ni đỡ khổ, ít ra cũng đỡ khổ hơn mình hiện tại”.

Những xe muối này đã cắp cánh cho con đường học hành của các con chị Hạnh.

45 tuổi, hơn 10 năm trời một mình nuôi bốn đứa con ăn học, chị Hạnh là hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam. Nghị lực phi thường và nụ cười hồn hậu trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió trên những cánh đồng muối, chính là động lực to lớn để những đứa con chị vững bước trên con đường tương lai, con đường mà chị đã đánh đổi bằng không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt.

                                                                             Hữu Thung – Đình Chuân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP