Danh Nhân

Hồng Lĩnh: Nguyễn Đình Mai – Người chiến sỹ cách mạng kiên trung

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, mảnh đất, con người Hà Tĩnh được  nhân dân cả nước ngưỡng mộ “đi đầu, dậy trước”, khởi đầu từ phong trào Xô – viết Nghệ Tĩnh. Không chỉ làm nên cao trào cách mạng trên quê hương mình, con người Hà Tĩnh còn góp phần tích cực vào phong trào cách mạng các địa phương trong nước. Thật tự hào khi mở cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận” và cuốn “45 năm đấu tranh cách mạng Phan Rang- Tháp Chàm”, trong Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời (UBNDCMLT) của tỉnh Ninh Thuận ( lời trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận) có 9 thành viên, thì đã có 3 người con quê hương Hà Tĩnh. Đó là Võ Liêm Sơn cùng con trai là Võ Giới Sơn (quê huyện Can Lộc) và Nguyễn Đình Mai (quê thị xã Hồng Lĩnh). Nhân kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, xin giới thiệu bài viết về tấm gương Nguyễn Đình Mai, một đảng viên kiên trung trọn đời vì Đảng, vì dân.

hatinh24h

Bằng Tổ quốc gi công liệt sỹ Nguyễn Đình Mai

Nguyễn Đình Mai sinh năm 1912 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại xóm Trung Hậu, xã Đức Hồng, nay là tổ dân phố Trung Hậu, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh. Vốn có tư chất thông minh và lòng hiếu học nên ông lần lượt vượt qua các bậc học và trở thành học sinh Quốc học Huế khi 17 tuổi. Trong những năm học ở trường Quốc học Huế, ông được tiếp thu tinh thần yêu nước của các bậc thầy như cụ Võ Liêm Sơn, và các tầng lớp học sinh đàn anh như Trần Phú, Võ Nguyên Giáp… nên đã sớm giác ngộ cách mạng. Thực dân Pháp và chế độ Nam triều đã sớm đánh hơi được ý thức của Nguyễn Đình Mai nên sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, ông bị điều bổ dụng làm thông phán tại Bình Thuận với chủ đích là cô lập, phân tán những người có tư tưởng chống đối triều đình và chế độ bảo hộ. Cũng thời gian này thầy giáo cũ của ông là Võ Liêm Sơn cũng bị biến chức và về Ninh Thuận sinh sống. Thông qua cụ Võ Liêm Sơn, ông cùng Võ Giới Sơn (con trai thứ hai của cụ Võ Liêm Sơn) được tổ chức Đảng giác ngộ và 2 người trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng phong trào cách mạng tại Ninh Thuận. Tháng 5/1944, Nguyễn Đình Mai với vai trò là cán bộ cốt cán Việt Minh tại Ninh Thuận, để đẩy nhanh phong trào cách mạng tại đây, ông đã cùng tổ chức Đảng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, như diễn vở kịch “sát thát” nhằm cỗ vũ tinh thần yêu nước trong Nhân dân, tiếp đó đẩy mạnh tuyên truyền, truyền bá chữ Quốc ngữ, quyên góp lương thực, tiền bạc giúp đồng bào miền Bắc cứu đói. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (09/03/1945), Nguyễn Đình Mai là cán bộ cốt cán của Đảng tại Ninh Thuận cùng với một số đồng chí đứng ra thành lập tổ chức “Công dân hội”, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Việt Minh và thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào đoàn kết chống Pháp- Nhật. Từ những hoạt động đó, phong trào cách mạng ở Ninh Thuận đã phát triển nhanh chóng, từ các trung tâm đô thị như Phan Rang, Tháp Chàm đã lan rộng về các vùng thôn quê. Trước thời cơ mới, tổ chức Đảng Ninh Thuận đã chủ trương đẩy nhanh tổng khởi nghĩa. Ngày 21/8/1945, Nguyễn Đình Mai đã tham gia chỉ huy đoàn biểu tình của Việt Minh tại thị xã Phan Rang, kéo vào dinh Tuần Vũ, thu ấn tín và tuyên bố giành chính quyền về tay Nhân dân. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, ngày 22/8/1945, Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh Ninh Thuận họp và bầu UBNDCMLT tỉnh, Nguyễn Đình Mai được bầu làm Ủy viên tài chính tỉnh. UBNDCMLT tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhanh chóng 10 chủ trương  lớn của Việt Minh, thực hiện 3 nhiệm vụ lớn về chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Sau “Tuần lễ vàng”, Nguyễn Đình Mai được cử ra Hà Nội làm việc cùng Bộ Tài chính. Mặc dù trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, nhưng với tinh thần dũng cảm, mưu trí, ông và các đồng chí trong đoàn đã vượt trên 1000 cây số, vận chuyển, bàn giao trọn vẹn tiền, vàng cho Chính phủ, chuyến đi đã hoàn thành thắng lợi.

Được sự giúp đỡ của đế quốc Mỹ, thực  dân Pháp tiếp tục thực hiện dã tâm xâm lược nước ta. Ngày 05/5/1946, thực dân Pháp đã phản bội Hiệp định sơ bộ 06/3, chúng gây hấn các tỉnh Trung và Nam bộ và đem quân đánh úp cơ quan UBNDCM tỉnh Ninh Thuận, bắt hầu hết các ủy viên của tỉnh, trong đó có Nguyễn Đình Mai. Tiếp đó chúng dùng cực hình tra tấn hòng lùng bắt hết cán bộ cách mạng của ta, đồng thời thị uy làm tan vỡ phong trào yêu nước trong Nhân dân. Nhưng với ý chí sắt đá của người cộng sản, Nguyễn Đình Mai và 3 đồng chí của mình là Lê Chí- UV phụ trách tài chính, Trần Đình Giang và Trần Nghiễm là Ủy viên phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền trong UBNDCM tỉnh Ninh Thuận vẫn kiên cường không khuất phục. Cuối cùng, ngày 08/6/1946, thực dân Pháp đã xử bắn Nguyễn Đình Mai và các đồng chí ta tại thôn Long Bình, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Suốt 29 năm Ninh Thuận nằm trong vùng chiếm đóng của thực dân Pháp và tiếp đó là đế quốc Mỹ, chúng đã thi hành nhiều chủ trương và hành động thâm độc như tố Cộng, diệt Cộng hòng đè bẹp ý chí cách mạng của Nhân dân ta, nhưng với truyền thống cách mạng và cảm phục trước tấm gương của Nguyễn Đình Mai và các cán bộ ta, phần mộ của các đồng chí luôn luôn được Nhân dân xã An Hải gìn giữ, bảo quản chu đáo. Năm 2002, sau khi cuốn “Lịch sử Đảng bộ Ninh Thuận” và cuốn “45 năm đấu tranh cách mạng Phan Rang- Tháp Chàm” được xuất bản, cùng với các nguồn tư liệu của các đồng chí lão thành cách mạng cùng thời, nhất là các thông tin từ znhân dân huyện Ninh Phước, cấp ủy,chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thành hồ sơ truy tặng liệt sỹ cho đồng chí Nguyễn Đình Mai cùng các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh. Ngay sau lễ truy điệu, ngày 22/8/2002 di hài liệt sỹ Nguyễn Đình Mai và các đồng chí cùng hy sinh được rước về tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Ninh Thuận. Với những công lao đóng góp to lớn cho Cách mạng, liệt sỹ Nguyễn Đình Mai đã được Đảng, Nhà nước truy tặng nhiều danh hiệu cao quý, Huân chương kháng chiến hạng hai, Huân chương độc lập hạng ba.

Trong suốt 9 năm chiến chống thực dân Pháp, từ nguồn tin của các cơ sở cách mạng ở Ninh Thuận chuyển ra, người thân và cấp ủy, chính quyền quê hương Trung Lương  đã nhận được tin dữ về sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Đình Mai nhưng do điều kiện đất nước còn bị chia cắt nên việc tìm kiếm phần mộ còn gác lại. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người em ruột của ông là Nguyễn Ngọc Lý đã cùng với các người cháu gọi ông bằng bác ruột như Nguyễn Ngọc Toàn, Nguyễn Ngọc Phát… thay mặt gia đình, dòng họ, liên lạc với nhiều đồng chí lão thành cách mạng là bạn chiến đấu trên mặt trận Ninh Thuận thời bấy giờ và cấp ủy, chính quyền tỉnh Thuận Hải, nay là Ninh Thuận, lập hồ sơ tôn vinh sự hy sinh đóng góp của ông và tìm về thôn Long Bình, xã An Hải, huyện Ninh Phước nơi địch xử bắn, cũng là nơi  ông và 3 đồng chí hy sinh oanh liệt và an nghỉ tại đây, đồng thời tri ân tổ chức Đảng cùng Nhân dân sở tại đã không quản sự hiểm nguy luôn chăm lo gìn giữ phần mộ các liệt sỹ. Cho đến năm 2002 cùng với cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Thuận, Huyện ủy, UBND, UBMTTQ và Nhân dân huyện Ninh Phước đã long trọng làm lễ truy điệu, ghi công liệt sỹ Nguyễn Đình Mai và rước di hài của ông về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời thể theo di nguyện của những người em ruột của ông ở quê hương Trung Lương, con cháu, dòng họ đã rước anh linh của ông về thờ tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Ngọc tại TDP Trung Hậu, phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh, quê hương ông.

Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự hy sinh oanh liệt của Nguyễn Đình Mai là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tận trung với nước, với Đảng, tận hiếu với dân. Tấm gương về chiến đấu, hy sinh của Nguyễn Đình Mai không những làm sáng ngời truyền thống của Đảng bộ Ninh Thuận mà còn tiếp tục khẳng định truyền thống thông minh, sáng tạo, anh hũng kiên cường của con người Hà Tĩnh./.

Nguyễn Trường Thiện

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP