Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Tiến độ giải ngân thấp, các “siêu Ban” lý giải nguyên nhân

Đến giữa tháng 5/2022, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh chưa đến 10%, thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiến độ này được đẩy nhanh vào tháng 6, tháng 7/2022, nhưng đến nay vẫn chỉ mới đạt ở mức trên 35%, chưa đạt như kỳ vọng.

Dẫu từ trung tuần tháng 6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định thành lập 3 tổ công tác, mỗi tổ do 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, cả chủ quan lẫn khách quan. Đó là những nguyên nhân, thực trạng chung mà các địa phương khác nằm ở TOP “đội sổ” giải ngân vốn đầu tư công gặp phải, không riêng gì Hà Tĩnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công Tiểu dự án nâng cấp tuyến đường An - Viên - Mỹ - Thành vào ngày 23/5 (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).


PV báo Bảo vệ pháp luật đã tìm gặp lãnh đạo các “siêu Ban” quản lý dự án ở Hà Tĩnh để hiểu hơn về thực trạng chung này.

Tại Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, ông Bùi Huy Cường - Giám đốc BQL dự án cho biết, năm 2022 này là năm có đặc thù rất khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, bởi chịu tác động nhiều mặt.

Về khách quan, đó là “sốt đất”, biến động giá bất động sản khiến cho giá đất bị đẩy lên quá cao, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, khi người dân có đất vùng dự án yêu cầu đền bù giải phóng mặt bằng với giá cao.

Cùng với đó là “bão giá” nguyên vật liệu, giá xăng…tăng cao, cùng với những yếu tố về thời tiết, đã ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án, làm chậm tiến độ các công trình.

Về chủ quan, đó là quy trình, thủ tục triển khai các dự án chậm. Về phía các nhà thầu dẫu đã trúng thầu rồi nhưng vẫn không “mặn mà” làm dự án.

Ông Bùi Huy Cường - Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh.


“Vì bão giá, giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng quá cao, khiến nhiều nhà thầu không mặn mà làm dự án, vì làm là lỗ, họ chỉ làm cầm chừng vì danh dự, uy tín chứ không làm để đẩy nhanh tiến độ công trình” – Ông Bùi Huy Cường cho biết.

Ông Bùi Huy Cường còn cho biết một thực trạng đó là có đơn vị đã trúng thầu rồi nhưng định bỏ thầu vì không thể làm, phía BQL dự án phải mời lên làm việc để tháo gỡ.

“Dẫu có chế tài xử phạt việc chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng…có thể chấm dứt với nhà thầu. Nhưng để đấu thầu lại cũng là rất khó, vì có nhiều vấn đề phát sinh. Nhiều khi chúng tôi sẵn sàng cho giải ngân đến 50% dự án, nhưng vẫn bất cập, nhà thầu vẫn chậm làm, dẫu vừa động viên, vừa dọa phạt, chấm dứt hợp đồng” – Ông Bùi Huy Cường cho biết.

Được biết, đến nay tổng nguồn vốn do BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quản lý chừng 400 tỉ đồng. Tiến độ giải ngân đến nay chỉ mới đạt 30%.

Theo ông Bùi Huy Cường, từ nay đến cuối năm, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng giải ngân được 80-90%.

Tại BQL dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh, ông Hà Văn Trà – Giám đốc BQL dự án cũng nêu ra những khó khăn chung về bão giá, biến động giá ảnh hưởng đến việc triển khai dự án, công trình, cũng như tiến độ thi công công trình. Bởi các hợp đồng thi công do BQL quản lý là hợp đồng trọn gói, nhiều nhà thầu không mặn mà làm, vì làm là lỗ.

Việc đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn, do tính đặc thù.


Trong đó, ông Hà Văn Trà nhấn mạnh các công trình, dự án do Ban quản lý mang tính đặc thù, nhất là các công trình thủy lợi hồ và kênh có nhiều bất cập trong việc triển khai.

“Ban nông nghiệp là Ban đặc thù, vừa làm vừa vận vận hành, ví dụ như kênh, khi sửa thì phải ngừng tưới; Hồ thì tích nước, muốn sửa thì phải tháo nước. Chúng tôi phải đảm bảo 2 nhiệm vụ trữ nước và tưới nước theo đúng thời vụ và nhiệm vụ xây dựng và quản lý dự án. Do đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình” – Ông Hà Văn Trà cho biết.

Theo ông Trà, các công trình dự án do Ban quản lý, một năm như vậy chỉ có khoảng 3 tháng là làm được dự án, vì mưa gió không làm được, rồi thời gian tưới tiêu chiếm mất 50%.

“Với các công trình khác, không vướng gì cả thì làm được 9 tháng là tối đa. Còn đối với công trình thủy lợi thì may lắm được 40 đến 50%” – ông Trà cho biết.

“Đó là thời gian thi công. Chúng tôi còn có cái khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình nữa là nhân công, huy động con người cực kỳ khó khăn. Vì đặc thù công trình làm gián đoạn, làm 10 ngày nghỉ 10 ngày, khi làm lại kêu nhân công rất khó” – Ông Trà cho biết thêm.

Theo ông Hà Văn Trà, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại BQL dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh chậm nhất từ trước đến nay.

“Như mọi năm trong 6 tháng đầu năm giải ngân được 30-40%, nhưng năm này chỉ mới ở mức 20%. Hiện chúng tôi mới giải ngân được chừng 100 tỉ/500 tỉ nguồn vốn” – Ông Hà Văn Trà cho biết.

Tại BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Văn Tùng - Giám đốc BQL cũng lý giải những nguyên nhân chính khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó nhấn mạnh về quy trình, thủ tục, phê duyệt đấu thầu là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chậm được triển khai, khi triển khai được rồi thì gặp…bão giá.

“Giá cả sau 2 năm tăng đột biết. Chỉ tính từ năm 2021 đến 2022 này, các loại vật liệu, xăng dầu, nhựa đường, sắt thép tăng đến 60%. Nếu đơn vị nào cuối 2021 ký hợp đồng trọn gói, đến năm 2022 làm chưa xong thì làm là lỗ. Có nhà thầu chấp nhận bị phạt hợp đồng, hủy hợp đồng, họ chấp nhận mất uy tín để cắt lỗ, vì làm là lỗ” – Ông Trần Văn Tùng lý giải.

Ông Trần Văn Tùng - Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh.


Ông Tùng cũng lý giải thêm một nguyên nhân khiến tiến độ các công trình chậm, là nguồn vật liệu, như đất mỏ quá hạn chế, dẫn tới giá cao. Việc điều chỉnh giá cho các gói thầu, dự án không theo kịp thị trường. Rồi việc siết chặt phương tiện quá khổ quá tải, xăng dầu tăng cao, các nhà xe chở vật liệu không dám chạy…

Theo ông Tùng, đến nay Ban đang quản lý tổng nguồn vốn 410 tỉ đồng. Hiện mới giải ngân khoảng 25%. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022 sẽ giải ngân hết 100%.

Giải pháp được ông Tùng đưa ra: “Bên Ban chúng tôi có giải pháp. Các nhà thầu nếu vi phạm lần 1 phê bình, lần 2 phê bình, nhưng lần 3 thì cắt khối lượng, chuyển sang nhà thầu khác trong liên danh hoặc 1 nhà thầu khác đủ năng lực để thi công. Trường hợp cuối cùng nhà thầu không làm được gì nữa thì cắt hợp đồng, hệ lụy nhà thầu phải gánh chịu”.

Tại BQL dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo BQL dự án cũng nêu ra những nguyên nhân chính như: Giải phóng mặt bằng chậm, bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư chậm, công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài, liên quan đến công tác thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư (qua nhiều cấp, sở ban ngành).

“Theo Luật, muốn đền bù giải phóng mặt bằng, đối với dự án thu hồi đất lúa trên 10ha thì thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ. Nhưng quy trình để ra được cái quyết định thu hồi đó thì rất lâu, từ xã huyện lên tỉnh, từ tỉnh ra Bộ TNMT, rồi mới lên Chính phủ, có khi phải vòng đi vòng lại, kéo dài thời gian. Cái này cần phải sửa Luật, phân cấp cho địa phương” – Lãnh đạo BQL dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Ban này, hiện nay Hà Tĩnh đang làm tương đối chậm về phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 ở cấp huyện.

“Hiện chỉ có TP Hà Tĩnh là có quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, các huyện khác thì chưa. Mà tỉnh chưa phê duyệt được quy hoạch sử dụng đất đến 2030 thì vẫn chưa đủ điều kiện để thu hồi đất triển khai các dự án. Muốn thu hồi phải có trong quy hoạch, mà quy hoạch chưa được phê duyệt thì còn thiếu điều kiện” – Lãnh đạo BQL dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh lý giải.

Ngoài ra, việc bố trí nguồn vốn chậm, cũng khiến cho công tác chuẩn bị đầu tư bị kéo dài, khiến tiến triển khai các dự án chậm, dẫn đến đầu thầu chậm, chưa tạm ứng vốn được nên không thể giải ngân, do đó tiến độ giải ngân cũng chậm theo.

Việc chậm phê duyệt, đấu thầu, triển khai dự án khiến một số công trình ở Hà Tĩnh gặp khó về tiến độ giải ngân.


Hiện tại BQL dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đang quản lý các dự án có nguồn vốn 681 tỉ đồng, nhưng chỉ mới giải ngân được chừng 30 tỉ đồng, vì các dự án đang chuẩn bị đầu tư, hơn tháng nữa mới đấu thầu xây lắp.

“Vì chưa đấu thầu, chưa tạm ứng vốn được, nên chưa giải ngân được” - Lãnh đạo BQL dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Như vậy, có thể thấy có rất nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh chậm trễ. Đó là những nguyên nhân, thực trạng mà gần như các địa phương trên cả nước đều gặp phải.

Trong khi tìm hiểu, lý giải những nguyên nhân đó, người viết còn nhận thấy một thực trạng dẫn đến việc chậm trễ triển khai các công trình, dự án, dẫn đến chậm giải ngân trên địa bàn Hà Tĩnh, đó là: Năm 2022 này là năm chuẩn bị đầu tư nguồn vốn trung hạn 2021 – 2025. Gần như toàn bộ đầu tư công được phê duyệt trong năm này, nhưng có một thực tế, trong giai đoạn này định biên chuyên trách để làm các thủ tục như thẩm định, phê duyệt… đang rất thiếu. Dẫu bình thường, định biên đó là đủ.

Nên chăng, ở từng phân cấp dự án, lãnh đạo các sở ban ngành và cấp huyện nên điều chuyển, biệt phái những cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ tương ứng về tạm thời phòng, bộ phận đó xử lý theo sự vụ, đầu việc, sau đó rút về khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc tăng cường thời gian làm việc, đẩy nhanh tiến độ đầu việc triển khai dự án… Như vậy, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn từ nay đến cuối năm 2022, và những năm tiếp theo.

Trả lời báo chí, ông Trần Việt Hà – Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho biết các giải pháp cần tập trung thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là: Hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công các công trình mới, đặc biệt là các dự án đã được giao kế hoạch vốn từ đầu năm; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với việc đảm bảo chất lượng công trình; tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát, dự kiến khả năng giải ngân kế hoạch vốn của từng dự án để điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Tác giả: Bùi Tiến

Nguồn tin: Báo BVPL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP