Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Bị “mất” đường đi, dân góp tiền làm cầu vượt kênh Ngàn Trươi

Liên quan đến đơn thư kiến nghị của ông Hoàng Văn Trinh - Bí thư chi bộ, Trưởng ban Mặt trận thôn Thanh Phúc, xã Đức Đồng (Đức Thọ - Hà Tĩnh) về việc tuyến đường dân sinh bị hệ thống kênh mương Ngàn Trươi - Cẩm Trang “cắt đứt”, gây khó khăn trở ngại cho việc đi lại sản xuất của người dân, buộc họ phải đóng góp công sức, tiền của làm chiếc cầu bắc qua để đi tạm.

Đơn kiến nghị của ông Hoàng Văn Trinh - Bí thư chi bộ, Trưởng ban Mặt trận thôn Thanh Phúc, xã Đức Đồng, huyện Đức Tho, tỉnh Hà Tĩnh.

Mất đường, góp tiền làm cầu

Theo đơn, ông Hoàng Văn Trinh cho rằng: “Trong quá trình khảo sát thiết kế, công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, do không lấy ý kiến của nhân dân nên đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Tuyến đường dân sinh của trên 150 hộ dân thường xuyên đi lại thì không xây cầu. Trong khi đó, phía cuối thôn Thanh Phúc lại được bố trí một cây cầu mà hiện tại và lâu dài người dân không có nhu cầu qua lại”.

Ông Trinh cho biết, cán bộ và nhân dân thôn Thanh Phúc đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, đề nghị xem xét, bổ sung thêm cầu dân sinh để nhân dân thuận tiện trong việc đi lại sản xuất nhưng không được giải quyết.

Cũng theo ông Trinh, nếu không được giải thích thấu đáo, cán bộ và nhân dân thôn Thanh Phúc sẽ gửi đơn kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để đề nghị giám sát lại công trình vì có quá nhiều bất cập.

Ghi nhận tại hiện trường, một chiếc cầu rộng khoảng 1,2m đã được người dân bắc qua kênh. Khung cầu được làm từ thân cây bạch đàn, mặt cầu được ghép bởi những cành cây, ống tre, tấm ván. Cầu có lan can một bên nhưng hết sức nguy hiểm vì chiều cao từ đỉnh xuống chân cầu khoảng 4m.

Theo tìm hiểu của PV, cầu do người dân tự làm, ai rỗi lúc nào thì tham gia lúc đó. Thời gian làm cầu mất 3 ngày, mỗi ngày khoảng 15 người. Vật liệu để làm cầu được mua từ tiền đóng góp mỗi nhà 200 ngàn. Tổng chi phí hết 6,6 triệu đồng.

Văn bản của UBND xã Đức Đồng gửi UBND huyện Đức Thọ và BQL dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang đề nghị bổ sung thêm một cầu dân sinh tại vị trí Km11 phục vụ nhân dân đi lại sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Võ Văn Sinh, 80 tuổi, 55 tuổi Đảng, cán bộ Quân đội nghỉ hưu cho biết: “Đây là con đường chính để ra đồng, ra nghĩa trang của người dân chúng tôi, bởi tất cả diện tích trồng trọt gần 70 ha đều tập trung ngoài này. Nên khi mất đường, chúng tôi như người bị cụt chân cụt tay”.

“Khi họ làm kênh, chúng tôi cứ nghĩ sau đó họ sẽ cho xây cầu. Nếu biết không có cầu thì người dân chúng tôi sẽ không cho đào con đường này. Chúng tôi sắp chết rồi mà vẫn không có đường để đi chôn”, ông Sinh bức xúc.

Ông Nguyễn Công Trường, 60 tuổi, tiếp lời: “Bức bách về việc đi lại bị trắc trở nên người dân chúng tôi bàn nhau làm cái cầu để đi tạm và thống nhất đặt tên là Cầu Bức”. Thấy chúng tôi tò mò, ông giải thích: “Bức nghĩa là bức xúc. Bức xúc vì cái đường dân sinh có từ hàng trăm năm trước, nay bỗng dưng biến mất, gây khó khăn trở ngại vô cùng”.

Ông Võ Văn Sinh, 80 tuổi, 55 tuổi Đảng; ông Nguyễn Công Trường cùng một số người dân thôn Thanh Phúc đang trao đổi với PV Báo Xây dựng.

Đó là nguyện vọng chính đáng

Ông Hoàng Văn Khoa, 60 tuổi - Nguyên Bí thư, chủ tịch xã Đức Đồng vừa nghỉ hưu chia sẻ: “Từng là cán bộ địa phương, tôi luôn động viên, nhắc nhở nhân dân chấp hành pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công làm việc. Tuy nhiên thấy quá bất cập nên thông qua Chi bộ, 50 đảng viên đã đề xuất, kiến nghị lên chính quyền xã, huyện, BQL dự án để xem xét”.

“Ngoài đường huyện lộ thì thôn Thanh Phúc có 3 trục đường chính qua kênh ra đồng làm ăn. Hiện nay trên 3 trục đường này không có một cây cầu nào cả, trong khi đó ở hai đầu xóm lại bố trí hai cầu nhưng không có nhu cầu sử dụng”, ông Khoa nói thêm.

Rất đông người dân thôn Thanh Phúc tập trung trên cầu tự làm để phản ánh việc mất đường dân sinh, gây khó khăn trở ngại trong lao động sản xuất.

Phóng viên đặt câu hỏi, tại sao ở hai đầu đã có hai cây cầu mà người dân vẫn dựng thêm cầu này? Ông Khoa giải thích: “Cầu phía thượng nguồn, trước đây là đê chắn, chỉ phục vụ cho 7 hộ dân và là đường dẫn lên núi để tránh lũ cho người và vật nuôi. Nếu làm vuông góc với kênh thì nhân dân qua lại vẫn được, đằng này lại làm chéo, tạo nên góc nhọn nên khi mùa màng chở nặng, cua theo bờ kênh là rất khó”.

“Còn cầu huyện lộ, khoảng cách từ cầu xuống mặt kênh chênh nhau cỡ hai mét. Khi từ ngoài đồng về, phải xuống hết dốc cầu vào tận trong làng rồi lại vòng ra bờ kênh để về thì bất tiện lắm”.

“Cũng trên địa bàn thôn này, trong tư vấn thiết kế có một cây cầu mà từ trước tới nay hầu như không có người dân qua lại, mà về lâu dài cũng không có người sử dụng thì lại bố trí một cây cầu. Thật không thể hiểu”, ông Khoa nói thêm.

Cũng theo ông Khoa, Chi bộ có đề xuất nếu không có kinh phí thì đề nghị chuyển cầu không sử dụng lên vị trí này nhưng ông Nguyễn Hồng Lam - phó BQL dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang nói rằng khoảng cách giữa hai cầu này là chưa quá 500m nên không thể bố trí thêm.

“Tôi cho rằng BQL dự án hơi bảo thủ, máy móc và không quan tâm đến người dân. Khi khảo sát chỉ thông qua chính quyền địa phương nhưng không thăm dò, không lấy ý kiến của người dân nên dẫn đến sai. Mà sai đang sửa được thì nên sửa, không nên để dân bức xúc”, ông Khoa thẳng thắn.

Cây cầu được xây dựng trong sự bức xúc của người dân vì trước đây và sau này đều không có nhu cầu sử dụng.

Trao đổi với PV, ông Trần Tình - Chủ tịch UBND xã Đức Đồng cho biết: “Người dân và Chi bộ thôn Thanh Phúc đã gửi đơn lên chính quyền địa phương, BQL dự án, huyện, tỉnh, đề nghị bổ sung thêm cầu dân sinh tại vị trí Km11 nhưng Ban giải thích là khẩu độ giữa hai cầu chưa quá 500m nên không bổ sung thêm”.

“Kiến nghị của nhân dân để bổ sung cầu dân sinh là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng nhưng việc họ tự ý bắc cầu qua kênh khi công trình đang thi công là sai. Hiện tại tôi đã làm báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của huyện”.

Công trình hồ chứa nước Ngàn Trươi có dung tích 775 triệu m³ nước, cao trình đập 53,9m, bề rộng đỉnh đập 12m, là một trong ba hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay (chỉ sau hồ Dầu Tiếng và hồ Cửa Đạt), có tổng mức đầu tư khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng.

Đây là một công trình trọng điểm quốc gia, đồng thời là công trình thuỷ lợi đa mục tiêu, vừa cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông, công nghiệp vừa kinh doanh thuỷ điện.

Khi hoàn thành hồ sẽ ngập trên một vùng diện tích gần 4.000 ha, chủ yếu rơi vào khu vực rừng của Vườn quốc gia Vũ Quang; cung cấp nước tưới cho 32.585 ha đất canh tác nông nghiệp cho 8 huyện ở Hà Tĩnh.

Ngoài ra dự án còn tạo môi trường nuôi trồng 5.991ha thủy sản; cung cấp nguồn nước cho mỏ sắt Thạch Khê; giảm lũ và cải tạo môi trường sinh thái hạ du phát triển du lịch.

Tác giả: Trần Hoàn - Phi Long

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP