Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Bất cập trong thi công dự án ‘Hệ thống điện chiếu sáng’ hàng chục tỷ đồng

Để thay thế hệ thống chiếu sáng cũ bị hỏng và thuận lợi đi lại về đêm, huyện Nghi Xuân triển khai dự án “Hệ thống điện chiếu sáng tuyến đường Gia Lách đi Khu di tích Nguyễn Du” với tổng mức đầu tư 27,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thi công dự án đang tồn tại bất cập khiến người dân phản ánh...

Phản ánh tới báo Nhà báo & Công luận, nhiều người dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vừa ngỡ ngàng, vừa tiếc nuối khi hàng trăm tỷ đồng đầu tư dự án nâng cấp tuyến đường Gia Lách đi Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du vừa mới trải thảm bê tông nhựa chưa được bao lâu, đã bị đào xới để thực hiện một dự án hệ thống điện chiếu sáng khác, gây lãng phí. Bên cạnh đó, việc khảo sát phục vụ các bước thiết kế xây dựng dự án hệ thống điện chiếu sáng chưa tốt, dẫn đến khoảng cách giữa đèn chiếu sáng và điện cao thế không đảm bảo an toàn.

Khoảng cách giữa đèn chiếu sáng và điện cao thế ở 3 điểm không đảm bảo an toàn.


Theo tài liệu của phóng viên có được, dự án Hệ thống điện chiếu sáng trên tuyến đường Gia Lách đi Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, với tổng chiều dài L= 6.700m, gồm 338 cột, đèn. Cột đèn sử dụng cột thép tròn côn mạ kẽm nhúng nóng, trong đó 335 cột có chiều cao H=10m, 03 cột có chiều cao H=14m. Bóng đèn sử dụng đèn LED loại 143W và 225W; dây dẫn cấp điện sử dụng cáp ngầm. Nguồn điện cấp cho 4 tủ điều khiển chiếu sáng lắp đặt mới lấy từ tủ hạ thế của 4 trạm biến áp: Xuân An 13, Xuân An 14, Nghi Xuân 6, Nghi Xuân 1…., tổng mức đầu tư hơn 27,5 tỷ đồng (riêng chi phí xây dựng hơn 22 tỷ), do UBND huyện Nghi Xuân làm chủ đầu tư. Đây là dự án trọng điểm nhóm C; công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp III.

Mục tiêu của dự án là sau khi được đầu tư xây dựng sẽ thay thế cho hệ thống chiếu sáng cũ bị hư hỏng, lạc hậu, không đủ độ chiếu sáng cho mặt đường mở rộng hiện nay và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại về ban đêm của nhân dân trong vùng và du khách đến tham quan Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, khu du lịch bãi biển Xuân Thành, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo Quốc phòng – An ninh trên địa phương và nhằm chỉnh trang đô thị văn minh hiện đại.

Dự án được UBND huyện Nghi Xuân phê duyệt tháng 12/2019; Nguồn vốn đầu tư là ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và Chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đơn vị lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán là Công ty Cổ phần ACI Việt Nam; đơn vị thi công là Quang Huy ở Vũng Tàu và Giám sát là công ty xây lắp điện Hà An ở huyện Nghi Xuân. Thời gian thực hiện dự án: năm 2019-2020.

Tuyến đường vừa trải thảm bê tông nhựa đã bị đào xới gây lãng phí.


Theo người dân địa phương phản ánh, tuyến đường Gia Lách đi Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du giai đoạn 2 mới được nâng cấp, trải thảm nhựa bê tông nóng với kinh phí mấy trăm tỷ đồng. Có đường mới bà con ai cũng mừng nhưng chưa đầy một năm, tuyến đường này lại bị đào tung lên, thật lãng phí.

“Khi làm đường thì không đặt ống trước để luồn dây điện cho hệ thống chiếu sáng. Khi đường hoàn thành đẹp rồi thì lại đi cắt, đào đường nhựa ở các đoạn giao nhau với đường nhánh để đặt ống kéo điện chiếu sáng. Vẫn biết là sau khi thi công xong hệ thống điện chiếu sáng, chủ đầu tư sẽ trả lại mặt bằng cho tuyến đường như cũ nhưng rất khó đảm bảo chất lượng như ban đầu”, ông H., một người dân nơi đây bức xúc nói.

Đường thảm nhựa mới hoàn thành bị cắt để kéo dây điện ngầm


Trao đổi với ông N.V.M ở xã Xuân Giang cho biết, trong quá trình thi công hệ thống điện chiếu sáng, công nhân tiến hành đào bới đường để lắp đặt ống ngầm kéo dây điện, rồi chậm hoàn trả mặt bằng đường sá gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. “Theo quan sát bằng mắt thường của tôi thì có vài điểm khoảng cách giữa cột đèn điện chiếu sáng với cột điện cao thế phía trên có hơi gần, không biết liệu có an toàn không?”, ông M. nghi vấn.

Ghi nhận của phóng viên, có một bộ phận công nhân đang kéo dây điện để dựng cột đèn chiếu sáng. Tại các điểm giao nhau với đường nhánh, đơn vị thi công cắt đường nhựa, đào rãnh để đặt ống kéo dây điện ngầm, nhưng vẫn chưa hoàn trả mặt bằng đường sá. Có nhiều điểm đơn vị thi công dùng những tấm bê tông nhựa cũ đặt nhô lên trên mặt đường, chỗ rãnh vừa đào, khi người khi tham gia giao thông đè lên thì nhựa đường bay ra vung vãi…

Đổ hàng chục tỷ làm đường thảm bê tông nhựa xong lại đào lên lắp ống điện chiếu sáng


Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng ban quản lý đầu tư xây dựng cơ bản huyện Nghi Xuân cho biết: Dự án nâng cấp tuyến đường Gia Lách đi Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du có 2 giai đoạn. Giai đoạn 2 của dự án đường này được phê duyệt năm 2016. Còn dự án hệ thống điện chiếu sáng trên tuyến đường Gia Lách đi Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là có sau (từ tháng 5/2020). Trong quá trình làm đường không đặt ống ngầm trước là vì khi đó dự án hệ thống điện chiếu sáng chưa được phê duyệt.

“Tại các điểm đường thảm nhựa giao nhau với đường nhánh sau đào lên để lấp ống xong, trong thiết kế là phải có hoàn trả. Họ đã đào đặt ống, hiện đang tổ chức kéo dây. Đúng ra thì khi đào xong là phải hoàn trả sớm để người dân đi lại cho thuận tiện, nhưng vì nguyên nhân: nếu trong quá trình kéo dây mà bị vướng mắc ở chỗ nào đó thì phải đào lên làm lại, mà đào lên làm lại lần nữa thì rất dở, vì dân không hiểu lại chất vấn: tiền đâu mà cứ đào đi đào lại, gây lãng phí, nên đợi khi nào kéo dây xong thì anh em mới tiến hành hoàn trả”, ông Hải giải thích.

Theo Trưởng ban quản lý đầu tư xây dựng cơ bản huyện Nghi Xuân Nguyễn Xuân Hải, thì đối với đường thảm này mà phải cắt là bất đắc dĩ vì làm lại sẽ gây hỏng đường. Đường thảm này anh em đào lên lấp ống xong, đang lấy thảm cũ để tạm cho người dân đi đã, sau sẽ cạy toàn bộ thảm cũ lên để làm lại. Hiện tại vẫn chưa bàn giao, còn có một đoạn từ bưu điện huyện về Xuân Giang vẫn chưa dựng cột. Anh em đã có kế hoạch hoàn trả, cố gắng bàn giao trong tháng 9 này.

Đào bới đường tại các điểm giao nhánh chậm hoàn trả.


Liên quan đến khoảng cách an toàn giữa cột đèn chiếu sáng và đường điện cao thế ở phía trên, ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng ban quản lý đầu tư xây dựng cơ bản huyện Nghi Xuân thừa nhận có 3 điểm không đảm bảo khoảng cách an toàn.

Nguyên nhân được ông Hải cho biết, ở hệ thống điện chiếu sáng này có đường điện 35 đi phía trên mới hoàn thành năm 2017. Trên tuyến đường này có 2 đoạn ở nhà máy sứ và đoạn Xuân Giang ngày xưa rất thấp, nên tại 2 điểm này đường được nâng lên cao gần 2m, dẫn đến cột điện cao thế bị thấp xuống. Cột điện cao thế lại là điện trần, sợ khoảng cách giữa cột đèn chiếu sáng với cột điện cao thế không đảm bảo sẽ bị phóng điện. Hiện tại 2 điểm này vẫn chưa dựng cột, có điểm cột đang dựng chưa xong thì phải tháo ra.

“Lúc đầu đưa ra 2 phương án xử lý an toàn: một là là nâng cột điện cao thế, hai là cắt ngắn cột đèn chiếu sáng. Nếu cắt ngắn cột đèn chiếu sáng thì sẽ dẫn đến cột cao, cột thấp làm mất thẩm mỹ, nên chúng tôi thống nhất chọn phương án nâng cột điện cao thế. Hiện huyện đang làm việc với Sở Công Thương xin cho xử lý thay xà, nâng 3 cột điện cao thế lên để cho an toàn”, ông Hải cho biết thêm.

Tác giả: Trần Phong – Huy Hùng

Nguồn tin: Báo Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP