Tin Hà Tĩnh

Formosa tuyển hơn 1.000 lao động: Không tuyển nước ngoài

Hà Tĩnh không có chủ trương tuyển lao động nước ngoài làm việc tại Formosa. Nếu địa phương thiếu sẽ tuyển các tỉnh và khu vực lân cận.

Tuyển đủ lao động trong nước

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản về việc tuyển dụng lao động cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bởi theo công ty này, trước đó họ chỉ tuyển được 78% lao động.

Theo kế hoạch, Formosa Hà Tĩnh cần tuyển 1254 lao động, trong đó hệ từ đại học trở lên là 167 người, hệ cao đẳng và trung cấp là 673 người, chưa qua đào tạo 414 người.

Chiều 29/8, trao đổi với Đất Việt, ông Dương Tất Thắng - Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh xác nhận thông tin tỉnh đã có văn bản giao các ngành chức năng thực hiện việc tuyển lao động cho Công ty Formosa.

“Trên địa bàn thì Ban quản lý khu kinh tế có trách nhiệm tuyển lao động. Họ có trung tâm cung ứng nguồn nhân lực nên sẽ tiếp nhận và tuyển lao động cho các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Thắng khẳng định.

Formosa Hà Tĩnh cần tuyển 1254 lao động trình độ từ cao đăng đến dưới phổ thông

Ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội Hà Tĩnh cũng xác nhận đơn vị này đang đang triển khai cho các huyện, thị, tiến hành họp để thống nhất với Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh để tuyển lao động cho Công ty Formosa.

“Chúng tôi mới triển khai vài ngày nên chưa tuyển đủ lao động. Thực tế thị trường lao động rất nhiều, trong nước và ngoài nước. Và người lao động có quyền lựa chọn những nơi tốt nhất để làm việc”, ông Lạc nói.

Trong khi đó, ông Phạm Trần Đệ, Phó Trưởng ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này đang triển khai tích cực bằng nhiều biện pháp để thông báo cho người lao động nộp hồ sơ dự tuyển theo đề nghị từ phía Formosa Hà Tĩnh.

“Formosa định tuyển 1254 lao động theo thống kê của họ và số lượng có thể thay đổi chút ít. Chúng tôi đã triển khai đến hết tất cả các huyện, thị, thành trong tỉnh để thông báo xuống các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra tỉnh cũng thông báo trên đài truyền hình, tất cả phương tiện để người dân có thể tiếp cận được.

Hiện nay chúng tôi đã nhận được đăng ký khoảng 700 người. Và dự kiến sẽ có khoảng 1500 người đăng ký”, ông Đệ chia sẻ.

Tuy nhiên tính đến thời điểm này có 2 vấn đề ông Đệ cảm thấy lo lắng.

Thứ nhất, hiện nay lực lượng lao động chưa có việc làm trình độ đại học đăng ký với tỉnh đang chiếm một nửa so với số còn lại. Trong khi nhu cầu của Formosa lại chủ yếu tuyển lao động trực tiếp, tức là lao động trình độ cao đẳng trở xuống. Trong số 1254 chỉ tiêu chỉ có 167 suất tuyển đại học, còn gần 1100 chỉ tiêu còn lại chỉ tuyển cao đẳng, trung cấp và lao động phổ thông.

Thứ hai, đối với Formosa, lao động qua đào tạo thì họ chủ yếu tuyển lao động kỹ thuật, cơ khí, tự động hóa, điện chứ các ngành khác như kế toán dù có tuyển nhưng chỉ 1 hoặc chỉ tiêu không đáng kể.

“Cho nên cơ hội tìm kiếm được việc làm không phải với tất cả mọi người. Chỉ có người những người học ngành kỹ thuật và những người trình độ cao đẳng trở xuống thì khả năng tìm việc làm mới tốt hơn”, ông Đệ nhấn mạnh.

Trong trường hợp không thể tuyển đủ số lao động trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của Formosa Hà Tĩnh, ông Phạm Trần Đệ cho hay, sẽ phối hợp với Formosa để tuyển dụng ở các tỉnh lân cận như: Nghệ An, Quảng Bình và các địa điểm khác.

“Tỉnh và Formosa không tính đến chuyện đem lao động nước ngoài sang làm việc. Bởi lẽ chính sách của Việt Nam dành ưu tiên cho lao động trong nước, không ưu tiên tuyển lao động nước ngoài.

Hơn nữa chi phí cho lao động nước ngoài cao hơn 3-4 lần so với lao động Việt Nam nên Formosa không dễ dàng gì sử dụng số lượng lớn”, ông Đệ chia sẻ thêm.

Tránh bài học Vĩnh Tân

Trao đổi thêm với Đất Việt trước thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện Xã hội học và Khoa học quản lý nhận định, lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được những yêu cầu mà phía Formosa Hà Tĩnh đặt ra.

Tuy nhiên nếu Formosa có hướng phát triển và UBND tỉnh Hà Tĩnh biết được nhu cầu tuyển dụng về việc làm thì có thể tư vấn cho các trường đại học trên địa bàn, sinh viên, học viên học. Từ đó chúng ta sẽ có đội ngũ lao động đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Trong xu thế công nghiệp hóa hiện đại hóa như hiện nay, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri thừa nhận ngoài nguồn lao động trong nước thì còn có một lượng lớn từ người nước sẵn sàng vào Việt Nam để làm việc.

Ông Tri dẫn chứng trường hợp nhiệt điện Vĩnh Tân. Theo ông Tri, ban đầu chỉ có một số lượng ít kỹ sư, cán bộ người Trung Quốc làm việc tại đây. Tuy nhiên về sau, rất đông lao động tại nước này đã sang Việt Nam làm việc, thậm chí có tình trạng làm việc “chui” khi chưa có giấy phép.

“Việc này tạo ra rất nhiều khó khăn cho chúng ta trong quá trình phát triển, nhiều vấn đề xã hội kèm theo.

Điều này làm nảy sinh nguy cơ thất nghiệp của lao động trong nước. Hơn nữa các doanh nghiệp hiện được cấp phép 50 năm, thậm chí 60-70 năm. Nhiều lao động Trung Quốc sang làm việc rồi lấy vợ Việt Nam. Việc này cũng khiến các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn hơn”, ông Tri lo ngại.

Đối với vấn đề tuyển lao động của Formosa Hà Tĩnh, ông Tri cho rằng cần ưu tiên cho lao động người Việt Nam.

Về lâu dài, tỉnh phải có một chiến lược, tiến hành liên kết và quan hệ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI để thu hút nguồn nhân lực của địa phương, phục vụ phát triển kinh tế nói chung và kinh tế địa phương.

Tác giả: Nguyễn Hoàn

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP