Formosa xả thải

Diễn tập phòng, chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn ở Cẩm Xuyên

Huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công cuộc diễn tập phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2014 trong hai ngày 17 và 18-7. Tham dự và chỉ đạo có đại diện lãnh đạo Quân khu 4, đồng chí Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Diễn tập cứu nạn trên biển

Đây là cuộc diễn tập với khối lượng công việc, lực lượng tham gia và cơ sở vật chất phương tiện, bảo đảm cho diễn tập rất lớn. Ban Chỉ đạo đã huy động trên 2.500 người, trên 20 phương tiện gồm xe khách vận chuyển người sơ tán, xe tải, xe cứu hỏa và 30 tàu thuyền, ca nô và hàng chục lượt xe ô tô phục vụ cho nhiệm vụ diễn tập. Nội dung diễn tập vận dụng theo phương châm “4 tại chỗ”, công tác tổ chức hết sức chặt chẽ, chu đáo, khẩn trương đảm bảo an toàn về người và phương tiện.
Bước vào diễn tập, ở phần vận hành cơ chế, tình huống giả định là: Cơn bão số 3 có cường độ mạnh cấp 11, 12 giật trên cấp 13 đổ bộ vào tỉnh Hà Tĩnh. Mưa to kéo dài trong nhiều giờ liền, mực nước ở các hồ đập và các vùng ven biển triều cường dâng cao, hàng nghìn hộ dân ở những khu vực xung yếu có nguy cơ ngập chìm trong nước. Trước tình hình khẩn cấp trên, UBND triệu tập cuộc họp khẩn cấp điều chỉnh bổ sung, triển khai kế hoạch PCLB – TKCN; giao nhiệm vụ hiệp đồng PCLB – TKCN cho các ban ngành, đoàn thể. Với phương châm “4 tại chỗ” Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chuẩn bị đầy đủ các phương án như: Kêu gọi tàu thuyền, bè trên biển về nơi tránh trú bão an toàn, sơ tán nhân dân ra khỏi các vùng trũng thấp nguy hiểm cũng như ở các bè nuôi thủy sản lên bờ an toàn; chuẩn bị các phương án bồi trúc đê kè cống xung yếu, chằng chống kho tàng, chuẩn bị nhân lực, vật lực chống bão và lương thực, nước uống, thuốc men, chăn màn cho nhân dân vùng sơ tán. Công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng được tính toán đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản của nhà nước và nhân dân khi đi sơ tán nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Lực lượng quân sự tham gia ứng cứu vỡ đê

Sau diễn tập vận hành cơ chế là diễn tập xử trí tình huống sơ tán và di dời nhân dân ở các vùng trọng yếu về nơi trú ẩn an toàn; đồng thời ứng cứu 5 tàu của ngư dân gặp nạn trên biển, lai dắt và đưa ngư dân gặp nạn cứu thương kịp thời. Đặc biệt là phần thực hành bồi đắp đê của lực lượng tại chỗ xã Cẩm Phúc và thị trấn Thiên Cầm đã chuẩn bị hàng trăm mét khối đất đá dự phòng, hơn 3000 bao tải, hàng nghìn cọc tre, phên tre sẵn sàng đối phó với tình huống vỡ đê. Bên cạnh đó huyện đã huy động hơn 500 dân quân nòng cốt, lực lượng công an, Ban CHQS huyện, biên phòng, cùng với các phương tiện như máy xúc, xe tải thực hành cơ động cùng với xã Cẩm Phúc ứng cứu đê kịp thời.
Điều ghi nhận ở cuộc diễn tập lần này là việc tổ chức và điều hành các cuộc họp từ cấp thành phố đến các ngành, đơn vị đảm bảo đầy đủ nội dung, nhận định, khả năng đánh giá diễn biến bão, nhất là dự kiến những địa bàn xung yếu có thể bị thiệt hại nặng nề sát với tình hình thực tế. Công tác triển khai, phân công nhiệm vụ cho các bộ phận, các lực lượng của từng ngành trong chuẩn bị phòng, chống bão cụ thể, chặt chẽ, thể hiện tính khẩn trương, nghiên túc của các đơn vị khi có tình huống xấu xảy ra. Trong quá trình thực hành xử lý tình huống, cơ bản các đơn vị thực hiện tốt các bước nhận định tình hình, đến triển khai nhanh các biện pháp xử lý ban đầu, nội dung cụ thể, sát với thực tế theo tình huống đề ra.

Triển khai kế hoạch sơ tán nhân dân

Kết luận diễn tập, Phó Chủ tịch Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Để kịp thời ứng phó với cơn bão số 2 đang ảnh hưởng trực tiếp vào đất liền. Ngay sau diễn tập, Ban Chỉ huy PCLB – TKCN huyện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện nghiêm chế độ thường trực để kịp thời ứng phó, xử lý có hiệu quả các tình huống có thể do bão số 2 gây ra. Đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, xây dựng phương án để di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tăng cường kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình giao thông, thủy lợi, nhà ở, trường học, trạm y tế, bệnh viện, kho tàng bến bãi, cơ sở sản xuất, đê, cống dưới đê… có biện pháp cụ thể khắc phục kịp thời.

Tin, ảnh: DƯƠNG HOÀNG – VĂN ĐỨC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP