Giáo dục

"Điểm danh" 3 nữ nhà giáo trường nghề trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Ba ứng cử viên giáo dục nghề nghiệp vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đều là nữ và trúng cử với tỷ lệ tín nhiệm cao.

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình

Trong số 26 đại biểu là cán bộ, nhà giáo trong ngành giáo dục trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, có 3 đại biểu ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể:

Bà Nguyễn Thị Thu Dung, sinh năm 1969, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình trúng cử tại Đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Thái Bình với 254.666 phiếu, đạt tỷ lệ 75,90% số phiếu hợp lệ.

Bà Dương Minh Ánh, sinh năm 1975, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Bà Dương Minh Ánh trúng cử tại Đơn vị bầu cử số 3, TP Hà Nội với 356.648 phiếu, đạt tỷ lệ 74,56% số phiếu hợp lệ.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, sinh năm 1981, Trưởng khoa Nông Lâm - Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai trúng cử tại Đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Lào Cai với 197.354 phiếu, đạt tỷ lệ 82,89% số phiếu hợp lệ.

Trước khi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung đã được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung (Ảnh: Báo Thái Bình).


Nhiều vấn đề đã được Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung kiên trì theo đuổi suốt cả nhiệm kỳ hoạt động.

Điển hình là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành Y tế; về chế độ chính sách, giờ làm thêm, các quyền lợi của người lao động; việc cân đối thu chi quỹ bảo hiểm y tế để bảo đảm quyền lợi cho cả người khám chữa bệnh và cơ sở y tế.

Trong chương trình hành động, vận động tranh cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nữ hiệu trưởng này cho biết, có nhiều vấn đề bà quan tâm và băn khoăn, trăn trở như: Chính sách cho người có công, cho người nghèo, cho phụ nữ và trẻ em; chính sách đãi ngộ với nhân viên y tế, với giáo viên; chính sách cho cán bộ cơ sở; chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hóa; gắn chương trình giảm nghèo với chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp…

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Dương Minh Ánh cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIV. Theo bà, việc nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục là mối quan tâm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Bà Ánh cho biết, sẽ cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề xuất các cơ chế chính sách liên quan đến đội ngũ nhà giáo; nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp, có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề.

Bà Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.


Trưởng khoa Nông Lâm - Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng khoa Nông Lâm - Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai dành nhiều quan tâm đến phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn lực, đặc biệt là thế hệ trẻ. Xây dựng thế hệ có tâm, có tầm, có tài, có đức, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy trong thế hệ trẻ những hoài bão, khát vọng cống hiến vì đất nước phồn vinh, quê hương Lào Cai thịnh vượng.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng khoa Nông Lâm - Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai.


Được đại diện cho thế hệ nhà giáo trường nghề của tỉnh Lào Cai tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV, bà Lan Anh ấp ủ nhiều tâm huyết với phát triển kinh tế - xã hội và giáo dục nghề của địa phương.

"Là một nhà giáo tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn lực con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, để xây dựng được những thế hệ có tâm, có tầm, có tài, có đức, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và khơi dậy cho họ hoài bão, khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng", nhà giáo này cho biết.

Được biết, bà Lan Anh sẽ cùng đoàn đại biểu quốc hội của tỉnh đóng góp ý kiến với Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, tạo tiền đề để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục.

Theo nữ giáo viên này, tỉnh Lào Cai cần đẩy mạnh các chính sách và giải pháp để đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi ngành nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới công nghệ nhất là ở vùng núi, vùng khó khăn, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực mà tỉnh, huyện có thế mạnh và những ngành nghề thiếu nhân lực.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, đào tạo gắn với sử dụng lao động; mở rộng ngành nghề, đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, bà Lan Anh kiến nghị Quốc hội tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương thu hút cán bộ trẻ, các chuyên gia giỏi đến công tác tại các xã miền núi, nhất là các xã khó khăn đồng thời khuyến khích người dân sau khi được đào tạo trở về làm việc tại địa phương với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững.

Tác giả: Lệ Thu

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP