Nhân ái

Đau đớn cảnh mẹ tai biến nhịn ăn để nhường cho con trai mù bát cơm

Mỗi tháng chị nhận 405 nghìn đồng tiền trợ cấp xã hội, chia ra được hơn 13 nghìn/ ngày nhưng nhà trường thông báo con trai cần phải đóng tiền ăn sáng 120 nghìn/ tháng nên chị lại dành dụm để cho con. Tằn tiện hết mức có thể, chị phải nhịn cả bát cơm ăn hàng ngày để cố mua cho con được bộ quần áo và một vài quyển vở mới đi học.

Con đường nhỏ sau cơn mưa, càng trơn trượt, dễ ngã và mốc xanh rêu dẫn chúng tôi vào thăm gia đình mẹ con chị Phạm Thị Lạp theo sự chỉ đường của cô Nhữ Thị Hạnh - Chi hội trưởng hội phụ nữ thôn Quàn, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Đó là căn nhà nhỏ, loang lổ những vết nứt toác, đen xì và chằng chịt những tấm bạt che bởi những ngày mưa, trong nhà hay ngoài sân đều ướt như nhau. Ái ngại trước những gì mà chúng tôi đang nhìn thấy, cô Hạnh khe khẽ bảo: “Ở thôn này, mẹ con cô Lạp là khổ nhất. Thời trẻ cô ấy nhanh nhẹn, hoạt bát và làm được lắm, vậy mà số phận run rủn để giờ phải chịu khổ sở hơn cảnh chị Dậu thế này”.

Sinh con được hơn 1 tháng, chị Lạp bị cảm, dẫn đến tai biến liệt 2 chân và 1 bên tay.

Hiện tại chị đang ở 1 mình với mọi sinh hoạt tự túc.

Chỉ nghe có thế, chúng tôi cũng không dám hỏi cô Hạnh kĩ hơn ngay thời điểm đó bởi sợ người đàn bà chống gậy run run đang cố gắng đi trước mặt sẽ mủi lòng. Một tay không cử động được, tay còn lại yếu ớt nhưng chị Lạp vẫn cố nhắc cho được chiếc gậy chống từng bước để ra chào khách. Gương mặt chị buồn lặng lẽ và luôn cúi đầu khi nói chuyện để cố giấu đi hai hàng nước mắt đang chảy dài.

“Ngày trẻ, có bao giờ chị nghĩ bản thân mình lâm vào tình cảnh này đâu. Chị sinh ra khỏe mạnh, bình thường, đi lao động có tiền khá nữa đấy. Vậy mà…”

Cậu bé Thiện 16 tuổi, với mắt bên trái đã mù hoàn toàn, mắt bên phải còn nhìn thấy le lói sau 2 lần tai nạn.

Bỏ dở câu chuyện, cổ họng chị nghẹn đắng không nói được nữa khiến chúng tôi cũng rối bời. Là hình ảnh của chị ngày còn trẻ, ngày mà chị có sức khỏe, có việc làm nhưng lại thiếu hạnh phúc lứa đôi để rồi phải chấp nhận trong mối quan hệ “già nhân ngãi, non vợ chồng” với một người đàn ông kém tuổi. Ngày đó anh chị ở với nhau đến 8 năm, rồi có bầu cậu bé Vũ Đức Thiện, những tưởng ngay trước mắt sẽ là một đám cưới hạnh phúc nhưng tai họa đổ xuống. Sinh xong được hơn 1 tháng, chị bị cảm, bất tỉnh và liệt luôn 2 chân từ đó. Hạnh phúc gia đình cũng theo đó tan biến, hai mẹ con chị trở về sống dựa vào người mẹ già trong căn nhà lụp xụp, không có vật gì đáng giá.

Bà ngoại mất rồi, hai mẹ con không còn chỗ dựa.

Góc giường của chị Lạp với phần bên trên màn ướt sũng, nặng trĩu nước.

“Ngẫm cũng tủi lắm nhưng biết làm sao được. Số phận chị hẩm hiu thì phải chịu thôi. Thấm thoắt cũng 16 năm trôi qua rồi. Mẹ con chị sống được là nhờ bà ngoại nhưng bà cũng mất được gần 1 năm rồi. Trước lúc bà nhắm mắt, xuôi tay, bà vẫn lo cho mẹ con chị” – Chị Lạp nghẹn ngào nhớ lại quãng thời gian đã qua.

Nhắc đến bà ngoại cháu Thiện, cô Hạnh và những người trong làng không bao giờ quên hình ảnh cụ bà ngoài 90 tuổi nhưng vẫn cần mẫn nhặt từng cọng rau, vét từng hạt lúa để có được bữa rau, bữa cháo cho con gái và cháu ngoại. Ngày bà cụ yếu và đi về với tổ tiên, trước lúc đi xa, bà có nhờ làng xóm giúp đỡ để 2 mẹ con chị Lạp tiếp tục được sống bởi bà chẳng thể làm chỗ dựa được nữa.

Thương con, chị chỉ biết dành dụm số tiền trợ cấp hàng tháng cho con


Không biết rồi cuộc sống của hai mẹ con sẽ đi đâu, về đâu?

Cuộc đời chị đã không sáng sủa gì, đến cậu bé Thiện được sinh ra cũng gánh đủ những nhọc nhằn, tủi phận. Năm học lớp 3, em bị người em họ bắn dây chun vào mắt bên phải nên mắt bên đó chỉ còn khả năng nhìn đạt 20%. Lên đến lớp 10, khi đang trên đường đi học, em bị một người say rượu đâm bất tỉnh phải đi bệnh viện cấp cứu vì tụ máu não. Sau nhiều ngày hôn mê sâu, Thiện thoát chết nhưng cũng kể từ đó mắt bên trái của em đã mù hoàn toàn, không thể phục hồi được nữa khiến em phải dang dở việc học hành để trở ra Trung tâm khuyết tật người mù tỉnh Hải Dương học chữ nổi.

Niềm hi vọng cuối cùng và duy nhất của cuộc đời người đàn bà khốn khổ là cậu bé Thiện cũng mù lòa, không còn lành lặn. Thương con, chị lại trách bản thân mình không thể làm được gì hơn nữa cho con nên số tiền 405 nghìn trợ cấp hàng tháng, chỉ chỉ biết dành dụm để đó đóng tiền ăn sáng cho con và mua cho con bộ quần áo. Nghèo khổ, bần hàn, chị chẳng biết kêu ai, chỉ nhìn con mà ứa trào nước mắt trong căn nhà ủ dột, ướt nhẹp khi cơn mưa chiều lại xối xả.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 3018: Chị Phạm Thị Lạp (thôn Quàn, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương)

Số ĐT: 0164.7100.132

Tác giả: Phạm Oanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP