Danh Nhân

Danh nhân văn hóa Lê Sỹ Triêm – Lê Sỹ Bàng

Dòng họ Lê Sỹ vốn gốc ở Thanh Hóa vào lập nghiệp tại làng Bói – Nội Thiên Lộc vào những năm cuối thế kỷ XVI, về sau là một dòng họ có truyền thống học hành, đỗ đạt và công danh. Nhà thờ Lê Sỹ Triêm – Lê Sỹ Bàng xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008 tại quyết định số 3822/QĐ – UBND tỉnh của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2015 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 1345/QĐ-BVHTTDL, ngày 24 tháng 4 năm 2015.

hatin

Nhà thờ Lê Sỹ Triêm, Lê Sỹ Bàng  đang tùng tu, tôn tạo để đón bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia

Lê Sĩ Triêm là anh ruột Lê Sĩ Bàng, người xã Nội Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, nay là xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, 44 tuổi đỗ  Đệ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông, làm quan đến chức Đông các học sĩ. Lê Sĩ Bàng là em ruột Lê Sĩ Triêm, 32 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông, làm quan đến chức Đông các học sĩ. Hai anh em cùng thi đỗ một khoa. Vì vậy, người đương thời có câu ca:

“Thiên hạ thiếu chi người sang

Đã Lê Sĩ Bàng lại Lê Sĩ Triêm”

Lê Sĩ Triêm sinh năm Quý Dậu, đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 14 (1693). Lên bảy tuổi Lê Sĩ Triêm đã được ông bà ngoại Cẩm Bình Bá đưa về nuôi dưỡng và tầm sư hứa học. Năm 19 tuổi ông ra Thăng Long để học, 21 tuổi (khoa thi Giáp Ngọ – 1714) Lê Sĩ Triêm thi đỗ Tam trường, bốn năm sau thi đỗ Tứ trường nhưng ông không ra làm quan. Năm 29 tuổi Lê Sĩ Triêm tiếp tục thi hội trúng Tam trường, nhưng kỳ thi thứ ba đậu thấp hơn kỳ thi thứ hai nên ông không tiếp tục đèn sách nữa, mà về nhà chăm lo việc gia đình giúp người em kế mình là Lê Sĩ Bàng tiếp tục ăn học đi thi. Nhưng đến năm Tân Hợi (1731), Lê Sĩ Triêm lại tiếp tục học tập để đi thi. Khoa thi Bính Thìn, đời vua Lê Ý Tông niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), ông thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, cùng với người em Lê Sĩ Bàng đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Sau khi thi đỗ, tiến sĩ Lê Sĩ Triêm đã được triều đình trọng dụng và bổ các chức vụ như: Chánh phúc khảo kỳ thi hương ở Sơn Tây, Hàn lâm viện hiệu lý, giám sát Ngự sử, tướng quân đi đánh giặc ở Sơn Nam, Tuần phủ sứ, Hàn lâm viện thị chế, Đốc đồng xứ Sơn Nam tham gia đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Quận He Nguyễn Hữu Cầu, Bố chánh xứ Nghệ An, Phó đốc Châu Hoan, Đông các học sĩ…Lê Sĩ Triêm là người văn võ song toàn, một vị tướng cầm quân, luôn luôn đưa lại chiến thắng vẻ vang, đưa lại bình yên cho đất nước và được vua Lê tin tưởng, một vị giám khảo thanh liêm, trung thực và nghiêm khắc trong các kỳ thi hội thi đình. Lê Sĩ Triêm sống và làm quan trong một giai đoạn lịch sử hết sức phức tạp, nhà Lê đang mất dần thực quyền, quan lại nhiễu nhương đẩy dân chúng vào cực khổ trăm bề, các cuộc khởi nghĩa của nông dân Bắc bộ nổi lên liên miên. Chán cảnh làm quan thời loạn lạc, lấy cớ có bệnh, tiến sĩ Lê Sĩ Triêm đã xin cáo quan về nhà. Ông mất tại quân doanh Sơn Nam vào ngày 5 tháng 12 năm Nhâm Thân, đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752), hưởng thọ 59 tuổi.

Lê Sỹ Bàng sinh năm Giáp Thân đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa năm thứ 25 (1704) (theo gia phả họ Lê ghi ông sinh năm Bính Tuất) là em Lê Sỹ Triêm (nhỏ hơn anh 12 tuổi). Thủa nhỏ, Lê Sỹ Bàng đã bộc lộ là người thông minh, năm Bính Ngọ (1726) 22 tuổi ông đã tham gia kỳ thi hương và đỗ đầu. Năm 32 tuổi, khoa thi Bính Thìn đời vua Lê Ý Tông niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), Lê Sỹ Bàng thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) cùng với anh trai mình là Lê Sỹ Triêm. Sau khi thi đỗ Lê Sỹ Bàng được giao chức Hàn lâm viên hiệu lý (Chánh thất phẩm). Năm 1937  ông được thăng lên chức Hàn lâm viện Thị chế (Tòng lục phẩm). Năm 1738 (Mậu Ngọ) ông được làm Khâm sai giám sát trường thi hương ở Thanh Hóa. Năm sau, Kỷ Mùi ông nhận chức Đô đốc xứ Sơn Nam. Năm Canh Thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 1 (1740) ông được giữ chức Hình sát xứ ở Thanh Hóa. Tháng 12 năm Nhâm Tuất (1742) ông được nhận chức Hàn lâm viện Thị thư (Chánh lục phẩm). Năm Ất Sửu (1745), Lê Sỹ Bàng nhận chức Đốc đồng xứ Lạng Sơn, trực tiếp tham gia các cuộc tranh tụng, thương thuyết với nhà Thanh về vấn đề biên giới Việt – Trung trên địa bàn trấn Lạng Sơn. Với tài năng và đức độ của mình, Hoàng giáp Lê Sỹ Bàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giải quyết nhiều công việc hệ trọng như xác định chủ quyền biên giới, vị trí quân đồn trú của mỗi bên, khai thông cửa khẩu đi lại giao dịch buôn bán sinh hoạt thuận tiện cho nhân dân hai nước Việt – Trung. Ghi nhận công trạng của ông, vua Lê đã ban thẻ bạc, tặng sắc bằng cùng nhiều phẩm vật có giá trị và triệu về Kinh đô Thăng Long thăng chức Đông các học sỹ, tước bá (1747).

Năm Canh Ngọ (1750), ông được nhà vua giao đi khảo hạch học trò trường thi xứ Kinh Bắc vào thi hội, sau đó giữ chức Tham chính xứ Kinh Bắc, ông làm việc hết sức công minh, chính trực, lựa chọn được nhiều người hiền tài phục vụ cho đất nước, vua Lê hài lòng biểu dương đức độ của ông và triệu ông về kinh giữ chức Thiêm sai ngự phủ được phép duyệt văn, án, tấu chương trong thiên hạ. Lê Sỹ Bàng nhận trọng trách này giữa lúc nước nhà hết sức rối ren, loạn lạc, dân tình đói khổ, các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, giặc phương Bắc lăm le xâm lược đất nước. Công việc bộn bề nhưng ông đã giải quyết hết sức chu đáo, gọn gàng, được nhà vua tán thưởng và cấp sắc chỉ khen thưởng, xem ông là chỗ dựa vững chắc của triều đình. Nhưng do làm việc quá sức, ông đã bị đột quỵ tại nhiệm sở vào cuối năm Tân Mùi (1751) và ngày 19 tháng 2 năm Nhâm Thân (1752), Đông các học sỹ – Hoàng giáp Lê Sỹ Bàng mất, hưởng thọ 49 tuổi. Tháng 5 năm Nhâm Thân triều đình đã đưa thi hài của ông về mai táng tại quê nhà.

Suốt chặng đường 15 năm phò vua giúp nước, Hoàng giáp Lê Sỹ Bàng luôn luôn được vua tin tưởng trọng dụng và được giao phó nhiều chức vụ quan trọng ở trong kinh cũng như ngoài trấn, nội trị cũng như ngoại giao, quân sự cũng như chính trị. Sau khi ông mất được vua Lê ban tặng sắc phong ghi nhận công lao và những đóng góp của ông cho đất nước và nhân dân, với những danh hiệu như “ Tướng công văn thơ bút pháp đứng đầu hàng Nho sĩ ”, “Võ lược điều hành xếp vào loại tướng tài”, “Người có nghĩa khí như sao Bắc Đẩu”, “Sống vẻ vang chết cũng vẻ vang”.

Về sau đến thời nhà Nguyễn, để ghi nhận những công trạng của ông đối với đất nước và nhân dân, các triều vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đã có sắc phong cho Lê Sỹ Triêm – Lê Sỹ Bàng. Mặc dù hoạn lộ của Lê Sỹ Triêm, Lê Sỹ Bàng không dài, quan tước không cao, nhưng hai ông đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ an ninh trật tự ở các địa phương nơi trị nhậm, góp phần cùng triều đình Lê – Trịnh ổn định đất nước.

Ngọc Bé

PHÒNG VH&TT HUYỆN CAN LỘC

Tài liệu tham khảo từ hồ sơ di tích nhà thờ  Lê Sỹ triêm, Lê sỹ Bàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP