Tin Hà Tĩnh

Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh và Dự án “bới đất” ăn dần

Tháng 8/2012, Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương và giao cho 65.376m² đất tại vùng Đồng Kiệt, xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà để thực hiện Dự án Khu nuôi trồng thủy sản, giải trí và ẩm thực Bình Hà. Sau 8 năm, khu đất bằng phẳng rộng hơn 6 Hecta biến mất, thay vào đó là một biển hồ sâu rộng mênh mông nước, không còn một “tấc đất cắm dùi” để làm mặt bằng xây dựng.

Sau 8 năm, Dự án Khu nuôi trồng thủy sản, giải trí và ẩm thực Bình Hà của Công ty Cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh bị biến thành biển hồ sâu mênh mông nước

Vì sao sau 8 năm (8/2012 – 8/2020), hơn 6 hecta đất tại Dự án Khu nuôi trồng thủy sản, giải trí ẩm thực Bình Hà lại biến thành biển hồ mênh mông (có vị trí sâu đến 8m)? Lượng đất sét đào lên được chuyển đi đâu, dùng vào mục đích gì? Và Nhà nước thất thu bao nhiêu tiền thuế?... Tạp chí TT&PT xin được chia sẻ thông tin cùng bạn đọc!

Nhà máy gạch tuynel Bình Hà và Dự án Khu nuôi trồng thủy sản, giải trí ẩm thực Bình Hà đều thuộc Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh do ông Lưu Quang Bình là người đại diện pháp luật (có địa chỉ tại: Số 18, đường Lê Duy Điếm, phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Hai dự án riêng biệt này nằm chung trên một khu đất rộng gần 10 hecta (96.424,5m²).

Trong đó, Dự án Nhà máy gạch tuynel Bình Hà có 32.818,7m²; Dự án Khu nuôi trồng thủy sản, giải trí và ẩm thực Bình Hà là 65.376m². “Sự nhập nhằng ranh giới giữa 2 dự án khác nhau nhưng nằm chung trên một khu đất này là cơ sở để Nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh) lợi dụng để “chuyển vế đổi dấu” – khai thác tài nguyên khoáng sản ở dự án B chuyển qua Nhà máy gạch A sản xuất với chi phí nguyên liệu …0 đồng.” – Theo ông Tuệ, người dân địa phương.

Và sau 8 năm, Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh đã và đang triển khai được những gì tại Dự án Khu nuôi trồng thủy sản, giải trí và ẩm thực Bình Hà?

* Ngày 27/8/2012, ông Lê Đình Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký Quyết định Số 2517/QĐ – UBND V/v Chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng Dự án nuôi trồng thủy sản, giải trí và ẩm thực Bình Hà tại xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Với mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí: Bao gồm các hạng mục, khu nuôi trồng thủy sản, khu nhà hàng và các hạng mục phụ trợ khác với chi phí khoảng 9,7 tỷ đồng; Tiến độ thực hiện dự án: xây dựng và hoàn thành đưa dự án đi vào hoạt động sau 24 tháng kể từ ngày được cấp GCN đầu tư; Thời hạn hoạt động của dự án: 50 năm.

* Ngày 19/12/2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định Số 3708/QĐ – UBND do ông Lê Đình Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký V/v Phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất xây dựng Khu nuôi trồng thủy sản, giải trí và ẩm thực Bình Hà tại vùng Đồng Kiệt, xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà. Quy hoạch chi tiết 1/500 do Viện Quy hoạch – Kiến trúc xây dựng Hà Tĩnh khảo sát và lập.

Theo đó, mục 6. Bố cục quy hoạch của Quyết định nêu những hạng mục như: Lối vào khu vực 1; Nhà trục; Bãi đỗ xe; Văn phòng; Nhà hàng; Hồ nuôi cá giống; Hồ nuôi cá; Chòi câu cá; Sân đường nội bộ; Cây xanh; Ao trữ lắng; Hồ xử lý nước thải; Lối vào khu vực 2; Đường cầu… Diện tích xây dựng khu vực 1 + 2 là 834 m²; Tầng cao: 1 tầng. Bố cục quy hoạch phù hợp với không gian ẩm thực, giải trí, kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Nhà máy gạch tuynel Bình Hà của Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh

Gần 3 năm sau, Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh vẫn chưa chịu triển khai Dự án theo Cam kết với UBND tỉnh Hà Tĩnh (triển khai và hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 24 tháng). Điều này nằm trong ý đồ của Nhà đầu tư. Bởi vào ngày 06/1/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 38/QĐ – UBND V/v phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản sét gạch ngói tại xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà (do UBND tỉnh cấp cho Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 2093/GP – UBND ngày 09/7/2009 để thực hiện quyền khai thác khoáng sản gạch ngói). Khi không còn nguồn nguyên liệu sản xuất phục vụ cho Nhà máy gạch tuynel Bình Hà, Công ty Cổ phần Việt Hà bắt đầu thực hiện chiêu “mượn dự án nuôi dự án” – đào đất đưa vào nhà máy để sản xuất.

Ông Hữu Thắng, một người dân địa phương nói rằng bản thân ông và nhiều người khác đều bị đánh lừa trong nhiều năm khi tưởng rằng diện tích đất hơn 6 hecta đó là khu vực mỏ sét của Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, phục vụ nhà máy gạch tuynel Bình Hà.

Nhưng vì sao một dự án chậm tiến độ nhiều năm, có dấu hiệu sai phạm của Nhà đầu tư mà không bị UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi theo đúng quy định? Và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giúp Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh “chéo kèo” được Dự án nuôi trồng thủy sản, giải trí và ẩm thực Bình Hà từ năm 2012 đến nay như thế nào?

* Ngày 24/9/2018, ông Nguyễn Thanh Điện – Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh ký Quyết định Số 5830/UBND – NL V/v gia hạn thời gian thực hiện Dự án Khu nuôi trồng thủy sản, giải trí và ẩm thực Bình Hà của Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh. Mặc dù trước đó, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh đã có 2 văn bản (Văn bản số 1805/SKHĐT – DNĐT ngày 10/7/2018 và Văn bản số 2371/SKHĐT – DNĐT ngày 05/9/2018) về việc Đề nghị chấm dứt Dự án Khu nuôi trồng thủy sản, giải trí và ẩm thực Bình Hà của Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh tại xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà. Nội dung ghi rõ, trước đó UBND tỉnh đã cho phép dự án giản tiến độ đầu tư một lần đến ngày 01/6/2017 phải hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn đầu tư nhưng Dự án vẫn chưa hoàn thành, đối chiếu với các quy định của pháp luật, dự án đã vi phạm tiến độ đầu tư và đủ điều kiện thu hồi Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư…

* Nhưng, sau tất cả, Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh vẫn dễ dàng qua mặt Cơ quan quản lý Nhà nước để tiếp tục đeo đuổi Dự án. Bằng Văn bản đề nghị điều chỉnh chủ trương Dự án Khu nuôi trồng thủy sản, giải trí và ẩm thực Bình Hà ngày 06/5/2019 và Văn bản của Sở KH&ĐT tại Báo cáo thẩm định số 294/BC – SKHĐT ngày 20/5/2019. Thì ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 1654/QĐ – UBND ngày 03/6/2019 V/v Điều chỉnh chủ trương Dự án Khu nuôi trồng thủy sản, giải trí và ẩm thực Bình Hà tại xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà của Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh. Nội dung cơ bản dựa theo Quy hoạch chi tiết 1/500 do Viện Quy hoạch – Kiến trúc xây dựng Hà Tĩnh khảo sát và lập năm 2012.

Hàng cây này là “cứu cánh” để Dự án được UBND gia hạn sau 8 năm chậm tiến độ. Nhưng hàng cây đó lại nằm trên đường vào Nhà máy gạch tuynel Bình Hà.

“Hiện tại, hơn 6 hecta đất mặt đã biến thành hồ nước sâu từ 4 – 8m trên gần như 100% diện tích dự án. Vậy thì Công ty Cổ phần Việt Hà lấy cơ sở mặt bằng đâu mà xây dựng các hạng mục như sân đường, nhà hàng ẩm thực, chòi câu, nhà để xe…?” – Ông Hữu Thắng đặt câu hỏi.

Một người dân khác cũng đặt nghi vấn rằng: vì sao với diện tích hơn 6 hecta đất mặt, đã bị Nhà đầu tư khai thác, đào sâu từ 4 – 8m (tương đương 400.000 m³). Nếu bán theo giá khoáng sản sét phục vụ sản xuất gạch ngói là 40.000 đồng/ m³ thì trong vòng 8 năm qua Nhà đầu tư dự án đã thu lời được bao nhiêu tiền và Nhà nước đã thất thu bao nhiêu tiền thuế nộp vào ngân sách? Con số đó tương đương khoảng 16 tỷ đồng tiền bán đất và khoảng 1,6 tỷ đồng tiền thuế (10%). Đó là chưa nói đến các khoản phụ phí khác khi thành lập một dự án mỏ khai thác khoáng sản theo đúng quy định Nhà nước.

Nhưng đó là phép tính đơn giản của người dân, còn Các cơ quan chức năng – cơ quản quản lý Nhà nước của tỉnh Hà Tĩnh họ chắc có cách nhìn và cách tính khác.

Ông Lưu Quang Bình – Người đại diện pháp luật cho Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh nói qua điện thoại về thông tin dự án bằng nội dung rất ngắn gọn – súc tích: “Dự án đang triển khai, máy móc đã đưa về đó, sẽ làm chòi câu, sẽ làm… Rứa nha!”

Truyền thống & Phát triển sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: An - Phước - Thịnh

Nguồn tin: truyenthongvaphattrien.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP