Giáo dục - Đào tạo

Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Thủy- Nghị lực và Thành công

Tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Lệ Thủy lần đầu tiên trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi Tỉnh năm học 1996 – 1997, ấn tượng của tôi về cô là một cô giáo trẻ xinh đẹp, một nét đẹp nhẹ nhàng mà đằm thắm, nhưng hơn hết vẫn là những giờ dạy cháy hết mình của cô trên bục giảng. Cô là một trong những giáo viên trẻ đoạt giải cao trong hội thi năm đó.

Giờ đây, sau bao thăng trầm của cuộc sống, dẫu đã làm lãnh đạo, gặp lại cô vẫn thấy ở cô nét dịu dàng như xưa, nhất là vẫn tâm huyết với nghề, rất mẫu mực và hết lòng tận tụy với sự nghiệp trồng người.

Tuổi thơ đẫm nước mắt

Khó có thể ngờ cô giáo Nguyễn Thị Lệ Thủy lại có một tuổi thơ đầy nước mắt. Cô nhớ lại: “Mới ba tháng tuổi, tôi đã bị mất mẹ, mất hai ông bà ngoại và ba anh chị trong một trận bom của máy bay Mỹ. Bố tôi bị thương nặng phải điều trị ở bệnh viện Việt – Đức tròn 3 năm. Tôi được các cô giáo trong trường cấp ba Diễn Châu (Nghệ An) chăm nuôi. Khi được 6 tháng tuổi, bác tôi rong ruổi ra tận Diễn Châu đưa tôi về Kỳ Anh cho bà nội mù lòa nuôi. Tôi đã sống những năm tuổi thơ cay cực nhưng nồng ấm tình bà cháu. Có lúc gia đình không còn cái ăn, bà đưa tôi đi mót lúa mót khoai, thậm chí bà phải dắt tôi ra chợ làng xin ăn… “.

Lên 5 tuổi, ba cô trở về. Ba cô lấy mẹ kế và sinh ba em nhỏ. Cuộc sống vất vả, song cô vẫn cố gắng vượt qua. Cô được sự động viên rất lớn từ ba mình, thầy giáo Nguyễn Phiên. Ba vừa là người cha, vừa là người thầy nâng đỡ cô rất nhiều trong cuộc sống.

Số phận nghiệt ngã không khuất phục được người con gái có vẻ đẹp mong manh ấy. Cô đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống, đã giành được nhiều thành tích cao trong học tập. Tốt nghiệp cấp ba, theo tâm nguyện của ba, cô đã thi vào trường Sư phạm. Ra trường, cô về công tác tại trường THPT Nguyễn Huệ. Hạnh phúc gia đình sớm đến với cô. Chồng cô là bác sỹ, mẹ chồng mất sớm, bố chồng là thương binh nặng, ba em chồng đang tuổi ăn tuổi học. Về làm dâu nhà chồng, cô thành người phụ nữ đảm đang của nhà chồng. Lương của hai vợ chồng không đủ nuôi con nhỏ, lại phải chăm lo cuộc sống cho cả gia đình, ngoài dạy học ở trường, cô phải làm thêm nhiều nghề kiếm sống, kể cả buôn bán, chăn nuôi…

Đam mê và cống hiến

Năm 1989, cô được chuyển về dạy học ở trường THPT Kỳ Anh.

Cô từng tâm sự: “Tôi may mắn có ba là giáo viên dạy Văn. Từ nhỏ, tôi đã yêu và say mê môn văn. Ước nguyện làm cô giáo dạy văn cũng lớn dần trong tôi. Khi mới ra trường, con còn nhỏ, phải làm thêm kiếm sống vất vả song tôi vẫn luôn dành thời gian để đọc sách và nuôi dạy con. Tôi muốn truyền được ngọn lửa đam mê văn chương của mình cho học sinh”. Không phụ lòng của cô, những giờ dạy của cô đã chinh phục được trái tim bao lứa học trò. Học trò nhớ về cô là nhớ về những giờ dạy và học văn đầy tâm huyết.

Năm 2006, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường THPT Kỳ Anh. Năm 2009, cô trở thành Hiệu trưởng, Bí thư Đảng bộ nhà trường, Huyện ủy viên huyện Kỳ Anh. Ở cương vị mới, cô là người năng nổ, quyết đoán. Cùng với ban giám hiệu nhà trường, với sự tham mưu, chỉ đạo đầy sáng tạo của cô, trường THPT Kỳ Anh trở thành đơn vị dẫn đầu về chất lượng giáo dục: nhiều năm liền trường đạt danh hiệu là trường tiên tiến, đặc biệt trong hai năm học liền kề 2012- 2013 và 2013 – 2014, trường đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh; năm 2008 được công nhận “Đơn vị văn hóa” cấp tỉnh; trường đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2 năm 2012;  tập thể giáo viên nhà trường đoàn kết; trường quy tụ được nhiều giáo viên có chuyên môn vững, say mê với công tác giáo dục; học sinh nhà trường đạt được nhiều thành tích cao trong giáo dục, rèn luyện.

Bên cạnh đó, với nỗ lực của bản thân, cô Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng đã giành được nhiều thành tích đáng nể cho bản thân. Từ năm 1999 đến nay, cô liên tục được công nhận là chiến sĩ thi đua các cấp, được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen các cấp trung ương và địa phương. Cô được vinh danh là giáo viên “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; được tặng danh hiệu “Viên phấn hồng”; “Vì sự tiến bộ phụ nữ”; “Giáo viên giỏi tỉnh”; được nhận Huy chương vì thế hệ trẻ của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… năm 2013, cô được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua tỉnh Hà Tĩnh” và được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014, cô được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba… Những phần thưởng trên nó như một nguồn động viên lớn giúp cô tự tin hơn với những bước đi sắp tới của mình.

Cô từng bộc bạch: “Quý giá hơn hết, với tôi, chính là niềm tin yêu mà học trò, đồng nghiệp, nhân dân và các cấp lãnh đạo dành cho mình. Vì thế tôi nghĩ mình phải cố gắng hơn nữa để xứng với niềm tin yêu đó”.

Chia tay cô, tôi nhớ mãi lời cô nói, lòng không khỏi trào dâng những cảm xúc tự hào, tin tưởng, và hy vọng về một tấm gương đam mê, cống hiến, nhất định cô sẽ có thêm nhiều đóng góp hữu ích cho giáo dục tỉnh nhà.

Thế Toàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP