Vũ Quang

Chấn chỉnh quản lý Vườn Quốc gia Vũ Quang

"Chấn chỉnh và củng cố lực lượng bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm" – đó là quan điểm của ông Nguyễn Huy Lợi – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh khi trao đổi với phóng viên Báo CAND về các vấn đề liên quan đến tình trạng phá rừng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.


Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Đào Huy Phiên – Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang cho rằng: Điều khó khăn nhất cho công tác bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang là địa bàn quá rộng với hơn 55.000ha trải đều qua 3 huyện với nhiều xã vùng đệm. Đặc biệt, đáng chú ý là có hai xã nằm trong vùng lõi của vườn là Hương Điền và Hương Quang. Những người dân đã sinh sống tại đây từ những năm 60 của thế kỷ trước, và đến năm 1993 Nhà nước mới đóng cửa rừng chuyển thành khu bảo tồn.


Chính vì tình trạng dân có trước, quy hoạch sau nên hiện tại hơn 700 hộ dân đang nằm ngay trong khu vực vùng lõi của vườn. Về nguyên lý là phải di chuyển toàn bộ người dân ra khỏi khu vực của vườn, tuy nhiên, đến nay, ta vẫn chưa thực hiện được. Dân sống xen kẽ trong vườn, đời sống lại gặp nhiều khó khăn nên tập quán bám rừng theo đó đã được hình thành.


Trong những lần làm việc với các lực lượng có liên quan như: Vườn Quốc gia Vũ Quang, Đồn Biên phòng 567 và UBND xã Hương Quang, chúng tôi nhận được ý kiến khẳng định: Việc ngăn chặn xử lý người dân vào rừng lấy gỗ về cơi nới nhà cho con cái hay tu sửa nhà gặp rất nhiều khó khăn. Đấy là chưa kể tình trạng người dân tại đây thường vào rừng lấy củi và thường chỉ chọn cây to để chặt. “Ở dưới xuôi đấy là gỗ, nhưng đối với người dân ở đây thì tất cả đều là củi. Loại nào dễ chặt, dễ chẻ là người dân chọn”…


Thực tế là vậy trong khi những dự án phát triển kinh tế cho người dân vùng lõi, vùng đệm của Vườn Quốc gia Vũ Quang thì chưa thực sự đem lại hiệu quả và tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Sống giữa rừng, nhưng đời sống vẫn còn khó khăn nên người dân lại phải quay lại bám vào rừng.



Theo ông Nguyễn Huy Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì do Hạt Kiểm lâm của Vườn Quốc gia Vũ Quang hiện nay không trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh về mặt chuyên môn. Đây là một vấn đề gây khó khăn và chồng chéo cho công tác quản lý cũng như đấu tranh bảo vệ rừng. Chính vì vậy nên quyền hạn Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang và Hạt Kiểm lâm của huyện Vũ Quang ở đó chưa được phân định ranh giới rõ ràng.


Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm cũng khẳng định việc để xảy ra tình trạng chặt phá rừng như trên, đơn vị chịu trách nhiệm chính phải thuộc chủ Vườn Quốc gia Vũ Quang. Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị xem xét trách nhiệm của chủ rừng mà trực tiếp là lãnh đạo Vườn Quốc gia Vũ Quang và Hạt Kiểm lâm trực thuộc đơn vị này.


Bên cạnh đó, theo ông Lợi thì để đảm bảo ngăn chặn được nạn chặt phá rừng có hiệu quả phải tổ chức lại các lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, tức là phải đưa về một đầu mối vì theo quy định lực lượng kiểm lâm từ Trung ương đến cơ sở phải thống nhất. Trên thực tế, Hạt Kiểm lâm của Vườn Vũ Quang hiện nay do không trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh nên không được cấp phát công cụ hỗ trợ cũng như các chế độ ưu đãi có liên quan.


Được biết, trước những thông tin phản ánh về tình trạng phá rừng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu kiểm tra, làm rõ vi phạm. Ngay sau đó, huyện Vũ Quang đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm của Vườn Quốc gia Vũ Quang; Giao cho Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng.


Đồng thời bên cạnh đó, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm cũng đã yêu cầu Vườn Quốc gia Vũ Quang phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các xã tiếp tục kiểm tra, truy quét toàn diện các vùng rừng được giao quản lý, đặc biệt chú trọng các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao khai thác gỗ trái phép; tuần tra kiểm tra chặt chẽ trên các tuyến đường bộ, đường sông, ngăn chặn hiệu quả việc vận chuyển lâm sản trái phép, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.


Xuân Luận – Trần Huy

CAND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP