Tin Liên Quan

‘Bom nước’ treo trên đầu hàng vạn người dân

Tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh hiện có tới trên 260 hồ, đập bị xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của hàng vạn người dân.


Hồ Đồng Đáng (xã Trường Lâm, H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị vỡ hồi đầu tháng 10.2013 – Ảnh: N.M

Hồ thủy lợi Khe Mui (xã Hương Lâm, H.Hương Khê, Hà Tĩnh) rộng khoảng 20 ha, được đắp bao quanh bằng nền đất dài khoảng 120 m, sau 44 năm đưa vào sử dụng, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng: phần thân đập và tràn xả lũ đã bị sạt lở, rò rỉ, nước thấm qua thân đập, vai đập và nền đập. Bà Nguyễn Thị Hoa (61 tuổi, ngụ xã Hương Lâm), nói: “Vào mùa mưa bão, khi mực nước trong đập dâng cao là hàng trăm hộ dân xã Hương Lâm lại nơm nớp lo sợ vỡ đập”.

Hàng loạt hồ… dọa vỡ

Đã có 4 hồ đập bị vỡ

Đầu tháng 10.2013, sau những trận mưa lớn, 4 hồ đập thủy lợi là Đồng Đáng, Khe Thung, Khe Luồng và Thoi Loi trên địa bàn H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bị vỡ nhấn chìm nhiều làng mạc trong biển nước; làm 1.200 ha lúa và rau màu; 507 ha đầm nuôi trồng hải sản; gần 9.000 vật nuôi bị mất trắng… Ước tính tổng thiệt hại lên tới 135 tỉ đồng.

Một số hồ đập lớn khác trên địa bàn Hà Tĩnh như Mục Bài, Đập Trạng, Vực Rồng, Khe Dẻ, Cơn Trường, Khe Làng… cũng đang bị thấm, nước chảy rỉ qua thân đập, rất nguy hiểm khi có mưa to kéo dài.

Tại Nghệ An, hồ Nghi Công (xã Nghi Công Bắc, H.Nghi Lộc) chứa hơn 4 triệu m3 nước, được xây dựng từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Ba phía là núi, phía còn lại là thân đập nhân tạo chạy dài khoảng 300 m. Đập Nghi Công tạo nguồn nước tưới ổn định cho hàng ngàn héc ta đất canh tác của H.Nghi Lộc nhưng cũng đang là mối đe dọa thường trực đối với sự an toàn của người dân.

Ông Nguyễn Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Nghi Công Bắc, xác nhận thân đập quá yếu, đê có thể vỡ bất cứ lúc nào. Còn bà Nguyễn Thị Minh, người đang sống trong ngôi nhà nằm ngay dưới chân đập, cho biết khi có mưa lũ là bà con dưới đê phải đi sơ tán vì lo sợ đê bị vỡ. “Khổ nhất là ban đêm. Cứ mưa bão đến, có báo động là lại phải di dời đồ đạc, dắt díu nhau chạy đi lánh nạn. Thân đê bị mối đục thủng hết rồi. Khi hồ đầy là nước rò rỉ chảy khắp nơi”, bà Minh nói.

Tại Thanh Hóa, có mặt tại hồ Khe Dứa (xã Phú Lâm, H.Tĩnh Gia) chúng tôi ghi nhận đỉnh đập, mặt thượng và hạ lưu đập đang bị xói lở nghiêm trọng. Cống điều tiết nước không cửa đóng, mở và phải sử dụng ván gỗ chắn ngang cống để tích nước. Phía bờ trái đập, nước chảy tự do qua tràn đất, theo con mương chưa được kè lát chảy về phía hạ lưu. “Nếu xảy ra mưa cục bộ kéo dài, con đập này sẽ khó trụ vững được khi lũ đổ về”, ông Lê Đức Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm nói.


Đập Khe Mui (Hà Tĩnh) xuống cấp nghiêm trọng – Ảnh: N.D

“Thiếu kinh phí”

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa

Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết: “Khu vực bắc Trung bộ những năm qua đã xuất hiện nhiều trận mưa đặc biệt lớn, chưa từng ghi nhận trong lịch sử. Mưa dồn dập và kéo dài cộng với địa hình dốc khiến cho áp lực về an toàn của hồ đập trên địa bàn tăng cao. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến mưa lũ ở khu vực này trong thời gian tới được nhận định là rất phức tạp, mưa đặc biệt lớn và cục bộ sẽ xảy ra nhiều hơn, nguy cơ xuất hiện lũ lớn và đặc biệt lớn trên diện rộng là hiện hữu. Các nhà khí tượng VN và thế giới đã đúc kết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, kinh nghiệm mà con người tích lũy dường như không đủ để sử dụng trong việc điều hành các hồ chứa nước. Các địa phương cần phải dự phòng dung tích chứa nước vào cuối mùa mưa, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa để giảm bớt dung tích chứa của hồ, đón các đợt mưa trái mùa, cuối vụ”.

Q.Duẩn

Theo thống kê chưa đầy đủ của chính quyền địa phương, tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh hiện có tới trên 260 hồ, đập bị xuống cấp nghiêm trọng, cần phải duy tu, sửa chữa để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện 3 tỉnh này đều “kêu” thiếu kinh phí.

Thông tin từ chính quyền H.Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết, trước mùa mưa lũ năm 2014, trên địa bàn huyện có 25 hồ đập xuống cấp nghiêm trọng cần phải sửa chữa gấp nhưng do kinh phí hạn hẹp nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện, mọi kế hoạch, dự định vẫn đang nằm trên giấy.

Ông Nguyễn Kim Thủy, Phó phòng Kỹ thuật (Chi cục Thủy lợi Nghệ An), cho biết kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các đập đã sử dụng 30 năm trở lên và đang xuống cấp nặng, bình quân khoảng 15 tỉ đồng/hồ nhưng hiện không thể đáp ứng được, địa phương chỉ đầu tư nhỏ giọt để sửa chữa.

Theo ông Đinh Quang Dương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, bình quân mỗi năm Thanh Hóa chỉ có khoảng 20 – 40 tỉ đồng để tu bổ hồ đập thủy lợi, trong khi các địa phương hầu như không bố trí được kinh phí. Tỉnh đã phải chia nhỏ số kinh phí ít ỏi cho nhiều địa phương nên việc tu bổ trên thực tế cũng mới chỉ là vá víu tạm thời.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng nói, trong điều kiện hiện nay, các địa phương phải chấn chỉnh công tác quản lý hồ chứa, đặc biệt đối với các hồ nhỏ. “Hồ nào mất an toàn cao thì tuyệt đối không cho tích nước, đồng thời cử cán bộ đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành hồ chứa. Chúng ta phải đặc biệt lưu tâm đến an toàn của bà con nhân dân vùng hạ du các hồ chứa như cắm biển cảnh báo nguy cơ, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Đây là những giải pháp mềm, không tốn nhiều tiền”, ông Thắng nói.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Thanh Niên, các hồ đập do địa phương quản lý hầu hết đang được vận hành theo kinh nghiệm của những người dân cử trông coi, canh gác. Ông Phạm Văn Hợp (thôn 13, xã Thọ Bình, H.Triệu Sơn, Thanh Hóa) có thâm niên 33 năm trông coi, “vận hành” đập Khe Lùng (xã Thọ Bình), cho biết nhiệm vụ chính của ông là trông coi đập, mở và đóng cống thủy nông khi có yêu cầu của địa phương. Mỗi năm ông Hợp được trả công 1 triệu đồng và từ trước đến nay ông chưa được tập huấn về quy trình quản lý, vận hành hồ chứa.

N.Minh – K.Hoan – N.Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP