Du lịch

Biên giới liên Triều - nơi du khách phải ký cam kết về sống chết

Trước khi tới biên giới Hàn - Triều, du khách Mỹ phải ký vào tờ giấy với nội dung chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra.

Laura Hinely từng đến thăm khu phi quân sự DMZ, nơi tổng thống Mỹ Donald Trump gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 30/6. Năm 2018, cô viết bài chia sẻ về kỷ niệm 5 năm trước và gọi đó là "chuyến đi siêu thực".

Trước khi bắt đầu, Laura phải ký vào một biên bản, với nội dung: Mọi du khách đều biết có thể chết khi tới đây và đảm bảo tuân thủ quy định nghiêm ngặt về trang phục.

Khu vực biên giới Hàn - Triều với những hàng rào dây thép gai được Laura chụp trong chuyến du lịch của mình. Ảnh: Osyter.

Sau đó, Laura lên một chuyến xe bus ở ngoại ô Seoul và dừng lại trong khu vực cách DMZ khoảng 4 km rồi rẽ vào công viên Imjingak. Đây là nơi đoàn tham quan cầu Tự Do và tới các quầy bán hàng lưu niệm tại trung tâm dành cho khách du lịch. Cô gái Mỹ cùng bạn theo đám đông, đi bộ xuống một đường hầm tối và nhỏ, một điểm đến trong tour tham quan khu vực được mệnh danh là nguy hiểm bậc nhất thế giới.

Điểm dừng tiếp theo là đài quan sát Dora, nơi Laura có thể nhìn thấy một số hình ảnh ở đất nước Triều Tiên qua kính viễn vọng. Phần lớn cảnh vật cô nhìn thấy là cây và bụi rậm, cùng những ngọn núi sừng sững và các tòa nhà cao tầng phía xa. Không ai được phép chụp ảnh. Chỉ cần bạn giơ máy lên, các binh lính đeo vũ khí nhắc nhở ngay lập tức.

Khu vực binh lính hai miền đứng gác đối diện nhau ở biên giới Hàn - Triều. Ảnh: Osyter.

Đoàn của Laura sau đó dừng lại ở điểm du lịch nổi tiếng nhất trong tour - khu DMZ. Nơi này nổi bật với tòa nhà màu xanh, lực lượng an ninh của hai nước Hàn Triều đứng đối diện nhau. Phía trong có một căn phòng hội nghị với ghế và bàn làm từ gỗ gụ. Đây là khu vực gần nhất với Triều Tiên mà du khách có thể tiếp cận từ phía Hàn Quốc. Tại đây, du khách được phép chụp một vài kiểu ảnh.

Ga Dorasan là điểm cuối trong chuyến hành trình của Laura. Cô đi qua cầu Bridge of No Return (Cây cầu Một đi không trở lại) nằm trong khu vực an ninh chung JSA (Joint Security Area), gần làng đình chiến Panmunjom. Hai đầu cầu đều có điểm kiểm tra an ninh của hai nước, với binh lính trang bị đầy đủ súng ống. Vào năm 1953, cầu là nơi trao đổi tù nhân chiến tranh hai nước.

Đài quan sát Dora, nơi du khách có thể nhìn về phía Triều Tiên phía xa nhờ các kính viễn vọng. Ảnh: Osyter.

Khi Laura đến thăm DMZ, quan hệ giữa hai quốc gia vẫn còn căng thẳng. Nữ du khách thấy những hàng rào dây thép gai cùng các binh lính mang theo vũ trang. Tuy nhiên, Laura không cảm thấy nặng nề, nguy hiểm. "Bầu không khí tại đây chỉ đơn giản là yên tĩnh hơn những nơi khác mà thôi", du khách Mỹ nói.

Khu phi quân sự DMZ là vùng giới tuyến cấm các hoạt động quân sự tại bán đảo Triều Tiên, trải dài từ phía tây sang đông bán đảo Triều Tiên, rộng 4 km dọc theo vĩ tuyến 38, được thành lập năm 1953. Khu an ninh chung ở DMZ được lính biên phòng Triều Tiên và quân của Bộ chỉ huy LHQ (do lính Mỹ dẫn đầu) bảo vệ.

Muốn đến thăm khu vực này, du khách có thể đến Seoul, thành phố lớn gần biên giới nhất. Các tour thăm DMZ giá từ 60.000 Won (1,2 triệu đồng) một người, hướng dẫn viên nói được các thứ tiếng như Anh, Hàn, Nhật. Từ Việt Nam có nhiều chuyến bay tới Hàn Quốc. Phí visa khoảng 500.000 đồng. Nhiều hãng lữ hành Việt bán tour du lịch Hàn Quốc, bao gồm DMZ trong lịch trình với giá từ 12 triệu đồng.

Hiện tại, Việt Nam có một số hãng lữ hành tổ chức tour du lịch Triều Tiên, kéo dài 5 ngày 4 đêm, giá từ 34 triệu đồng, bao gồm phí visa. Du khách thường bay tới Bắc Kinh, Trung Quốc rồi nối chuyến tới Bình Nhưỡng.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP