Cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Ảnh: Công Tường/TTXVN |
Theo ông Quảng, tôm xuất khẩu không chỉ làm tăng giá trị sản phẩm mà còn mở ra cơ hội để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản. Để đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng của thị trường nước ngoài, người nuôi trồng thủy sản thực hiện nghiêm quy trình trong nuôi trồng, nhất là khâu chăm sóc để đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Đại diện một trong những công ty chuyên về xuất nhập khẩu hải sản ông Trần Đình Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh chia sẻ, đợt cuối tháng 8 vừa qua, chuyến hàng đầu tiên 18 tấn tôm trị giá khoảng 8,6 tỷ đồng đã tiếp cận thị trường Malaysia và chỉ sau 1 tuần bán hết, chủ yếu cung cấp cho nhà hàng. Đây là một tín hiệu khả quan, mở ra hướng mới cho sản xuất kinh doanh của công ty và người nuôi tôm Hà Tĩnh.
Theo ông Nam, tôm là một trong 10 loại hải sản được ưa chuộng tại thị trường này, sản phẩm tôm đông lạnh được ưa thích vì dễ chế biến.
Với tôm xuất khẩu, trung bình mỗi kg mua tại hồ có giá từ 180.000 đồng và khi xuất bán ra nước ngoài giá là 460.000 đồng. Tháng 12 tới, Công ty cổ phẩn Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh sẽ làm việc với phía đối tác Malaysia. Dự kiến năm 2018, công ty sẽ xuất khẩu khoảng 100 tấn tôm sang thị trường này.
Ngoài việc mở rộng thị trường ở lĩnh vực mới, năm 2017, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh chú trọng xuất khẩu đối với sản phẩm truyền thống sushi (mực) sang thị trường Nhật Bản. Đến thời điểm này, công ty đã xuất khẩu gần 700 tấn sushi, giá trị ước đạt gần 4,1 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.
Theo số liệu Sở Công Thương Hà Tĩnh, đến cuối tháng 10/2017, xuất khẩu thủy sản của địa phương đạt 4,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Đây là tín hiệu vui đối với người nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh sau hơn 1 năm nỗ lực khắc phục sự cố môi trường biển.
Tác giả: Hoàng Ngà
Nguồn tin: TTXVN