Lao Động - Việc Làm

Xuất khẩu lao động ở Hà Tĩnh: Ước mơ và nước mắt

Từ bao năm, hoàn cảnh khó nhọc đã dệt nên ước mơ làm giàu cho nhiều người dân Hà Tĩnh, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi.

Xuất ngoại là ước vọng của nhiều người và những câu chuyện muôn hình vạn trạng về xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng đã làm “nóng” những làng quê vốn yên bình sau mỗi lũy tre. Ước mơ ấy đã đem đến niềm vui nhưng cũng mất không ít nước mắt của nhiều người dân…

“Thân cò” và những món nợ nghìn đô…

Thời gian gần đây, nhiều người dân đã tìm đến các cơ quan công an để tố cáo hành vi lừa đảo đi XKLĐ của nhiều cá nhân, đơn vị. Chúng tôi gặp ông Đoàn Văn Thìn, quê xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Tĩnh. Ông đến để tố cáo Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần nhân lực quốc tế Việt tại Ninh Bình, có văn phòng đại diện tại số nhà 231 đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông kể: Ngày 8-3-2012, thông qua người quen bà Phan Thị Diễm Hằng (SN 1979), trú tại Thạch Tân, Thạch Hà đến giới thiệu cho gia đình ông và những người hàng xóm khác ở xã Kỳ Giang về một công ty có tổ chức đưa người sang Bồ Đào Nha XKLĐ. Tiền đặt cọc đối với một người là 2.000 USD. Công ty đảm bảo đưa người sang, có hóa đơn thu tiền, đảm bảo sau 3 tháng không “bay” được sẽ trả lại tiền gốc lẫn lãi bằng lãi suất ngân hàng. Nếu không thực hiện theo cam kết sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thời điểm đó, bà Hằng bảo có 2 suất được “bay”, nhưng mỗi suất phải hoàn tất số tiền phải nộp là 10.000 USD. Ông Thìn liền “cắm” sổ đỏ vay ngân hàng và mượn sổ đỏ của người thân để cầm cố vay tiền để con trai là Đoàn Văn Đức đi XKLĐ. Thế nhưng 3 tháng, 4 tháng trôi qua, nợ ngân hàng thì chồng chất, người thân thì đòi sổ đỏ, trong khi con trai trông ngóng được hồi âm từ phía Công ty. Thế nhưng mọi việc không diễn ra theo cam kết, một năm trôi qua cả chị Hằng và ông Hòa đều không tổ chức “bay” như lời hứa. Hiện nay, gia đình ông phải trả lãi hơn 10 triệu đồng một tháng. Không có ngày nào là không có người đòi nợ, tình cảm vợ chồng rạn nứt, nhiều khi ông bảo muốn… vào tù để quên hết mọi việc. Ông bảo, với món nợ này thì không biết bao giờ ông mới trả được.

Cũng giống như ông Thìn, bà Nguyễn Thị Hoa, người cùng xã, đã vay “nóng” 10.000 USD để con trai là Lê Văn Phong được “bay” cùng Đoàn Văn Đức sang Bồ Đào Nha để có anh, có em ở đất khách quê người. Khi lời hứa tan thành mây khói, tiền không cánh mà bay, họ buộc phải đến cơ quan công an tố cáo. Nợ chồng, nợ chất, gia đình như ngồi trên đống lửa, vay lãi cao để trả lãi thấp, bà Hoa bảo, thà cứ ở nhà lao động vậy còn hơn…

Cùng với ông Thìn, bà Hoa, 4 người khác ở xã Kỳ Giang, Kỳ Tiến huyện Kỳ Anh đã nộp cho bà Hằng tổng cộng 28.000 USD. Ngoài ra còn có ông Phạm Văn Đính ở Thạch Vĩnh, Thạch Hà đã nộp cho công ty ông Hòa 7.500 USD cho con trai XKLĐ; anh Nguyễn Thất Cường ở Thị xã Hồng Lĩnh từ tháng 6 đến tháng 8/2012 đã nộp cho ông Hòa 109.000.000đ….

Ước mơ thành nước mắt

Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía nạn nhân cung cấp, Ban chỉ huy Công an TP Hà Tĩnh đã chỉ đạo Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ vào cuộc. Theo kết quả điều tra, tháng 6-2011, Công ty cổ phần nhân lực quốc tế Việt chi nhánh tại Ninh Bình do ông Nguyễn Văn Hòa làm Giám đốc mở văn phòng đại diện tại số nhà 231 đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, ngày 9-3-2012, Giám đốc Công ty cổ phần nhân lực Việt (có trụ sở tại Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) Lưu Thị Túy đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần nhân lực quốc tế Việt chi nhánh tại Ninh Bình không được tuyển dụng, thu tiền đào tạo, tiền vé máy bay, tiền visa, tiền dịch vụ, phí môi giới của người lao động tại các thị trường mà công ty chưa được Cục Quản lý lao động nước ngoài cho phép thực hiện dưới mọi hình thức. Trước đó một tháng, ngày 9-2-2012, ông Nguyễn Văn Hòa đã bàn giao dấu của chi nhánh Ninh Bình cho Công ty. Thế nhưng trong thời gian bị ngừng hoạt động, từ tháng 2 đến tháng 4-2012, lợi dụng có phiếu thu có sẵn dấu của Công ty đã đóng trước đó, thông qua bà Phan Thị Diễm Hằng, ông Hòa đã nhận tiền và hồ sơ của 6 công dân ở xã Kỳ Giang và Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, 1 hồ sơ của công dân huyện Thạch Hà, 1 hồ sơ của công dân ở Thị xã Hồng Lĩnh để đi xuất khẩu sang Bồ Đào Nha, Singapore với tổng số tiền 40.500 USD.

Khi những chuyến bay không thực hiện được như cam kết, ông Nguyễn Văn Hòa mới lộ rõ chân tướng là kẻ lừa đảo. Có đầy đủ chứng cứ, tài liệu, ngày 23-4- 2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hòa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ vụ việc này, đại úy Lê Xuân Sang, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Tĩnh cho biết, để phòng tránh các hiện tượng lừa đảo trong XKLĐ, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động XKLĐ; giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, số doanh nghiệp có đủ pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu hoạt động trên địa bàn, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ và phòng tránh thiệt hại cho người dân lao động.
HẠNH NGUYÊN

Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP