Xã hội

Xuất hiện nhiều hố sụt lún "nuốt chửng" ao cá, bờ ruộng

Tại ao cá của gia đình bà Bàn Thị Thục xuất hiện 3 hố sụt lún lớn khiến toàn bộ nước trong ao bị rút xuống hố, ao cạn trơ đáy, toàn bộ cá trong ao theo dòng nước bị hút xuống các hố sâu. Hố sụt lún lớn nhất xuất hiện ở sát bờ ao đã làm vỡ một đoạn bờ ao khá dài; một phần của thửa ruộng bên cạnh cũng bị sạt xuống hố sâu.

Liên tiếp trong hai ngày 26 và 27/11, tại thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) xuất hiện nhiều hố sụt lún gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Hố sụt lún tại ao của gia đình bà Bàn Thị Thục, thôn Bản Tàn. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Hố sâu "hút" cạn cá trong ao

Tại ao cá của gia đình bà Bàn Thị Thục, thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn đã xuất hiện 3 hố sụt lún lớn khiến toàn bộ nước trong ao bị rút xuống hố, ao cạn trơ đáy, toàn bộ cá trong ao theo dòng nước bị hút xuống các hố sâu.

Hố sụt lún lớn nhất xuất hiện ở sát bờ ao đã làm vỡ một đoạn bờ ao khá dài; một phần của thửa ruộng bên cạnh cũng bị sạt xuống hố sâu.

Theo quan sát của phóng viên, hố có đường kính khoảng 14m, chiều sâu khoảng 16 m, một búi tre và 1 cây xoan cũng bị hố sâu "nuốt chửng", miệng hố vẫn xuất hiện các vết nứt, nguy cơ tiếp tục sạt trượt. Hố sụt lún nằm giữa một con suối nhỏ, toàn bộ nước của con suối cũng chảy xuống hố sâu này và theo mạch ngầm chảy đi khiến hố không thể đầy nước.

Cách hố to khoảng 5-6 m còn 2 hố sụt lún khác nằm giữa chiếc ao của gia đình bà Bàn Thị Thục, 2 hố này có đường kính nhỏ hơn, khoảng 5 m và sâu khoảng 2-3m.

Bà Bàn Thị Thục cho biết: Khoảng 15h ngày 26/11, mọi người trong gia đình bà nghe tiếng ầm ầm như động đất, chạy ra thì thấy xuất hiện một hố lớn "nuốt chửng" bờ ao và một phần của thửa ruộng bên cạnh; đến khoảng 19 giờ cùng ngày tiếp tục xuất hiện thêm 2 hố sụt lún nữa khiến nước ao cạn còn cá bị cuốn xuống các hố sâu. Sáng và chiều 27/11, gia đình bà đã bơm nước ở hố sâu trong ao và huy động mọi người bắt cá để giảm bớt thiệt hại.

Bà Thục cho biết thêm, ao cá của gia đình bà có diện tích gần 3.000 m2, cá đã thả nuôi được 2 năm, chuẩn bị cho thu hoạch, nhưng giờ đây phần lớn số cá đã theo dòng nước chảy xuống các hố sâu. Năm 2017 khu vực này cũng xuất hiện các hố sụt lún, tuy nhiên chỉ là các hố nhỏ, gia đình bà đã dùng đất lấp đi, còn lần này xuất hiện các hố to và sâu hơn.

Cách ao cá của gia đình bà Thục chừng 10 m, vào khoảng 17 giờ ngày 27/11, ruộng ngô của gia đình ông Hoàng Văn Sướng cũng xuất hiện một hố sụt lún có đường kính khoảng 4m, độ sâu khoảng 2m. Hố sụt đã "nuốt chửng" một đám ngô của gia đình.

Hố sụt lún "hút" cạn cả nước lẫn cá. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Ông Sướng cho biết: Vài hôm trước cũng xuất hiện một hố sụt lún nhỏ và gia đình đã lấp đi. Gia đình ông cùng mọi người trong thôn mong muốn các cấp chính quyền sớm tìm ra nguyên nhân, khắc phục hiện tượng sụt lún để yên tâm sản xuất.

Ông Mông Văn Phủ, thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn cho biết: "Khi xảy ra sụt lún, mọi người gọi tôi chạy xuống thì thấy một góc ruộng của gia đình bị hố sâu "nuốt chửng", rất may ruộng lúa của gia đình vừa thu hoạch xong".

Ông Phủ cho biết thêm, vào năm 2016 đã xuất hiện các hố sụt lún nhỏ, năm 2017 xuất hiện thêm các hố sụt lún nữa ở thửa ruộng và ao của gia đình. Chiếc ao đã bị hố sâu hút cạn nước, không thể nuôi cá tiếp, gia đình ông đành bỏ hoang đến bây giờ.

Đâu là nguyên nhân?

Ngay sau khi hiện tượng sụt lún xảy ra ở thôn Bản Tàn, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), UBND huyện Chợ Đồn đã phối hợp xuống hiện trường đo đạc, lập biên bản, tìm nguyên nhân và có phương án khắc phục.

Anh Nguyễn Quốc Khánh, nghiên cứu viên của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, người chủ trì Đề án đánh giá, nghiên cứu hiện tượng sụt lún tại thị trấn Bằng Lũng và xã Bằng Lãng, Ngọc Phái huyện Chợ Đồn cho biết: Tại thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, hố sụt lớn nhất có diện tích khoảng 280 m2, các hố nhỏ có diện tích khoảng 25 m2. Đây là hố sụt lún có diện tích lớn nhất trong số hơn 80 hố sụt lún trong khu vực đã từng xảy ra.


Đây là khu vực có địa chất caster có nhiều hang động ngầm phát triển bên dưới, cấu trúc địa chất, địa tầng ở khu vực xảy ra sập, sụt ở trên tầng đất phủ. Thành phần đất phủ ở đây chủ yếu là đất cát lẫn cuội sỏi nên khá dễ bị rửa trôi, phía trên là 1 lớp đất sét có chiều dày từ 0,8 - 1 m2. Khi có sự tác động của các yếu tố như mạch nước ngầm cạn, hiện tượng bơm hút nước ngầm sẽ dễ xảy ra sụt lún, hiện tượng sụt lún xảy ra nhiều vào mùa khô.

Hiện nay, việc đo vẽ địa chất đã được hoàn thành, đơn vị đang triển khai đo địa vật lý một số tuyến cắt qua vị trí hố sụt, sau khi có được những kết quả cộng với các tài liệu quan trắc mực nước đơn vị sẽ đưa ra những khuyến cáo cụ thể hơn và khoanh định những vùng có nguy cơ xảy ra sụt lún.

Để đảm bảo an toàn, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn huyện Chợ Đồn thông tin cho người dân trong khu vực không đến gần các hố sụt lún, tiếp tục theo dõi diễn biến sụt lún và kịp thời thông tin, báo cáo đến các cơ quan chuyên môn.

Trước đó, vào ngày 2/1/2016 tại tổ 10, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn đã xảy ra sụt lún với 1 hố sâu khoảng 15 m, rộng khoảng 20 m2. Hố sụt lún xuất hiện ngay sát tỉnh lộ 254 đã khiến giao thông toàn tuyến bị tê liệt. Đầu năm 2017, tại thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn cũng xảy ra gần 20 hố sụt lún lớn nhỏ làm nhiều ao nuôi thủy sản của người dân bị thiệt hại, con suối chảy qua thôn cũng bị rút cạn nước.

Tình trạng sụt lún ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn xảy ra từ lâu và mật độ ngày càng tăng. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp cùng với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường tìm hiểu nguyên nhân, có biện pháp khắc phục nhằm ổn định đời sống người dân.

Tại Hội nghị thông tin về tình hình sụt lún tại huyện Chợ Đồn diễn ra vào tháng 2/2017, cơ quan chuyên môn đã đánh giá nguyên nhân cơ bản của hiện tượng sụt lún nêu trên là do điều kiện tự nhiên tạo nên, đó là tồn tại hệ thống hang ngầm hở (trần hang là đất đá gắn kết yếu, chứa nước và không chứa nước) và hệ thống đới đập vỡ nứt nẻ chứa nước. Do đặc điểm địa chất tự nhiên, đá carbonat nứt nẻ dập vỡ bị nước hòa tan và rửa lụa hoặc hang động (hang động caster) tạo thành hệ thống kênh dẫn nước. Hệ thống hang hở có thể xảy ra hiện tượng sụt lún khi điều kiện thuận lợi. Cùng với đó, quá trình khai thác nước ngầm dân sinh trong khu vực và những vùng lân cận, hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực và vùng lân cận có thể một trong những nguyên nhân gián tiếp gây sụt lún.

Theo quan điểm của tỉnh Bắc Kạn, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai phối hợp với Viện Địa chất Trung ương, sớm có kết quả đánh chính xác hiện tượng sụt lún để có biện pháp khắc phục lâu dài. Trước mắt cần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, tìm nơi ở an toàn cho các hộ nằm trong vùng nguy hiểm, di dời khẩn trương những hộ có nhà bị nứt nằm gần hố sụt lún; thống kê thiệt hại và có phương án hỗ trợ người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương, ngành chức năng theo dõi và báo cáo tình hình thường xuyên. Cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn ổn định đời sống; tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Tác giả: Mạnh Hà – Đức Hiếu

Nguồn tin: TTXVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP