Lộc Hà

Xử lý rừng đước phòng hộ ở xã Hộ Độ: Chậm do chờ xác định nguyên nhân cây chết!

Hơn 5 tháng kể từ khi phát hiện tình trạng rừng đước phòng hộ ven sông Hộ Độ bỗng dưng khô rụi rồi chết dần, chính quyền và người dân xã Hộ Độ (Lộc Hà) vẫn không khỏi quan ngại khi sự việc chưa được xử lý dứt điểm; còn ngành chức năng thì không mấy mặn mà với hiện tượng khá mới mẻ này…

73 tuổi đời, hơn 30 năm kinh nghiệm trồng rừng ngập mặn ven sông Hộ Độ nên ông Nguyễn Văn Liên ở xóm Vĩnh Phú, xã Hộ Độ rất buồn khi chứng kiến rừng đước do người dân nơi đây trồng và chăm bẵm từ hàng chục năm giờ chỉ là cây củi khô phục vụ đun nấu. Ông Liên càng băn khoăn hơn khi đã hơn 5 tháng trôi qua kể từ khi có đoàn về kiểm tra nhưng việc xử lý cây chết vẫn chưa được tiến hành.


“Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi vùng ven sông Hộ Độ chỉ là những đầm lầy hôi tanh, tôi cùng một số người dân trong làng phải chèo thuyền ra mạn sông Nghèn ngoài Can Lộc để trộm quả đước về dắm; từ đó, phong trào trồng rừng ngập mặn ở đất muối Hộ Độ được khơi dậy, để đến năm 1984, khi có sự hỗ trợ của Tổ chức OXFARM (Vương quốc Bỉ) thì diện tích rừng đước ở xã Hộ Độ không ngừng tăng lên và phát triển đều cho đến nay. Chẳng có con đê nào vững chắc như rừng đước này. Gió bão, triều cường có xô đập bao nhiêu thì rừng đước Hộ Độ vẫn hiên ngang bảo vệ cho hàng ngàn người dân đất muối”, ông Liên tự hào nói.


Ông Phan Đình Hinh – Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết, diện tích rừng phòng hộ chắn sóng ven sông Hộ Độ của xã hiện khoảng 28,3 ha. Mấy năm gần đây, thỉnh thoảng người dân phát hiện lác đác một vài điểm cây đước bị vàng khô nhưng vài tháng sau thì xanh lại. Song, kể từ đầu tháng 4 – 2012 lại nay thì cây khô dần rồi chết hẳn với diện tích khoảng 5 ha thuộc các xóm: Tân Quý, Vĩnh Phú, Nam Phong, Trung Châu, Liên Xuân. Nhận được tin báo của xã, ngày 13 – 4 – 2012, đoàn công tác huyện Lộc Hà với các thành viên Phòng NN&PTNT, Trạm BVTV và Hạt Kiểm lâm đã về kiểm tra và bước đầu nhận định không có dấu hiệu của sâu bệnh, đồng thời kiến nghị ngành chức năng tỉnh kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, hơn 3 tháng sau, do không thấy cấp trên có động tĩnh gì nên ngày 20/7/2012, xã buộc phải phát công văn “kêu” tiếp. Đến ngày 27/8 vừa rồi thì Sở NN&PTNT, Sở TN&MT cùng UBND huyện Lộc Hà mới về kiểm tra thực địa.


Kỹ sư Lê Anh Ngọc – Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh cho biết, từ đầu tháng 4 – 2012, sau khi nhận được thông tin từ Trạm BVTV huyện, Chi cục đã tổ chức đoàn đi kiểm tra. Tại thời điểm đó mới xác định cây chết không phải do sâu bệnh hại gây ra. Do đơn vị chưa nhận được báo cáo hay đề nghị cụ thể từ UBND huyện nên chỉ thông báo với Trạm BVTV huyện, qua đó, nhờ bộ phận này báo lại cho phòng chuyên môn để địa phương có hướng giải quyết. Đến ngày 29/8, Sở NN&PTNT mới chính thức khẳng định nguyên nhân cây đước chết là do lão hóa. Bởi, theo một số tài liệu thì chu kỳ kinh doanh của rừng đước khoảng 20 – 25 năm; đối chiếu với số diện tích rừng đước ở Hộ Độ trồng từ năm 1984 thấy đã vượt quá chu kỳ này.

Chậm do chờ xác định nguyên nhân cây chết!

Hiếm có địa phương nào ở Hà Tĩnh có được rừng ngập mặn phòng hộ vững chắc như xã Hộ Độ

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Đặng Văn Hiển cho biết, việc xử lý rừng đước phòng hộ ở xã Hộ Độ bị chết còn chậm là do không sớm xác định được nguyên nhân. Mới đây, sau khi có kết luận của Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã chỉ đạo thu gom số cây đước bị chết, đồng thời tổ chức trồng mới số diện tích trên (có thể bằng loại cây khác) trong hệ sinh thái rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, ven sông đảm bảo hiệu quả, phù hợp.


“Đang vào mùa mưa bão mà chặt ngay cây chết sẽ tạo nên khoảng trống trong phòng hộ lâu nay liệu có an toàn không? Đó là chưa kể lấy cây gì để thay thế cây đước là cả vấn đề. Mặc dù huyện đã xin Bộ NN&PTNT đưa vào Dự án phục hồi rừng ngập mặn ven biển nhưng bản thân các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng chưa thấy đề cập đến việc chọn cây thay thế cây đước”, ông Hiển phân trần.


Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Phan Đình Hinh cho biết, rừng phòng hộ ven sông Hộ Độ lâu nay có 3 loài cây đan xen nhau là đước, sú, vẹt. Điều lạ là trong 3 loài cây cùng chung sống đó chỉ có đước bị chết, 2 loại cây còn lại vẫn xanh tốt. Qua tham khảo các hộ trồng rừng ngập mặn nơi đây, địa phương thấy trồng cây vẹt sẽ thích nghi hơn cả. Bản thân lão ngư Nguyễn Văn Liên, người đặt nền móng cho rừng ngập mặn ven sông Hộ Độ cũng bảo nên trồng cây trâng (vẹt) vì loài này thấp cây nhưng nhiều nhánh nên tốt cho chống sóng biển, triều cường.


Đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu chuyên ngành nào về hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, ven sông ở Hà Tĩnh. Và, trong khi ngành chuyên môn cấp tỉnh cũng chưa có khuyến cáo cụ thể nào thì những gợi ý của người dân rất cần được tham khảo để sớm phục hồi những diện tích đã mất của rừng phòng hộ ven sông Hộ Độ, đồng thời làm cơ sở cho việc đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển, ven sông ở nhiều địa phương khác trong tỉnh.


Hải Xuân

BHT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP