Tin Liên Quan

Xót xa nghịch cảnh đám cưới khủng Hà thành và gói mì tôm vùng lũ

20/10 vừa qua, Hà Nội như rực rỡ hơn với những đám cưới xa hoa, lộng lẫy. Tâm lý cả đời mới cưới có một lần nên nhiều gia đình không ngần ngại chi "khủng" làm cho đám cưới con cái mình… Còn miền Trung nước mắt vẫn lăn dài từ những đôi mắt cứ đỏ rực lên vì đã khóc quá nhiều.

Đường đến… thùng rác của những xấp tiền


Những đám cưới “nhỏ”, không có dàn xe sang đi rước dâu, cô dâu chú rể cũng chẳng được cha mẹ, anh em hai họ “đeo xiềng” (vàng) tới nặng trĩu, không có những ngôi sao ca nhạc đình đám tới biểu diễn hát mừng, khách có mặt đều là những vị có tiếng và có quyền ở thành phố. Những đám cưới “nhỏ” này chi phí tới hàng trăm triệu, thậm chí tới tiền tỷ đồng để đạt tới mức “nhỏ mà sang” để không ai có thể quên được.


Là một trong những khách mời trong một đám cưới giữa lòng Thủ đô đúng ngày 20/10, ông T.- cũng là một viên chức thành phố tặc lưỡi với những người bạn trong bữa nhậu ngoài lề: “Đúng là tiệc cưới con sếp lớn có khác, cái gì cũng lung linh, cũng đẹp. Đẹp từ địa điểm tổ chức, sân khấu, tới bó hoa cưới cũng đẹp. Thú thật, tôi đi nhiều đám cưới lắm rồi, to có, nhỏ có đủ loại, đến cái đám cưới này thì hơi lạ, bên ngoài thì trông có vẻ khiêm tốn thế thôi, có ba mươi mấy mâm, mỗi mâm mười người, nghĩa chỉ là hơn chuẩn quy định 300 khách mời có một tí, nhưng tính ra chi phí đầu tư sơ sơ cũng chả dưới tiền tỷ đâu”. Cái đám cưới mà ông T. cho biết được tổ chức tại đúng trung tâm hội nghị quốc gia vừa qua, nghe nói đâu là đám cưới của con gái thứ của một sếp cấp thành phố. Nhìn mấy cái xe chở đường hoa (hoa hai bên lối dẫn vào phòng cưới -PV), hoa lẵng, hoa chậu chạy vào bên trong sảnh, mấy chị lao công ở trung tâm hội nghị cứ tấm tắc mãi. Có lẽ, trong chính đám cưới của mình, các chị cũng chỉ mong có được một bông trong số cả trăm bông cẩm tú cầu trắng tinh nhập ngoại dùng để trang trí hội trường kia làm hoa cưới cầm tay. Khi đám cưới đã tàn, người ta lại đến dọn dẹp, những đóa hoa tươi tắn cũng đã héo được ném vô tội vạ lên xe, vào thùng rác khiến những người phụ nữ lao công lại càng thấy chạnh lòng…



Mỗi ngày ở Hà Nội có đến hàng chục, hàng trăm đám cưới, bất kể ngày lễ, ngày thường. Đám cưới to, đám cưới sang, đám cưới đẹp là niềm vui của gia đình, của cô dâu và chú rể. Nếu chỉ “soi” cái này to, cái kia to rồi so sánh với chuyện những người nghèo, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy”. Nhưng đặt trong bối cảnh hiện tại, khi mà hậu quả của trận lũ lớn ở miền Trung vừa qua còn chưa khắc phục được, những gia đình vẫn còn tan nát vì lũ, những đứa trẻ ngơ ngác vì mất người thân, vì đói thì câu chuyện lại khác đi nhiều… Nhất là khi những người tham dự đều là những người có chức, có quyền thì nỗi buồn lại càng khác hơn nữa. Có lẽ, đám cưới sẽ có ý nghĩa hơn, nếu như số chi phí cho những khoản “cần phải có cho đẹp” này được bớt đi, gửi đến cho những người dân nghèo đang phải đổi mạng sống để nhặt nhạnh lại từng khúc gỗ, từng miếng ván để dựng lại túp lều trên cái nền trước kia đã từng là nhà của mình. Tiếng tốt đồn xa, tiếng xấu đồn xa cũng vì lẽ ấy.



Ngày 20/10 những người phụ nữ vùng lũ không có hoa… Ảnh Tuổi trẻ.

Cái ăn còn không có, nói gì hoa?


Ngày 20/10, trong lúc nhiều mặt hàng trên thị trường đang mất giá nghiêm trọng thì giá hoa vẫn cứ mặc nhiên leo thang. “Mỗi năm có mỗi một ngày kỷ niệm của phụ nữ Việt Nam, là đàn ông thì cũng nên cắn răng để mua cho chị, cho em, cho mẹ, cho vợ lấy một lẵng. Tiết kiệm đi một hai bữa nhậu là cùng chứ mấy”. Với những người không có tiền thì là vậy, người có tiền thì “cứ vô tư đi”. Anh T.A., lái xe một giám đốc công ty ngồi thẫn thờ: “Sáng hôm 19/10, theo lệnh sếp, tôi đi lấy hoa về để sếp đi tặng, lẵng hoa có mấy bông hồng thôi, nhưng là hồng nhập ngoại, khi thanh toán tiền lên đến cả triệu. Chủ hàng bảo: Em có nói trước với sếp anh rồi, hoa ngày này đắt lắm nhưng sếp anh vẫn gật đầu không quan tâm giá. Bình thường thời điểm này, giá hoa cứ đội lên gấp đôi, gấp ba là chuyện thường”. Đi với sếp nhiều, quen với việc vung tay cho người đẹp như sếp nhưng anh T.A. vẫn không thể ngờ được, mấy bông hồng nho nhỏ kia thôi cũng đã là một góc lương của mình rồi. Vợ anh ở nhà, ngày này, chỉ mong có một bông hồng quê nho nhỏ cũng không được, anh còn phải đưa sếp đi tiếp khách, tặng quà.


Mấy hôm trước lễ, anh Q.T. ở Nam Trung Yên, Cầu Giấy, quê Nghệ An ngày nào cũng nhận được lời hỏi thăm của bạn bè, người thân: “Lụt thế, con trâu của mẹ cậu ở quê có bị chết không?”, câu hỏi đơn giản, nhưng đượm tình người. Cũng như anh Q.T., những người con miền Trung đang sống và làm việc xa quê, mỗi ngày đều thót tim ngóng về nhà, nơi ấy, mọi người quê anh đang quằn quại trong cơn mưa lũ. Những người bạn của anh cũng đang hối hả tổ chức những chuyến hàng từ thiện, đơn giản chỉ là những mảnh chăn bông nặng trĩu, những gói mì tôm, những cuốn tập,… Mỗi suất quà, có lẽ không bằng giá của một bông hoa nhập ngoại loại rẻ, chưa tính tới những loại đắt tiền nhưng lại khiến người nhận thấy ấm lòng. Giờ này, ở miền Trung, những mẹ, những má, những chị còn đang lo giữ những đứa cháu không manh áo lạnh trong cái rét đầu mùa. Nước còn xâm xấp dưới sàn, con gà, con vịt cũng chẳng còn, ruộng nương thì mất trắng,… Cái ăn còn không đủ, nói gì tới hoa!


Một lẵng hoa bằng một chiếc xe máy


Như thường lệ, cứ đến ngày lễ, nhất là ngày lễ dành cho các chị, các mẹ thì giá hoa trên thị trường đột nhiên đội lên rất mạnh. Cho tới cuối ngày 20/10 vừa qua, tại Hà Nội, giá một lẵng hoa gọi là “kha khá” vẫn không bị mất giá. Trung bình mỗi lẵng gọi là “tạm được” bày bán ở chợ, hàng rong cũng nằm vào khoảng 300-400 nghìn đồng, giá ở các cửa hàng thì… vô cùng. Có trang web còn rao giá một lẵng hoa nhập lên tới 25 triệu đồng khiến nhiều người hoảng hốt và xót xa.


Hón Thỵ

ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP