Nhân ái

Xót xa lớp học mầm non trong nhà bếp dột nát

Đã nhiều năm nay, cứ mỗi khi trời đổ mưa giông, là cô và trò điểm trường Đồng Măng, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ lại bồng bế nhau chạy đi tìm chỗ trú ẩn. Bởi, các lớp học quá ư tạm bợ, cũ nát. Thậm chí có lớp học còn được đặt ngay trong căn bếp dột nát có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.

Lớp học nóng bức trong nhà bếp

Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng vào một ngày nắng ráo cuối tháng 4, chúng tôi cũng tới được điểm trường Đồng Măng. Trực tiếp dẫn đoàn lên thăm điểm trường, thầy Hà Tuấn Hải- Phó phòng giáo dục huyện Yên Lập có phần ngại ngùng cho biết : “Điểm trường ở nơi hẻo lánh, phải theo dõi thời tiết sát sao, trời nắng ráo liên tục mấy hôm mới dám đi. Trời mưa thì chịu vì đường đất, lại dốc đứng trơn trượt không thể đi nổi. Sợ nhất là gặp lũ ống…, đã có người phải bỏ mạng trên đoạn đường này rồi…”

Chỉ những ngày nắng ráo mới có thể đến được điểm trường Đồng Măng bởi con đường đất độc đạo, dốc đứng trơn trượt


Con đường vượt qua rất nhiều ngầm, suối, hay gặp lũ quét, lũ ống.

Nghe thầy Hà nói chúng tôi không khỏi sởn da gà, sau hơn một tiếng đồng hồ đánh vật với 15 km đường đất, vượt qua vô số ngầm, hết ô tô lại xe máy, rồi lội bộ. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Điểm trường Đồng Măng dần hiện ra sau khi chúng tôi leo hết một con dốc đứng trơn trượt. Điểm trường có 3 lớp học, riêng lớp 3 tuổi học trong cái nhà tạm được quây bạt tứ phía, mái lợp bờ rô xi măng, một phần được ngăn ra để làm bếp. Thầy Hà cho biết, các em học sinh ở đây trăm phần trăm là dân tộc thiểu số, đa phần là dân tộc Dao, còn lại là dân tộc Mường. Nhìn những gương mặt thơ ngây lấm lem đất cát và mũi dãi, áo quần bẩn thỉu nhếch nhác, chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa!

Lớp mầm non 3 tuổi phải học trong nhà bếp đã dột nát, tứ phía quây bạt. Mùa đông các con phải chịu cảnh rét buốt thấu xương.

Dẫn chúng tôi đi thăm các lớp học, cô giáo Đinh Thị Đào- hiệu trưởng điểm trường Đồng Măng cho biết : “Dù sao học trong nhà bếp cũng là tốt nhất nên được ưu tiên cho lớp 3 tuổi. Ở đây chưa có điện lưới, nên các cô phải để trống phần gần mái lấy ánh sáng cho các con học bài, và thoát khói khi nấu ăn. Nhưng những khi cơn mưa rừng đến, lại là nỗi khiếp sợ bởi nước mưa sẽ hắt qua chỗ đó vào lớp học khiến nền nhà trơn trượt và nhão nhoét…Khổ nhất là mùa đông, những khi trời mưa phùn gió bấc, nhìn các con run rẩy thương lắm!...”

Tất cả các em là dân tộc thiểu số, đa phần hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.

Cứ mưa là cô trò chạy…

Nằm ngay cạnh “bếp ăn kiêm lớp học” của trẻ 3 tuổi là dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng được chia làm 2 phòng cho lớp 4 tuổi và 5 tuổi. Chỉ tay lên những vết nứt ngang học khắp các bức tường, cô Đào ngậm ngùi chia sẻ: “ Cái nhà này được xây cách đây gần 20 năm rồi, trước là hội trường của thôn, năm 2006 thì được bàn giao lại cho điểm trường. Hiện tại đã xuống cấp quá rồi, nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Phần mái lợp bờ rô xi măng đã hư hỏng nặng nên dù mưa nhỏ trong nhà cũng như ngoài trời, tường nhà thì nứt toác nước ngấm vào bở bục, lại công thêm nước từ trên xối xuống khiến lớp học lúc nào cũng ẩm ướt… Các cô vừa dạy vừa trong tâm trạng căng như dây đàn vì sợ lớp đổ…Nếu trời nổi gió hay mưa lớn là phải chạy lên lánh nạn ở trung tâm y tế cách đó 200m…”

...Các bức tường đã nứt toác, bở bục...có thể sụp đổ bất cứ lúc nào...

Cô Đào cho biết thêm, do điều kiện thiếu thốn nên hiện tại điểm trường chỉ có thể tiếp nhận 42 em. Trong khi theo số liệu khảo sát của phòng giáo dục thì có khoảng hơn 80 em trong độ tuổi từ 3-5 trên địa bàn. Cũng một phần vì đường xá hiểm trở, gia đình các con lại ở rải rác không tập trung, phần vì cơ sở vật chất yếu kém không thể tiếp nhận thêm các con, phần vì một số phụ huynh không dám cho con đến trường vì sợ….lớp đổ.

Hôm trời mưa gió là các cô lại bồng bế các con chạy đi sơ tán...

Mong ước các con có phòng học mới

Điểm trường có 7 thầy cô, có thầy cô gắn bó với điểm trường từ ngày đầu thành lập, có thầy cô mới về trường được vài năm. Điểm trường không có nhà công vụ cũng như nơi cho giáo viên nghỉ ngơi giữa giờ. Những hôm mưa lớn mấy ngày không về được phải ở nhờ nhà người dân trong bản. Hôm nào trời mưa muốn đến trường hay trở về nhà, các thầy cô phải quấn xích vào xe máy mới di chuyển được…Mang bầu gần đến ngày sinh, cô giáo Trần Thị Hằng dạy lớp 3 tuổi chia sẻ: “Chúng em chỉ mong sao có lớp mới cho các con không phải chạy mưa nữa, có điện cho các con đỡ khổ, con đường được sửa chữa lại chúng em cũng đỡ vất vả hơn… ”

Rồi đây, ngày mai…các em nhỏ ngây thơ, đáng yêu này sẽ được học trong ngôi trường mới khang trang, không phải vừa học vừa lo lánh nạn?

Mong ước giản dị của cô Hằng cũng chính là những điều khiến chúng tôi băn khoăn, trăn trở. Liệu rằng trong tương lai không xa, tất cả các em trong các thôn bản hẻo lánh trong các độ tuổi đều sẽ được đến trường? Các em hoàn toàn có quyền được chăm sóc tốt hơn. Các em hoàn toàn có quyền được học trong những phòng học khang trang chắc chắc, mà không phải nơm nớp vừa học vừa lo chạy lánh nạn…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2902: Hỗ trợ xây dựng điểm trường Đồng Măng, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Tác giả: Hương Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP