Người dân vạ vật khi rời khỏi TP.HCM để tránh dịch. Ảnh: Phùng Bình |
Để viện dẫn cuộc di dân kiếm tìm "thiên đường mới" với mong muốn thay đổi cuộc sống nghèo khổ, một đồng nghiệp của tôi viết đại ý rằng, ngày trước, thuộc thế hệ 7X, 8X, thanh niên cứ chiều về ra sân bóng có khi mỗi đội 15 người, toàn thanh niên trẻ khỏe.
Rồi dần dần về sau, sân bóng trở nên vắng vẻ, im lìm, những buổi sinh hoạt Đoàn thôn xóm cứ thưa thớt. Thanh niên trai tráng hay những nữ tú xinh tươi lần lượt vào Sài Gòn, ở quê gọi là đi Nam tìm kiếm cơ hội.
"Ở miền Trung, chạy dài từ quốc lộ 1A, đa phần các làng mạc đều chung số phận như thế. Sài Gòn - mới chỉ nghe thôi đã nghiền. Ai mà không muốn vào, muốn kiếm tìm cơ hội. TP.HCM dang rộng tay đón tất cả, phân phát tất cả. Người nhiều kẻ ít ai cũng tìm được miếng ăn, giấc ngủ", người đồng nghiệp viết.
Rồi COVID-19 bao trùm thành phố hoa lệ, tất nhiên những người yếu thế sẽ chịu tổn thương đầu tiên, tổn thương sâu sắc nhất. Và thế là họ sẽ kéo về quê như một điều tất yếu. Không lên được máy bay, xe khách, tàu hỏa... thì cơ động bằng xe máy, thậm chí đi bộ... vì quê hương chính là chốn nương thân cuối cùng.
Suốt tuần qua, người dân tha hương ở TP.HCM bằng mọi cách đã rời khỏi nơi bao năm bon chen cơ cực để kiếm miếng ăn, họ tìm về nhà mình, những Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An..., những nơi họ sinh ra, nơi có mảnh vườn, góc sân, có cha mẹ và người thân.
Không phải vì dân đã lo chết đói mới phải hồi hương. Họ muốn tìm một nơi trú ẩn an toàn cho mình và người thân, cho những đứa con nhỏ còn ngơ ngác cùng cha mẹ vượt đường xa nghìn dặm. Bởi khi Sài Gòn đã quá tải ở bệnh viện, khi con số hàng ngàn ca mấy ngày qua đã quá quen tai quen mắt, thì còn nơi đâu an toàn bằng quê hương, bản quán?
Hình ảnh lực lượng cảnh sát giao thông "hộ tống" dân về quê như dòng nước mát tưới xuống những ngày hè nắng lửa, một sự chia sẻ làm ấm lòng người tha hương. Thế nhưng, "quê nhà" giờ đã không còn "mặn mà" nữa. Mới đây nhất là 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi đã ra văn bản tạm thời cấm dân tự phát về quê.
Câu hỏi đặt ra là công dân các tỉnh lẽ ở TP.HCM về sẽ đi đâu? Đáng lẽ, lãnh đạo các địa phương phải dự báo được tình hình, nắm bắt sớm nguyện vọng để chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết, từ đó lên phương án chủ động đón công dân tỉnh mình về quê.
Lúc này, lãnh đạo các tỉnh phải mở "ngân khố" để dựng nhiều khu cách ly, huy động tổng lực sức mạnh để chờ sẵn đón đồng bào. Đằng này, nhiều địa phương tỏ ra quá bị động, lúng túng. Rồi tâm lý sợ liên lụy trách nhiệm khi lỡ không may dịch lây lan ra cộng đồng đã khiến cho người dân bất đắc dĩ phải về quê tự phát.
Dân tộc ta - “từ thuở còn nằm nôi” đã luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa, dịch bệnh, chiến tranh... nên tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” luôn hiện hữu như một phẩm tính quý báu, một cách ứng xử thông minh, cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là trong tình hình hiện nay khi dịch COVID-19 đang gây thiệt hại nặng nề về người và của.
Ngủ vùi sau quãng đường hàng trăm km |
Lịch sử đã chứng minh, trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta đã buộc phải thích ứng, tự tôi rèn để hình thành những phẩm chất quý giá, khẳng định bản lĩnh, khí chất của người Việt Nam.
Phẩm tính quý báu đó có sự tiếp nối như một dòng chảy vô tận từ truyền thống đến cuộc sống hiện đại hôm nay. Nó tiềm ẩn sâu sắc, lâu dài, bền bỉ trong huyết quản của mỗi người dân đất Việt và mỗi khi đất nước gặp khó khăn, sức mạnh ấy lại được “đánh thức”, thổi bùng lên và lan tỏa mạnh mẽ.
Trong mấy đợt dịch COVID-19 vừa qua đã thể hiện rất rõ phẩm tính ấy! Đó là “Siêu thị 0 đồng”, “cây ATM gạo”, quần áo miễn phí, thực phẩm miễn phí...
Khi TP.HCM gặp khó khăn vì COVID-19, các tỉnh trong cả nước đã cử cán bộ, gửi lương thực, thực phẩm... hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Tất cả những nghĩa cử đó là sức mạnh nội sinh của dân tộc, giúp đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Chiến thắng mọi kẻ thù, chiến thắng đại dịch COVID-19, đó là điều chắc chắn!
Hơn lúc nào hết, các "mạnh thường quân" là những tập đoàn, công ty lớn đã vào cuộc, chung tay góp sức cùng với Đảng, Nhà nước và các địa phương chống lại đại dịch COVID-19! Rồi các cá nhân - những người "có điều kiện" hơn cũng đã vào cuộc giúp sức!
Việc người dân có nguyện vọng trở về quê tránh dịch là nguyện vọng chính đáng và chính quyền các tỉnh cần phải có kế hoạch chỉnh chu để tiếp nhận (từ đón đưa, chuẩn bị cơ sở vật chất khu cách ly, chuẩn bị lương thực thực phẩm cung cấp cho công dân cách ly...).
Đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó, nhiều tỉnh đã có cách làm hay, thậm chí vận động "mạnh thường quân" cho công dân cách ly tại khách sạn 5 sao như ở Đà Nẵng; một số tỉnh khi đón công dân còn có xe cảnh sát dẫn đường...
Mong rằng, trong tình hình hiện nay, các địa phương nhanh chóng có phương án để hỗ trợ công dân của tỉnh mình. Làm sao để cuộc di tản của công dân, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn bớt đi đắng cay, chua xót.
Tác giả: Gia Anh
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư