Sinh non trên đường về quê tránh dịch bằng xe máy
Giàng A Dênh người dân tộc Mông, sinh năm 2004 quê ở (xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), mới 19 tuổi nhưng Dênh đã có gia đình. Đầu năm 2021, Dênh kết hôn với người con gái là Thào Thị Khoa, hơn mình 2 tuổi.
Sau khi kết hôn, Dênh dẫn vợ vượt quãng đường hàng nghìn km vào tận Bình Dương để mưu sinh. Hai vợ chồng được nhận vào làm công nhân trong một công ty nằm trong khu công nghiệp. Rời xa bản làng với mong muốn tìm được một cuộc sống mới những ngày đầu có vẻ là sự lựa chọn đúng đắn khi hai vợ chồng mỗi tháng có hơn 13 triệu tiền lương.
Giàng A Dênh cùng vợ chụp ảnh lúc đang làm công nhân ở Bình Dương (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Tuy nhiên, niềm vui với công việc mới, thu nhập ổn định chẳng kéo dài được bao lâu, làm công nhân được vài tháng thì dịch Covid-19 bùng phát ở Bình Dương. Công ty đóng cửa, hai vợ chồng bắt đầu rơi vào những tháng ngày khó khăn đến cùng quẫn. Cả ngày phải sống trong phòng trọ, khoản tiền tích góp được mang ra tiêu và rồi rơi cảnh khánh kiệt, cuộc sống nương nhờ vào đồ cứu trợ của chính quyền địa phương.
"Vào Bình Dương được khoảng 2 tháng thì vợ em có bầu, nếu cứ đi làm đều đều thì cuộc sống cũng tạm ổn với hai vợ chồng. Dịch bệnh bùng phát, tiền tiêu không còn, không thể về được nhà. Lúc đó vợ mang bầu, không có tiền, em chỉ ước gì đang được ở quê nhà, tiền không có nhưng không phải chịu đựng cảnh túng quẫn như vậy", Dênh kể.
Dênh cho biết thêm, khoảng cuối tháng 10 thì nhận được thông tin của những người cùng quê Sơn La đang làm việc trong các công ty ở Bình Dương sẽ tổ chức đi xe máy về quê để tránh dịch bệnh. Không còn cách nào khác, Dênh và vợ gói ghém đồ đạc rồi đợi ngày nhập đoàn cùng về quê mặc dù vợ đang bụng bầu nhiều tháng.
Bệnh nhân Giàng A Anh (xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) sinh ngày 5/10, giới tính Nam, khi sinh ra nặng 1.9kg (Ảnh: Bệnh viện Xanh Pôn). |
Sáng ngày 11/10, ông Lê Tiến Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, Sơn La cho biết, từ ngày 5/10 đến nay huyện Phù Yên đã đón hơn 1.600 công dân hồi hương vì dịch Covid-19. hiện tại đa số đang cách ly tập trung, số công dân này di chuyển bằng xe máy và đi bộ. Từ 21/7 đến nay huyện đã có trên 250 ca nhiễm Covid-19 trong các khu cách ly và cộng đồng. Trong số người hồi hương đã có rất nhiều trường hợp gặp rủi ro, tai nạn. Hiện có 1 người tử vong và hàng chục người bị thương nằm viện rải rác từ Đắk Lắk ra tới Sơn La. |
"Ngày 30/10 vợ chồng em cùng đoàn bắt đầu rời Bình Dương, chạy xe máy ròng rã 5 ngày liền thì đoàn về đến Sơn Tây. Vợ em lúc này bụng bầu đã to, nên việc đi lại em luôn phải hết sức cẩn thận. Đoạn đường đẹp thì em đi kịp đoàn, những đoạn đường xấu em đi chậm hơn, tuy nhiên, mọi người trong đoàn đi chậm lại để đợi. Trên đường đi em mang theo xăng xe, nước uống, ăn ngủ qua loa", Dênh kể.
Về đến thị xã Sơn Tây thì vợ Dênh kêu đau bụng, lúc này đứa con trong bụng mới 33 tuần tuổi. Vợ Dênh được lực lượng chức năng làm nhiệm vụ dẫn đoàn người về quê tránh dịch đi qua địa phận thị xã Sơn Tây cho lên ô tô rồi đi vào Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cấp cứu. Trên đường đi vợ Dênh không trụ được và đã hạ sinh con trai ngay trên xe ô tô. Sau đó, được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cấp cứu rồi chuyển con trai Dênh xuống Bệnh viện Xanh Pôn điều trị, còn vợ Dênh nằm lại điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây.
Dênh cho biết, sau nhiều ngày điều trị đến nay vợ đã bình phục và được Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cho xe ô tô đưa về bệnh viện Xanh Pôn để cùng chồng chăm sóc con trai vẫn đang phải nằm trong lồng kính.
Một ca bệnh đặc biệt!
Thạc sĩ, bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh nhân Giàng A Anh (xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) sinh ngày 5/10, giới tính Nam, khi sinh ra nặng 1.9kg.
Giàng A Anh được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa Thị xã Sơn Tây đến khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lúc 11h00 ngày 06/10 trong tình trạng nặng, bóp bóng qua nội khí quản, bão hòa Oxy 88 - 90%. Giàng A Anh được chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, trẻ sinh non 33 tuần.
Do quá trình di chuyển từ Bình Dương về Sơn La bằng xe máy nên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mẹ và trẻ (Ảnh: Bệnh viện Xanh Pôn). |
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được cho thở máy, bơm Surfactant, tiêm kháng sinh nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, đảm bảo thân nhiệt. Từ ngày 6-8/10, bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng, đáp ứng kém với thở máy, trẻ được bơm Surfactant lần 2, sử dụng thuốc vận mạch, truyền máu, truyền huyết tương tươi.
Sau 6 ngày điều trị, trẻ được rút ống nội khí quản, ngừng thở máy chuyển sang thở không xâm lấn (không phải đặt ống thở CPAP qua mũi). Hiện tại, bệnh nhân môi hồng, các xét nghiệm ổn định, trẻ có thể ăn qua ống thông dạ dày, 8 bữa/ngày, 10 ml/bữa.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Thái Bằng Giang, về mặt bệnh sinh non, đây không phải là ca bệnh đặc biệt, nhưng hoàn cảnh và lý do nhập viện rất đặc biệt, do quá trình di chuyển từ Bình Dương về Sơn La bằng xe máy nên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mẹ và trẻ.
Thạc sĩ Phạm Ngọc Sơn, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: "Qua tìm hiểu thông tin, phòng Công tác xã hội được biết gia đình bệnh nhân Giàng A Anh bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19. 2 vợ chồng tự đi xe máy từ Bình Dương về Sơn La. Trong quá trình di chuyển, sản phụ Thào Thị Khoa đã sinh con tại Bệnh viện Đa khoa Thị xã Sơn Tây".
Thạc sĩ Phạm Ngọc Sơn cho biết thêm, bệnh nhân Giàng A Anh đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ khi nhập viện. Phòng Công tác xã hội đã kêu gọi giúp đỡ 5 triệu viện phí, bỉm sữa và tiếp tục kêu gọi chi phí điều trị cho bệnh nhân trong toàn bộ thời gian điều trị.
"Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của nhà hảo tâm và bạn đọc Báo Dân trí dành cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này", Thạc sĩ Phạm Ngọc Sơn nói.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Mã số 4266: Anh Giàng A Dênh Địa chỉ: xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La ĐT: 036.393.8377 |
Tác giả: Trọng Trinh - Hương Hồng
Nguồn tin: Báo Dân Trí