Đi họp được phát tiền

Đến một số xã của huyện Kỳ Anh hỏi về chuyện đi họp lấy ý kiến điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã Kỳ Anh, nhiều người dân rất phấn khởi khoe: Mỗi người đi họp đều được nhận 50.000 đồng… Cuộc họp được huyện Kỳ Anh tổ chức trong các ngày 20, 21 và 22.1 và kết quả là hơn 99% cử tri nhất trí thành lập thị xã mới.

Ông Ngô Đức Thiện (ở xóm 7, xã Kỳ Bắc) cho biết, ông tham gia họp về chuyện tách huyện và thành lập thị xã. Hôm họp, người dân cả xóm đều tham dự, ngồi chật kín hội quán thôn vì trước đó, cán bộ xóm thông báo ai đi họp là được nhận tiền. “Nghe nói phát cho mỗi hộ đi họp 50.000 đồng là ai cũng đi”, ông Thiện phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Đức Thọ – Phó Chủ tịch xã Kỳ Bắc – cho biết, sau khi cán bộ huyện, tỉnh về quán triệt chủ trương tách huyện và thành lập thị xã, ngày 21.1, xã Kỳ Bắc đã triển khai họp tất cả các thôn để lấy ý kiến của người dân. “Ngày họp lấy ý kiến, một người không biểu quyết, còn lại là nhất trí chủ trương. Cấp ủy huyện bàn, người dân đi họp về chủ trương tách huyện sẽ có gói kẹo… nên xã đã phát hơn 70 triệu đồng cho dân rồi. Trước mắt, huyện chưa chuyển tiền về nhưng xã đã mượn được…”, ông Thọ nói.

Do xã chưa có ngân sách, một số thôn ở xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) cũng đã trích tiền quỹ phát cho dân ngay tại cuộc họp về chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện. Ông Trần Quốc Hoàn – thôn trưởng thôn Hà Phong (Kỳ Phong) – cho biết, khi có chủ trương đi họp có tiền là dân rất phấn khởi. Hôm họp, người dân đến đông đủ, phải thuê ghế ngồi ngoài sân. Do xã chưa có tiền nên thôn đã trích 14 triệu đồng phát trước…

Ông Đặng Thế Long – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Kỳ Phong – cho biết, ngày 21.1, có 2.088 cử tri đến tham gia họp về chủ trương tách huyện và thành lập thị xã. “Thực tế, để lấy được lòng tin của dân, mình nói ai đi họp là có tiền nên xã đã phát hết rồi, bởi đây là chủ trương của huyện, tỉnh. Có một số thôn tạm thời trích ngân sách phát ngay tại cuộc họp”, ông Long cho biết.

“Là tiền nước”

Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Kỳ Anh – ông Nguyễn Đức Thắng – cho biết, tiền hỗ trợ cho dân đi họp về điều chỉnh địa giới hành chính huyện đã thông qua thường vụ huyện, sau khi triển khai xong sẽ trình xin tỉnh. Hiện Sở Tài chính chưa cấp nguồn về nên huyện chưa có để chuyển cho các xã. Do đó, huyện chỉ đạo, xã nào có nguồn thì phát cho dân, xã nào quá khó khăn thì vay mượn tạm, sau đó huyện sẽ trả lại.

Ông Lê Trọng Bính – Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh – cho biết, hơn 2,5 tỉ đồng được trích phát cho người dân đi họp lấy ý kiến thành lập thị xã Kỳ Anh “là tiền nước”. Bởi đây là khoản kinh phí phục vụ cho điều chỉnh địa giới hành chính huyện. “Ngân sách này nếu tỉnh không cho thì huyện bỏ ra”, ông Bính nói. Cũng theo ông Bính: “Dân đi họp là nghĩa vụ còn chuyện Nhà nước hỗ trợ cho dân là tùy theo, không lãng phí. Nhà nước cho dân được đồng nào là tốt, cán bộ nhiều lúc đi họp còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền uống nữa là…”.

Ông Trần Báu Hà – Phó trưởng Ban chỉ đạo thành lập thị xã Kỳ Anh – cho biết, có nghe nói chuyện huyện Kỳ Anh trích ngân sách hỗ trợ cho người dân đi họp, ban không chỉ đạo. “Dân đi họp thì việc hỗ trợ là tốt. Việc Nhà nước hỗ trợ cho dân là cần phải làm, quan trọng là có sai hay không…”, ông Hà nói.

Trao đổi với Lao Động và Đời Sống, ông Nguyễn Trọng Sơn – GĐ Sở Tài chính Hà Tĩnh – cho biết, huyện Kỳ Anh đã trình xin Sở Tài chính trích ngân sách hơn 2,5 tỉ đồng để phát cho người dân đi họp lấy ý kiến thành lập thị xã Kỳ Anh, nhưng sở không đồng ý. “Không thể có khoản tiền trích phát cho dân đi họp được. Tôi đã trả lời là không thể trích khoản này”, ông Sơn nói.

Theo đề án, thị xã mới Kỳ Anh, gồm 12 đơn vị hành chính với tổng diện tích 28.025,03ha, trung tâm hành chính là trung tâm huyện lỵ Kỳ Anh hiện nay và thành lập 6 phường trên cơ sở giữ nguyên địa giới hành chính thị trấn Kỳ Anh và các xã: Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên và Kỳ Phương. Huyện Kỳ Anh sau khi chia tách còn 21 xã, với tổng diện tích 76.161,7ha, trung tâm hành chính đặt tại xã Kỳ Đồng.
Trần Tuấn