Chiều 6/4, Hội nghị trực tuyến "Công tác phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục" diễn ra dưới sự chủ trì của ông Bùi Văn Linh - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT - cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT Hưng Yên. Hơn 16.000 giáo viên tỉnh này tham gia họp trực tuyến.
Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên - cho biết trước đó, sở đã tổ chức hội nghị trực tuyến về bạo lực học đường . Ông cho rằng thật đáng buồn khi chỉ sau 4 tháng, ngành giáo dục tỉnh phải tổ chức thêm hội nghị về bạo lực học đường, sau câu chuyện tại trường THCS Phù Ủng (Ân Thi).
Ông Phê thông tin sở sẽ chuyển đến thầy cô thông điệp về phòng chống bạo lực học đường, phương hướng để tạo môi trường học tập lành mạnh, an toàn trên toàn tỉnh.
Theo ông Phan Xuân Quyết, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, ngành giáo dục tỉnh này coi trọng giáo dục toàn diện, đạo đức lối sống ngoài việc dạy học. Gần đây nhất, sở tổ chức hội nghị riêng, tập huấn đạo đức lối sống, mời chuyên gia về tư vấn học đường.
Sở cũng ra nhiều công văn liên quan vấn đề an toàn cho môi trường trường học, xây dựng môi trường văn hóa, ngăn chặn bạo lực học đường. Ông cũng đọc kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, trong đó nhấn mạnh việc kỷ luật học sinh cần theo hướng định hướng để các em tiến bộ chứ không phải để phạt, răn đe.
Hội nghị trực tuyến "Công tác phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục" diễn ra chiều 6/4 tại Hưng Yên. Ảnh: D.T. |
Học sinh phải nhận thức được vấn đề, thấy kỷ luật đó là phù hợp. Cán bộ quản lý phải là điểm tựa để học sinh chia sẻ, tránh trường hợp các em không dám nói.
"Vấn đề giám sát học sinh trong giờ ra chơi, trước và sau giờ học, cần tránh trường hợp các em còn ở lại mà giáo viên về. Việc xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định của pháp luật, xem xét cách chức tập thể ban giám hiệu, chi ủy, tổng phụ trách đội, kỷ luật hội đồng kỷ luật, đưa ra khỏi ngành giáo viên chủ nhiệm lớp 9A", ông Quyết nói.
Ông Bùi Văn Linh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo sở, thực hiện khẩn trương chỉ đạo của bộ và lãnh đạo tỉnh. Ông Linh khẳng định tỉnh nào cũng có hạn chế, đề nghị nhìn thẳng vào tồn tại dũng cảm, thẳng thắn đối mặt các tồn tại, đưa ra giải pháp. Ông cũng hệ thống lại các quy định về bảo vệ trẻ em, bạo lực học đường, biện pháp phòng chống.
Trước đó, ngày 22/3, nữ sinh N.T.H.Y., học sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng, bị 5 bạn học cùng lớp vây đánh, lột quần áo, đạp liên tục vào đầu. Vụ bạo lực khiến H.Y. tụ máu mắt, mặt sưng tím và tinh thần hoảng loạn.
Một ngày sau, trường mời 5 nữ sinh lên làm việc. Đến ngày 25/3, hội đồng kỷ luật trường họp, quyết định đình chỉ một tuần đối với 5 em này. Người nhà nạn nhân chấp nhận hòa giải, thậm chí đề nghị trường không kỷ luật nhóm học sinh đánh bạn.
Anh Nguyễn Văn Doanh - chú của H.Y. - cho rằng trường đã “lừa” gia đình khi không thông tin chính xác mức độ nghiêm trọng của sự việc. Vì thế, khi biết sự thật, họ đâm đơn kiện.
Ngày 28/3, N.T.H.Y. bắt đầu điều trị tại Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên với chẩn đoán ban đầu là phản ứng stress cấp, có sang chấn về mặt tâm lý tinh thần.
Anh Nguyễn Văn Doanh bức xúc nói về việc cháu anh bị bạn học bắt nạt, đánh dã man. Ảnh: N.S. |
Sáng 30/3, UBND huyện Ân Thi quyết định tạm dừng công tác điều hành đối với hiệu trưởng THCS Phù Ủng - Nhữ Mạnh Phong - và giáo viên chủ nhiệm lớp 9A của trường, để tập trung làm rõ vụ việc.
Sáng 31/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với với UBND tỉnh Hưng Yên, nhấn mạnh đây là vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng, ảnh hưởng niềm tin xã hội, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phóng, cho biết sẽ xem xét làm quy trình cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, Chi uỷ, Tổng phụ trách đội, kỷ luật Hội đồng kỷ luật nhà trường vì có dấu hiệu bao che.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ xử lý bằng hình thức nặng hơn vì không nắm được tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý học sinh.
Đến nay, phía cơ quan chức năng vẫn chưa kết luận vụ việc. Sáng 5/4, N.T.H.Y. xuất viện sau 8 ngày điều trị.
Tác giả: Nguyễn Sương
Nguồn tin: zing.vn