Tin trong nước

Xây tháp truyền hình cao nhất thế giới để làm gì?

Dự án tháp truyền hình cao 636 m mà VTV cùng các đối tác đang dự kiến xây dựng có tổng vốn đầu tư ít nhất là 1,5 tỷ USD, đi ngược xu hướng thế giới.

Theo công văn do Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Nguyễn Thành Lương trình Thủ tướng Chính phủ, hiện VTV cùng 2 đối tác là Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG đã thành lập Công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp 636 m – cao nhất thế giới – tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội).

Hiệu quả xa xăm, siêu ưu đãi trước mắt

Để trở thành tháp truyền hình cao nhất thế giới, VTV đặt ra mốc chiều cao của tòa tháp là 636 m. Sở dĩ có con số này là vì nó cần phải cao hơn 2 m so với tòa tháp Tokyo Skytree của Nhật Bản (đang cao nhất thế giới với 634 m). Dự kiến, tháp truyền hình này sẽ được xây dựng trong 6 năm, đưa vào khai thác từ năm 2021.

VTV không chỉ xây tháp và khối đế tháp với tổng diện tích khoảng 14,1 ha mà còn xây dựng khối phụ trợ bao gồm các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ, vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện.

Trong các phương án của VTV trình Chính phủ, thì riêng mật độ xây dựng chung cư cao cấp từ 30 – 50% diện tích (khoảng 300.000 – 600.000 m2). VTV lý giải hạng mục này là để “góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực Tây Hồ Tây và thủ đô Hà Nội; gia tăng giá trị bất động sản, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch trong ngoài nước, mang lại nguồn lợi nhuận từ du lịch và các dịch vụ kèm theo”.

Xây tháp truyền hình cao nhất thế giới để làm gì?
Phác thảo dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV và các đối tác

.

Đáng chú ý, VTV đã có công văn xin Thủ tướng Chính phủ hàng loạt ưu đãi vốn chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư vào những vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể là xin miễn hoàn trả chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng ban đầu, hạ tầng chung; xin áp dụng cơ chế ưu đãi theo hình thức giao đất, miễn 100% tiền sử dụng đất, thuế đất và miễn chi phí giải phóng mặt bằng…

VTV còn đề xuất áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo, các năm còn lại áp dụng thuế suất 10%. Miễn thuế nhập khẩu cho các vật tư, máy móc, thiết bị, vật liệu, linh kiện… phục vụ xây lắp.

Kinh phí đầu tư của dự án cũng rất khổng lồ, từ 1,3 đến 1,5 tỷ USD, trong đó chỉ riêng phần khối tháp là 900 triệu USD. Theo VTV, khoản tiền này là từ nguồn vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của VTV. Về phía SCIC, được lấy từ nguồn vốn kinh doanh theo quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP (từ quỹ đầu tư phát triển của SCIC, số dư hiện tại khoảng 11.000 tỷ đồng); về phía BRG là từ nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp.

Hiện nay, VTV, SCIC và BRG đã đề nghị Công ty Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản) xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với 2 phương án đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ.

Chạy theo kỷ lục hay vì mục đích nào khác?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, cho rằng xây tháp truyền hình như thế tại thời điểm này là bất hợp lý. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị phải được ưu tiên hàng đầu chứ không phải chạy theo các kỷ lục như trên.

GS-TS Phạm Ngọc Đăng đánh giá, hiện nay cũng không có nước nào mặn mòi với tháp truyền hình cao nữa. Nhật Bản xây tháp truyền hình để phục vụ truyền hình chứ không có mục đích kinh doanh dịch vụ hay kinh doanh bất động sản như VTV.

Việc xây tháp còn đi ngược lại với xu thế của thế giới vì hiện nay các nước đều chuyển sang làm truyền hình cáp, tín hiệu vệ tinh. VTV xin Chính phủ quá nhiều ưu đãi đối với dự án này thật là vô lý. Ưu đãi cũng là tiền bạc của nhà nước, của dân. Mục đích của những nhà đầu tư là hướng tới những chính sách ưu đãi của Việt Nam.

“Một dự án xây dựng mà không vì mục đích của ngành, không vì mục đích phát triển mà chỉ nhằm phô trương thì không cần phải xây dựng trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay. Tiền đó, có lẽ nên đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, các cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tốt hơn” – GS-TS Phạm Ngọc Đăng kiến nghị.

TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – thẳng thắn: “Từ việc vẽ lên một biểu tượng cho sự năng động, phát triển của đất nước… rồi chuyển ngay sang kinh doanh bất động sản, động cơ ở đây có thể hiểu là vì lợi nhuận”.

Bày cỗ ra ăn

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, đầu tư thì phải có lợi nhưng cái lợi cần được xem xét, tính toán dựa trên mối quan hệ tổng thể. “Đầu tư nhưng tiền chỉ chui vào túi nhà đầu tư mà không có tác động lan tỏa tới kinh tế – xã hội thì mục đích đầu tư thật sự là gì?

Khi xin chủ trương thì hay ho, tốt đẹp, nhìn vào dự án tưởng như cả cộng đồng, cả xã hội sẽ có lợi nhưng cuối cùng người đắc lợi chỉ là giới đầu tư, kinh doanh bất động sản. Nghĩa là chúng ta bày cỗ cho thiên hạ hưởng, nhà nước và người dân không được gì” – ông Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm.

Theo Nguyễn Quyết/Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP