Nông Thôn Hà Tĩnh

Xây nhà tránh lũ cho vùng “rốn lũ”: Kỳ I – “Rốn lũ” Sơn Thịnh

LTS: Trong những chuyến công tác, phóng viên Báo Xây dựng đã có dịp đến một số “rốn lũ” của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Đây đều là những khu vực thường xuyên phải gánh chịu bão lũ. Đến hẹn lại lên, lũ về nhấn chìm nhà cửa, ruộng vườn, cuốn phăng tài sản, vật nuôi và cả tính mạng con người. Người nghèo vốn đã nghèo vì bão lũ lại càng kiệt quệ.


Nhà tránh lũ 716 được xây dựng hài hòa với nhà ở hiện hữu của hộ dân vùng “rốn lũ” Sơn Thịnh.

Những năm gần đây, với sự quan tâm của Chính phủ, chính quyền các cấp và cộng đồng, ở những vùng rốn lũ đã xuất hiện những mô hình nhà, chòi tránh lũ, góp phần đem lại cuộc sống ổn định, an toàn trong lũ cho người dân nghèo. Hiệu quả của các mô hình nhà, chòi tránh lũ trong thực tế cuộc sống như thế nào? Đâu là mô hình nhà tránh lũ hiệu quả? Các vấn đề này sẽ được phản ảnh trong chùm bài: Xây nhà tránh lũ cho vùng rốn lũ. Báo Xây dựng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Chuyện buồn mùa lũ

Những ngày tháng 4, chúng tôi có dịp về “rốn lũ” Sơn Thịnh, huyện Sơn Hương, tỉnh Hà Tĩnh. Với địa hình phức tạp, cư dân sống tập trung dọc sông Ngàn Phố, hàng năm xã Sơn Thịnh phải gánh chịu từ 2 – 3 đợt lũ lụt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân.

Tháng 10/2013, lũ về theo bão đã khiến hơn 12 nghìn hộ dân thuộc 29 xã của huyện Hương Sơn bị ngập, trong đó có 3 nhà bị lũ cuốn trôi, 5 nhà sập, gần 400 nhà bị tốc mái, hàng trăm hộ bị trôi tài sản… Riêng xã Sơn Thịnh, theo Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Sơn, nước lũ lên nhanh, đột ngột và kéo dài khiến cho toàn xã bị ảnh hưởng nặng nề.

Cũng theo ông Sơn, trước đó, trong các trận lũ lịch sử năm 2002 và năm 2010, nước lũ dâng cao từ 3,5 – 4m gây thiệt hại lớn về tài sản, gia súc, gia cầm, hoa màu của người dân Sơn Thịnh.

Gần 4 năm sau trận lũ 2010, đến Sơn Thịnh giờ đây, chúng tôi vẫn còn nghe kể lại về trường hợp éo le của cụ Hồ Thị Nga. Lũ về đột ngột, nước dâng lên gần nóc nhà, cụ Nga chỉ kịp ôm chồng ốm nặng lên chạn áp mái tránh lũ.

Chạn là một loại kết cấu phổ biến trong ngôi nhà của các hộ dân vùng “rốn lũ”, được làm bằng vật liệu địa phương như gỗ, tre. Chạn giống như một kiểu gác xép, nhưng chạn áp sát mái dốc. Vì vậy chạn rất thấp, tính từ sàn chạn đến đỉnh mái dốc của nhà chưa đầy 1m. Song đây chính là nơi cất giữ lương thực, tài sản và là nơi sinh hoạt của người dân mỗi khi lũ về. Thế nên, không hiếm trường hợp, khi nước lũ dâng xóa nhòa mọi ranh giới giữa đường đi lối lại, ruộng vườn, hồ, sân…, nhấn chìm các ngôi nhà, người dân chỉ còn biết cố thủ trên chạn, tháo ngói mái, vẫy tay kêu cứu…

Trở lại cậu chuyện của cụ Nga, cụ ông mất đột ngột chính trong trận lũ. Không thể đưa tang, bà Nga một mình ôm đặt xác ông vào quan tài mà ông bà đã chuẩn bị sẵn trên chạn, kể từ khi về già. Rồi cứ thế, bà sống cạnh xác chồng, trên chạn thấp lè tè, chỉ có thể ngồi hoặc nằm, không thể đứng, trong gần 20 ngày lũ ngâm.

Đến xã Sơn Thịnh lần này, chúng tôi đến thăm một số hộ nghèo. Mỗi hộ một hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết đều có điểm chung là nhà ở rất đơn sơ, thiếu vắng sự hiện diện của các tài sản giá trị. Bất kể nhà xây hay ngôi nhà gỗ, nhà tranh đều có những dấu vết nước dâng trên tường. Nhà nền cao, xây ở vị trí cao thì vết nước dâng đến bụng, ngực hoặc vai người lớn. Nhà nền thấp thì vết nước vượt hẳn đầu người, sát mái…

Thí điểm xây dựng chòi tránh lũ

Chính vì là vùng lũ sâu, lũ kéo dài ngày nên xã Sơn Thịnh được tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn để xây dựng 50 chòi tránh lũ trong Chương trình triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó lũ lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung theo Quyết định 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 716).

Theo Chương trình, tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo. Mỗi tỉnh 2 xã, mỗi xã 50 hộ nghèo. Tiêu chí khi xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt là phải có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt tại vị trí xây dựng. Diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2. Các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố. Giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đ/chòi phòng tránh lũ, lụt.

Để có kinh phí xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt, mỗi hộ nghèo được Ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 triệu đ/hộ; vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với mức 10 triệu đ/hộ, lãi suất ưu đãi 3% trong thời hạn 10 năm. Số vốn còn lại, các hộ phải tự huy động gia đình và nguồn vốn khác từ cộng đồng với mức tối thiểu 10 triệu đ/hộ.

Thực hiện Chương trình 716, từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, 100% số nhà chòi ở Sơn Thịnh đã xây dựng. Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Phan Lê Hùng – Trưởng phòng Quản lý nhà ở và Thị trường BĐS, Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết: 100 nhà chòi xây dựng thí điểm ở Hà Tĩnh đều bảo đảm các yêu cầu theo quy định. Nhà chòi cơ bản bảo đảm vệ sinh môi trường, chắc chắn, bao che kín đáo, tránh được tác động xấu của khí hậu và thời tiết. Một số hộ dân đã cải tiến, tận dụng sử dụng hết không gian diện tích xây dựng. Giá trị xây dựng nhà chòi bình quân là 45 triệu đ/chòi, trong đó, nhà thấp nhất là 35 triệu đồng, nhà cao nhất 100 triệu đồng.

Điều đáng mừng nhất là trải qua mùa lũ năm 2013, 700 nhà chòi ở trong cả nước nói chung, 50 nhà chòi ở Sơn Thịnh nói riêng đã phát huy được công năng, thực sự trở thành chỗ ở bền vững, bảo đảm an toàn người và tài sản cho các hộ dân.

Tuy nhiên, số lượng 50 hộ dân được hỗ trợ xây dựng chòi tránh lũ vẫn là con số kiêm tốn trong tổng số hộ dân vùng rốn lũ Sơn Thịnh. Tháng 10/2013, lũ lớn một lần nữa gây ngập sâu hàng trăm nhà dân. Đây chính là lý do để dự án cộng đồng có tên Nhà Chống lũ chọn Sơn Thịnh là địa bàn để hỗ trợ xây dựng hàng chục nhà chống lũ cho người, vật nuôi và tài sản.

Câu chuyện thú vị này sẽ được Báo Xây dựng đề cập trong số báo tới.

Quý Anh – Thành Luân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP