LTS: Trong những chuyến công tác, phóng viên Báo Xây dựng đã có dịp đến một số “rốn lũ” của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Đây đều là những khu vực thường xuyên phải gánh chịu bão lũ. Đến hẹn lại lên, lũ về nhấn chìm nhà cửa, ruộng vườn, cuốn phăng tài sản, vật nuôi và cả tính mạng con người. Người nghèo vốn đã nghèo vì bão lũ lại càng kiệt quệ.
Xã Sơn Thịnh có 3 chợ, trong đó chợ Bè là một trong những chợ có đầy đủ các mặt hàng như tre, củi, nứa, giang, mây, lá cọ…; chợ Cồn Bàng nằm bên bờ sông Ngàn Phố thuộc xóm Thịnh Lợi, họp vào buổi chiều tất cả các ngày với sản phẩm bày bán là đặc sản cây trái như chuối, cam, bưởi, ruốc, nước mắm, chè, gạo, cá biển; chợ Cồn Bãi nằm giáp giữa Thịnh Long và Thịnh Lợi, chuyên bán các đồ hàng đan như nong, nia, thúng mủng… và một số sản phẩm khác. Tùy theo lợi thế của chợ và khả năng, hoàn cảnh mỗi gia đình để người dân phát triển nghề của mình. Người dân Sơn Thịnh “tự cứu mình” bằng nghề đan lát, làm bánh đúc, bánh đa, kẹo cu đơ, kẹo lạc khuôn… hay nghề chạy chợ là nhờ đưa hàng của quê mình sang vùng khác rồi lấy hàng từ địa bàn khác về bán. Theo anh Lê Văn Hiền – cán bộ phụ trách văn hóa xã, trước đây, Sơn Thịnh có xưởng sứ chuyên sản xuất bát ăn cơm. Từ năm 1960-1981, hàng trăm gia đình Sơn Thịnh chuyển từ hình thức làm trong gia đình sang các HTX tiểu thủ công nghiệp, có sự điều hành của chủ nhiệm HTX và sự quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương. Sơn Thịnh đã hình thành các HTX làm quạt giấy bằng nan tre hoặc nan sừng (sừng trâu, bò). Thời kỳ vàng son nhất của Sơn Thịnh đó là HTX Minh Thịnh phát triển với nghề thảm và mành cọ mét xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Xã Sơn Thịnh hiện có 2.560 nhân khẩu, 538 hộ với 235 ha đất nông nghiệp. Do quỹ đất nông nghiệp quá hạn hẹp và thâm canh năng suất không bằng các xã khác nên hiện nay, khoảng 70% dân Sơn Thịnh sống bằng nghề thủ công và dịch vụ – thương mại. Điều vượt trội nhất để phát triển kinh tế đó là Sơn Thịnh – một xã có văn hóa. Nhờ sống có văn hóa nên đã tạo được môi trường lành mạnh trong đảm bảo an ninh thôn xóm. Ông Lê Văn Cường – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong cuộc sống, nẩy sinh không ít hiềm khích, đố kỵ khi thấy người khác năng động trong làm ăn, nhưng ở Sơn Thịnh thì khác hẳn, nếu ai làm ăn chân chính có thu nhập cao thì nhân dân rất phấn khởi, tự hào, chính vì thế, thi đua trong phát triển kinh tế đã tạo nên sức hút cho cả làng”. Nhờ nghị lực lớn và chịu khó xoay xở nên từ năm 1991, sau khi HTX Minh Thịnh giải thể vì Đông Âu sụp đổ, hàng xuất khẩu tắc, các xã viên đã chuyển sang nghề đan lát các sản phẩm như: nong, nia, thúng mủng, rổ rá, lá cót và cả những sản phẩm khác kỳ công hơn khi khách có nhu cầu. Nghề đan ở đây không chỉ phụ nữ, đàn ông, trẻ em tham gia mà người cao tuổi và người tàn tật cũng khéo tay làm nên sản phẩm. Cụ Nguyễn Hân năm nay đã 75 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn cặm cụi đan lát. Cụ Hân tâm sự, nghề đan tuy vất vả, nhưng là nghề yêu thích nhất của cụ, đặc biệt là khi sản phẩm làm ra đẹp, chắc, bền, được khách hàng ưa chuộng. Nhờ nghề đan mà cụ nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Còn chị Hà Thị Liên, cụt cả 2 chân do tai nạn lao động, năm nay đã bước sang tuổi 70 vẫn lúc nằm, lúc ngồi đan trên giường và dạy con trai đan giỏi. Ngoài nghề đan, một số người có vốn khá hơn thì làm bánh đa, bánh đúc. Một thanh niên mạnh dạn làm đậu phụ và kết hợp nuôi lợn đã tạo được cuộc sống khá giả, xây nhà, mua sắm đầy đủ các phương tiện sinh hoạt. Vợ chồng anh Nguyễn Hùng (xóm Bình Thịnh) nổi tiếng về làm kẹo cu đơ. Nhờ có bí quyết mà kẹo của anh Hùng đã có khách hàng từ Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An và trong tỉnh tới đặt hàng tại nhà. Hàng năm, gia đình anh Hùng phải cất trữ từ 3-4 tấn lạc và hàng trăm lít mật mía nguyên chất. Thu nhập bình quân của gia đình anh Hùng từ 8-9 triệu đồng/tháng. Các gia đình khác làm nghề thủ công từ 3-4 triệu đồng/tháng. Hộ đan lát nhiều sản phẩm và tiêu thụ hàng nhanh cho thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Tâm sự với chúng tôi về nghề truyền thống xã Sơn Thịnh, ông Lê Văn Cường lấy làm tiếc về quá khứ huy hoàng của những mô hình như HTX Minh Thịnh ngày xưa. Ông Cường cho rằng: Những nhà đầu tư nào có vốn và tìm được “đầu ra”, đặc biệt làm sản phẩm thủ công xuất khẩu, xã sẽ tạo mọi điều kiện khuyến khích. Ông Cường chia sẻ: Việc làm ăn riêng lẻ như hiện nay vừa manh mún, vừa thu nhập thấp. Quan tâm đến lợi ích của dân và tăng sản phẩm cho xã hội, đặc biệt là phát huy năng lực kỹ thuật, nghề đan truyền thống của Sơn Thịnh cần được các ngành, các cấp nghiên cứu và hoạch định chiến lược. Phan Thế Cải (Baohatinh.vn)
Là xã ở vùng rốn lũ, Sơn Thịnh (Hương Sơn) đã vuợt lên chính mình từ cuộc cách mạng GTNT. Trước mùa mưa lũ năm nay, xã nghèo có thêm 50 ngôi nhà chòi tránh lũ từ sự trợ giúp lớn của cộng đồng.