Theo phản ánh của người dân ở thôn Hà Văn, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, dù chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên) đã ngang nhiên xây dựng trang trại chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả quy mô lớn trên diện tích 3,8ha.
Trại lợn của HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc xây dựng trái phép. |
“Một trang trại lợn xây dựng với quy mô lớn và kiên cố của HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc nhưng không phép khiến người dân chúng tôi vô cùng lo lắng. Khi trang trại đi vào hoạt động, nếu không kiểm soát tốt thì sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường. Đề nghị các cấp chính quyền xử lý nghiêm việc HTX này xem thường pháp luật, để ngang nhiên xây dựng trại lợn khủng khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư”, ông H. - một người dân ở xã Cẩm Lạc cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, trang trại chăn nuôi lợn của HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc có quy mô lớn với 2 dãy chuồng nuôi đã hoàn thiện. Xung quanh đã xây tường bao. Phía trong có hệ thống hào kết nối từ chuồng ra bãi đậu xe để xuất bán lợn cũng đã hoàn thiện.
Qua tìm hiểu được biết, HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc do ông Nguyễn Viết Lĩnh làm Giám đốc (ông Nguyễn Viết Lĩnh con trai của ông Nguyễn Viết Thuấn, nguyên là Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc, từ tháng 7/2021 đến nay là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cẩm Lạc).
Tháng 4/2021, HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc đã tiến hành xây dựng trang trại chăn nuôi lợn trên diện tích 3,8ha ở thôn Hà Văn. Sau đó bị dư luận phản ánh nên một tháng sau, UBND xã Cẩm Lạc đã kiểm tra và xác định HTX này đã xây dựng trang trại khi chưa được chấp thuận chủ trương nên xã đã lập biên bản và yêu cầu dừng thi công. Sự việc, ngay sau đó, UBND xã Cẩm Lạc cũng đã báo cáo lên UBND huyện Cẩm Xuyên.
Trang trại lợn “khủng” xây dựng trái phép trái phép "tiền trảm, hậu tấu". |
Về việc xây trang trại lợn khi chưa được phép, ông Nguyễn Viết Lĩnh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc cho biết: Do chưa hiểu được luật nên có xây dựng lên một ít. Sau đó hiểu được luật rồi thì đã dừng lại. Nói là “xây một ít” nhưng ông Lĩnh cũng thừa nhận: hiện đã xây xong 2 dãy chuồng nuôi, giờ chỉ còn hạng mục đảm bảo môi trường, xử lý nước thải nữa.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, đúng là có việc HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc do ông Nguyễn Viết Lĩnh làm Giám đốc đã xây dựng trang trại chăn nuôi lợn khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Xã đã lập biên bản và yêu cầu dừng thi công rồi.
Theo Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc, do HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc nôn nóng, khi đang nộp hồ sơ, thủ tục nhưng đã đồng thời tiến hành xây dựng trang trại nên theo quy định pháp luật là không đúng. Sau một thời gian chờ thủ tục, ngày 30/12 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc xây dựng trang trại chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả trên diện tích 3,8ha ở xã Cẩm Lạc.
Quy mô dự án giai đoạn 1 nuôi 2.000 con lợn thịt/lứa và trồng các loại cây ăn quả. Giai đoạn 2 mở rộng quy mô thêm 1.000 con lợn thịt/lứa. Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 7,4 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.
Nói về việc HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc tiến hành xây dựng trang trại ở thời điểm chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư có bị xử lý gì không? ông Dũng cho biết, lẽ ra theo quy định sẽ bị cưỡng chế, phá dỡ công trình xây dựng. Thế nhưng thực tế nếu phá dỡ cũng rất khó cho xã nên đến nay vẫn chưa bị xử lý gì.
Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng cho biết, huyện có biết việc HTX Nông nghiệp Cẩm Lạc xây dựng trang trại chăn nuôi lợn khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Sự việc, sau đó huyện đã chỉ đạo UBND xã Cẩm Lạc xử lý theo quy định và huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra đã kết luận trang trại lợn vi phạm xây dựng trái phép khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và vi phạm về đất đai khi chưa được giao đất, cho thuê đất theo quy định.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND huyện này, các phòng chuyên môn sẽ tham mưu để UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính về các lỗi vi phạm. Về việc công trình xây trái phép có tiến hành phá dỡ không? Thì ông Hà cho rằng, do hiện nay dự án đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa chấp thuận chủ trương đầu tư nên không phá dỡ nữa mà tạo điều kiện cho họ luôn.
Thiết nghĩ, chiêu “tiền trảm, hậu tấu” nếu để các doanh nghiệp áp dụng rộng rãi sẽ rất nguy hại. Đầu tiên là làm ảnh hưởng đến môi trường, đến đời sống người dân, tiếp đó là ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. “Tiền trảm, hậu tấu” là hành vi tiêu cực, cần phải chấm dứt để lập lại trật tự, kỷ cương.
Tác giả: Tuệ Lâm
Nguồn tin: Báo Công Luận