Trong nước

Xây dựng quy hoạch phát triển KT-XH liên vùng ven biển phù hợp thực tiễn

Sáng 23/10, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai công tác bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường; chủ trương về quy hoạch phát triển KT-XH liên vùng ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ; kết quả giải quyết các vụ việc tồn đọng và bàn một số nội dung quan trọng khác.

Dự họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương liên quan.

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh đã báo cáo các nội dung liên quan đến xây dựng quy hoạch KT-XH liên vùng các tỉnh Bắc Trung Bộ; đề án phát triển kinh tế biển và ven biển Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo gắn với xây dựng KKT Vũng Áng trở thành khu kinh tế động lực của cả nước; tình hình kê khai công tác bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển và kết quả, hướng xử lý một số vụ việc tồn đọng trên địa bàn thời gian qua.

Theo đó, việc kê khai, xác định giá trị bồi thường cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đã được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt. Cụ thể đã có gần 7.000 tàu cá, 2.259 ha nuôi ao, hồ, bãi triều; trên 31.600 m3 nuôi lồng bè, 127 ha sản xuất muối, gần 48.000 lao động bị ảnh hưởng. Qua rà soát đối tượng, khối lượng bị thiệt hại, tỉnh đã tiến hành thẩm định, phê duyệt và tạm cấp kinh phí bồi thường cho các địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng …

Tính đến hết ngày 21/10 số liệu thiệt hại sau khi rà soát lại theo hướng dẫn của các ngành là hơn 1.800 tỷ đồng. Các địa phương đã được phê duyệt được hơn 205 tỷ đồng đạt 11%. Từ nguồn của Trung ương, tỉnh đã tạm cấp 1.000 tỷ đồng cho các địa phương để chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, các sở ngành địa phương liên quan cho rằng: Việc xây dựng quy hoạch KT-XH liên vùng ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Đặc biệt, quan điểm mục tiêu, định hướng phát triển của quy hoạch phát triển vùng là phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của Hà tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, sau sự cố môi trường biển, cần thiết phải đề xuất Trung ương điều chỉnh bổ sung một số định hướng cụ thể trên các ngành, lĩnh vực, nhằm phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Về công tác bồi thường thiệt hại sau sự cố môi trường, các địa phương cần hoàn thành thẩm định, áp giá, phê duyệt giá trị thiệt hại cho các đối tượng bị ảnh hưởng đảm bảo công khai, công bằng, đúng đối tương.

và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y tham gia ý kiến tại cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn đánh giá cao các ý kiến góp ý vào việc xây dựng quy hoạch phát triển KT-XH liên vùng ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đồng thời, khẳng định: Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội liên vùng ven biển các tỉnh Bắc Trung bộ là hết sức cần thiết để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH một cách bền vững. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh bố trí thời gian làm việc với Bộ KH&ĐT để sớm đề xuất làm việc với Chính phủ về quy hoạch phát triển KT-XH liên vùng.

Riêng đối với đề án phát triển kinh tế biển và ven biển Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo cần căn cứ vào quy hoạch phát triển liên vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Rà soát lại việc thực hiện quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó UBND tỉnh cần tiến hành làm việc với các nhà khoa học người Hà Tĩnh nhằm tham vấn ý kiến chuyên sâu để đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh phù hợp trong điều kiện thực tiễn hiện nay.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn phát biểu chỉ đạo

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc bồi thường thiệt hại cho người dân đảm bảo đúng đối tượng, công bằng, minh bạch, tuyệt đối không để tiêu cực xảy ra; khuyến khích người dân sử dụng tiền bồi thường để tái sản xuất. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát việc bồi thường ở các xã, gắn trách nhiệm người đứng đầu. Đối với những vụ việc tồn đọng, các ngành, địa phương liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm theo đúng quy định pháp luật.

Trước mắt, cần quan tâm đến việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng đúng mục đích nguồn hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; chuẩn bị nội dung cho kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới; quan tâm đến tình hình ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn.

Hà Vân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP