Xuất phát thấp
Nơi đây chỉ có rừng núi ngút ngàn như chính cái tên của xã: Sơn Lâm. Xây dựng NTM với người dân Sơn Lâm như một thử thách quá lớn. Là xã nghèo (tỷ lệ hộ nghèo chiếm 24,3%), chương trình, dự án lại không có nên Sơn Lâm vẫn đang loay hoay giải bài toán nâng cao thu nhập – mục đích chính của xây dựng NTM.
Diện tích toàn xã là 3.800 ha, trong đó đất rừng chiếm trên 3.000 ha, đất được giao khoán hầu hết cho nhân dân. Người dân trồng nhiều cây nguyên liệu như thông, tràm, bạch đàn… nhưng nó chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo chứ không thể làm giàu. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người mới được 6,5 triệu đồng/người/năm. Bởi vậy, nói điểm xuất phát của xã Sơn Lâm thấp là điều dễ hiểu.
Hầu hết các xã ở Hà Tĩnh đều có cơ quan, đơn vị đỡ đầu nhưng Sơn Lâm lại không có, đó là một thiệt thòi của xã. Hiện nay, Sơn Lâm mới đạt được 4 tiêu chí, bao gồm: quy hoạch, nhà ở dân cư, hệ thống tổ chức chính trị – xã hội và an ninh trật tự. Trong đó, tiêu chí an ninh trật tự là tiêu chí không vững chắc vì nó có thể không đạt bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhân dân Sơn Lâm đã phần nào mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ chính sách hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều hộ dân đã vay vốn ưu đãi để đầu tư vào nuôi hươu, biến nơi đây thành vựa hươu lớn của tỉnh.
Trong 2 năm qua (2010 – 2012), trên địa bàn xã đã xây dựng và triển khai thực hiện 13 mô hình chăn nuôi hươu quy mô trên 10 con và 01 mô hình quy mô 50 con, đưa tổng số hộ chăn nuôi hươu trên 10 con lên 36 hộ. Nếu tính theo bình quân đầu người thì Sơn Lâm là xã dẫn đầu toàn huyện về nuôi hươu.
Anh Phạm Văn Luật (thôn Lâm Đồng, xã Sơn Lâm) – một hộ nuôi hươu tiêu biểu cho biết: “Nhờ chính sách đãi ngộ của chương trình xây dựng NTM, chúng tôi đã vay 300 triệu để mở mô hình nuôi hươu 50 con, đến nay chúng tôi đã có 60 con hươu, cho thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng”.
Từ đây, xã Sơn Lâm đã thành lập được 2 hợp tác xã (HTX) về dịch vụ các sản phẩm từ chăn nuôi hươu, mật ong nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao do mới thành lập nên đang khó khăn trong việc huy động nguồn vốn và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Mô hình nuôi hươu hiệu quả của anh Phạm Văn Luật
(thôn Lâm Đồng, xã Sơn Lâm, Hương Sơn, Hà Tĩnh)
Hướng đi đã mở
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết xung quanh việc tìm hướng đi cho việc nâng cao thu nhập cho người dân, tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM, ông Lê Trọng Lài – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm cho biết: Đối với Sơn Lâm thì việc xây dựng NTM thực sự khó khăn do xã nghèo, không có người ly hương thành đạt nên việc thu hút dự án đầu tư không có. Mặt khác, người dân ở đây sinh nhiều con nên vòng tròn đói nghèo cứ luẩn quẩn.
Được biết, để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã Sơn Lâm đang tìm mọi cách để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cho nhân dân, trong đó có một hướng đi mới đó là trồng cây cao su. Sơn Lâm có trên 1.500 ha diện tích đất có thể trồng cây cao su, chủ yếu là cao su tiểu điền. Do đó, xã có ý tưởng sẽ thành lập HTX trồng cao su. HTX sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc vay vốn, liên kết với Công ty Cao su Hà Tĩnh để hỗ trợ về giống, kỹ thuật…
“Cây cao su đem lại lợi nhuận kinh tế rất cao vì vậy đây sẽ là hướng đi khả quan cho Sơn Lâm. Trong năm nay, xã dự định sẽ trồng khoảng 1000 ha cây cao su” – ông Lài khẳng định.
Khi được hỏi về những bất cập khi xây dựng NTM ở xã Sơn Lâm, ông Lài chia sẻ: Trước đây chúng tôi thấy vướng mắc nhất là tiêu chí số 12, vì nếu đặt ra cơ cấu lao động trong các ngành nghề thì Sơn Lâm sẽ không đạt được và nếu 100% dân số là lâm nghiệp mà trồng cao su thì dân vẫn giàu được. Hiện nay đã sửa tiêu chí này là tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt từ 90% trở lên thì đối với Sơn Lâm tiêu chí này sẽ đạt dễ dàng vì giá nhân công ở đây rất cao.
HẠNH NGUYÊN
Đại Đoàn Kết