Nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Cổ Đạm đã đề ra các chủ trương, biện pháp trong quá trình thực hiện xây dựng giao thông nông thôn đó là công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Từng chi bộ thôn đã tổ chức quán triệt sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức năng động, linh hoạt nhằm để các hộ dân nắm bắt và thấu hiểu chính sách phát triển giao thông nông thôn theo phương châm: “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Từ đó, mọi người thấy rõ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia đóng góp tiền, công sức xây dựng đường giao thông nông thôn; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Năm 2014, xã Cổ Đạm đã triển khai thi công, hoàn thành 15,7km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của tỉnh, huyện hỗ trợ trên 3,5 tỷ đồng, vốn do nhân dân đóng góp trên 12,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm qua, các thôn 1, 7, 8, 11 ở xã Cổ Đạm đã xây dựng được 17 tuyến đường thuộc dự án giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 8 km, kinh phí gần 9 tỷ đồng, đạt chất lượng và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra đến trên 200%. Những tuyến đường này đã phục vụ tốt việc đi lại, sản xuất và vận chuyển hàng hóa, nông sản của nhân dân; từng bước xây dựng hoàn chỉnh nông thôn mới.
Mạng lưới giao thông từng bước được bê tông hóa vươn đến tận thôn, xóm
Đặc biệt là thôn Xuân Sơn, một thôn thuộc vùng núi khó khăn nhất của xã Cổ Đạm đến cuối năm 2014 đã xây dựng được trên 4km đường giao thông và kênh mương nội đồng. Đồng thời đây cũng là thôn đang có bước đột phá về phát triển kinh tế bằng các mô hình vườn đồi, trong đó có đến gần 70 hộ trồng hoa đào phục vụ thị trường tiêu thụ ở TP Vinh trong dịp tết, đem lại nguồn lợi cho mỗi hộ gia đình hàng năm từ 50 – 120 triệu đồng.
Trong năm 2015, xã Cổ Đạm đã chỉ đạo các thôn 1, 3, 4 – là những thôn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu – với nhiều hộ gia đình có điều kiện chỉnh trang vườn tược, phát triển kinh tế bằng các mô hình VAC hiệu quả, tăng thu nhập ngày càng cao đối với người dân.
Có thể nói, sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, các tuyến giao thông liên xã, liên thôn ở Cổ Đạm phát triển khá nhanh, mạng lưới giao thông từng bước được bê tông hóa vươn đến tận thôn, xóm. Từ thực tiễn quá trình xây dựng giao thông, xã Cổ Đạm đã rút ra những bài học quý giá. Đó là phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã. UBND các xã đã chủ động huy động nguồn lực địa phương và cộng đồng dân cư; các nhà tài trợ, các doanh nghiệp để đầu tư xây dựng đường giao thông.
Mặt khác, chính quyền các cấp luôn lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân; công khai minh bạch và bàn bạc dân chủ từ quá trình chuẩn bị đến khi hoàn thành tuyến đường, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Từ đó, các hộ dân thấy được lợi ích và tự giác tham gia. Cán bộ, đảng viên, hội viên luôn làm nòng cốt, gương mẫu trong thực hiện để người dân noi theo.
Để tạo tiền đề cho mục đích hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2016, lãnh đạo Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân xã Cổ Đạm đang tiếp tục nỗ lực thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia bằng các chủ trương, nghị quyết đúng đắn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của toàn dân.
Hải An/ Người Đưa Tin