Trở tay không kịp
Theo Công văn số 3951/BHXH-CSYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ngày 20/10/2014 “Về việc hướng dẫn giải quyết một số khó khăn vướng mắc trong phân định và thanh toán chi phí KCB BHYT” tại Điều 3 quy định: “Kết quả xét nghiệm phải được Trưởng khoa xét nghiệm là bác sỹ hoặc cử nhân sinh học hoặc cử nhân hóa học, hoặc dược sỹ đại học, hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm (tốt nghiệp đại học) có chứng chỉ hành nghề kết luận, ký xác nhận” nhưng 12 cơ sở y tế trên vướng vào quy định này.
BS Nguyễn Văn Toại, Giám đốc BVĐK Vũ Quang cho biết: “Quy định của BHXH là đúng nhưng thời gian gấp gáp quá, trở tay không kịp. BVĐK Vũ Quang chúng tôi chỉ có 17 bác sỹ, ngoài cơ sở tại Trung tâm huyện, còn có cơ sở 2 tại chợ Bộng, cho nên các bác sỹ phải kiêm nhiệm nhiều việc. Ví như BS Lê Đình Toàn, Phó Giám đốc BV phải kiêm Trưởng khoa Nội, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Đông y. Hay Trưởng khoa xét nghiệm BV chúng tôi là BS Nguyễn Sơn Lâm – bác sỹ chuyên ngành siêu âm, có chứng chỉ hành nghề, còn các thành viên trong khoa xét nghiệm được đào tạo chuyên môn trình độ cao đẳng và trung cấp. Chúng tôi đã có kế hoạch cho đào tạo, nhưng phải mất 4 năm. Tháng 6/2015, cô Nguyễn Thị Kim Soa sau thời gian đào tạo 4 năm tại ĐH Y Huế mới tốt nghiệp, nên quý 2 năm 2015 chúng tôi vướng vào Điều 3 nên còn bị “treo” 579 triệu đồng”.
Theo BS Phan Thanh Minh, Giám đốc BVĐK Cẩm Xuyên, quý 2 và quý 3 năm 2015, ngân sách chưa được BHXH chi trả là 1,2 tỷ, nếu tính cả quý 4 nữa, số tiền trên sẽ lên đến 2 tỷ đồng.
Khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh
Do chưa được quyết toán nên các cơ sở y tế đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, lúng túng. “Trước mắt, chúng tôi đang tìm được sự thông cảm từ phía đối tác cung cấp, nhưng về lâu dài là không được và nhất là khoản kinh phí ấy không ít mà lên đến tiền tỷ. Nếu không được thanh toán, chúng tôi không biết lấy đâu các phương tiện để khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Vấn đề nan giải này khiến chúng tôi rất lo lắng” – BS Nguyễn Văn Toại nói.
Còn BS Phan Thị Xuân Liễu, Giám đốc BVĐK Kỳ Anh chia sẻ: “Hiện các BVĐK chúng tôi đã có kế hoạch cho đào tạo để chuẩn hóa đội ngũ một cách đồng bộ, nhưng điều này cũng không phải ngày một ngày hai. Nên chăng trong thời gian bản lề này, BHXH cần thông cảm với thực tế của các BV tuyến dưới, nhất là vùng sâu, vùng xa, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, gia hạn thời gian thực hiện Công văn số 3951/BHXH-CSYT”.
Trong những năm qua, Hà Tĩnh có nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Đoàn Đình Anh, Trưởng ban VH-XH Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 21, toàn ngành Y tế đã thu hút được 161cán bộ có trình độ đại học, trong đó có 90 bác sỹ, 24 dược sỹ, số còn lại là cử nhân chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật viên xét nhiệm tốt nghiệp đại học. Một số cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, mặc dầu có chính sách đãi ngộ và thu hút nhưng chưa phải là sự lựa chọn của sinh viên khi ra trường nên thiếu bác sỹ là một thực tế. Hiện tại, một mặt các cơ sở y tế chủ động có kế hoặc đào tạo nguồn lực một mặt tiếp tục thu hút nguồn lực theo Nghị quyết 21”.
Được biết, để giải quyết thực trạng khó khăn này, ngày 7/1 vừa qua, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có Công văn số 26/SYT-NVY gửi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề nghị “Về việc giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm” nhằm khai thông vướng mắc, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân địa phương được tốt hơn.
Lê Văn Vỵ/Báo Gia đình & Xã hội