Sáng chớm xuân, trên những nẻo đường quê Hà Tĩnh và Quảng Bình, nơi chỉ mới cách đây vài tháng vừa xác xơ, nghiêng ngả sau cơn lũ kép lịch sử, những “tia sáng” của một cuộc sống mới lại tràn trề khi không khí chuẩn bị Tết Giáp ngọ đang rộn ràng nơi nơi.
Trong tiết trời se sắt, những rặng núi đá vôi thấp thoáng giữa làn mây trắng bồng bềnh. Sắc xanh mênh mông của những ruộng mạ, vườn rau nay đã thế chỗ cho sự úa tàn nơi mảnh đất cằn, nước bạc. Và, hơi ấm mùa Xuân như xua tan những cơn gió Đông lạnh giá nơi núi rừng “vùng giáp biên.”
Cơn lũ kép lịch sử số 10 và 11 “đổ sập” xuống vai người dân vùng lũ miền Trung đã đi qua, những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do hậu quả lũ lụt đang từng ngày điểm “tô” cho mình những nét chấm phá mới trong bức tranh xuân nồng ấm. Những con đường rạn nứt mới ngày nào đã được bê tông hóa trải dài sạch sẽ và nhà nhà phây phẩy lá cờ đỏ sao vàng.
Có được sắc diện tươi mới hôm nay, mỗi người dân vùng lũ đã trải qua những ngày tháng cơ cực, vượt khó từ cái nghèo. Cùng với đó là sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng đang sinh sống trong và ngoài nước. Hàng chục tỷ đồng, hàng vạn thùng mỳ tôm, hàng ngàn tấn gạo cùng nhiều vật dụng, nhu yếu phẩm khác đã đến với người dân vùng lũ.
Đến nay, tàn dư của cơn lũ kép chỉ còn trong ký ức, song nhiều chuyến hàng tình nghĩa từ trong Nam cho đến ngoài Bắc vẫn tiếp tục đến với đồng bào, để những bữa cơm ngày Tết của bà con vùng tâm lũ xã Hòa Hải (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) được đủ đầy thịt, cá.
Còn nhớ, trong trận lũ quét mới đây, người dân xã Hòa Hải đã bị tổn thất 5,2 tỷ đồng. Biển nước đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà, làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, khiến hàng trăm hộ gia đình rơi vào cảnh trắng tay, khốn khó.
Ấy nhưng, sau những nỗ lực vượt khó, sự ứng cứu kịp thời của các nhà hảo tâm xa-gần, người dân vùng lũ Hòa Hải đã vượt qua khó khăn, mất mát để ổn định cuộc sống và cùng chuẩn bị đón mùa xuân mới.
Trở lại vùng lũ Hòa Hải những ngày đầu năm 2014 mới thấy hết tinh thần vượt khó của bà con nơi đây. Ruộng đồng đang phủ một màu xanh với những thửa rau cải mơn mởn chờ ngày thu hoạch. Khắp thôn-xóm, những vườn quất, quả đã ngả óng một màu vàng…
Vừa ngơi tay trên thửa rau cải xanh mơn mởn, chị Nguyễn Thị Minh, ở xóm 13, xã Hòa Hải hồ hởi: “Chỗ ruộng này mới vài tháng trước còn ngập chìm trong biển nước. Thế nhưng, sau khi nước rút được cấp trên hỗ trợ gạo, cho giống làm vụ Đông nên giờ nhà mình đã yên tâm đón xuân về.”
Cũng như người dân xã Hòa Hải, hàng trăm hộ gia đình đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng đang nô nức đón xuân. Mấy ngày nay, nhà nhà đã lên rừng, ra chợ trao đổi hàng hóa và tìm kiếm những cành đào, cành mai sắc thắm.
Trong cơn lũ kép do cơn bão số 10 và 11 vừa gây ra, thiệt hại vật chất tại Thượng Hóa lên đến 12 tỷ 153 triệu đồng. Cơn lũ dữ tràn đến quá nhanh khiến hàng trăm hộ gia đình rơi vào cảnh khốn cùng. Ngay sau đó, được sự góp sức của cộng đồng xã hội, đồng bào nơi đây đã biết tận dụng tiềm năng, khai thác thế mạnh để biến khó khăn thành thuận lợi, vực dậy và ổn định cuộc sống.
Đến nay, hàng chục bãi ngô, khoai lang, rau bầu lấy ngọn đã phủ kín khắp cánh đồng ngập phù sa do nước lũ bồi đắp. Trong nhà dân, những chú lợn béo tròn nhờ ăn cám ngô đã được tắm rửa sạch sẽ, chờ ngày xuất chuồng.
Chia sẻ với vị khách trẻ về sự đổi thay của người dân sau một thời gian “sống chung” với trận lũ kép trong tháng 10/2013, ông Cao Thanh Biên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thượng Hóa cho hay: “Ngay sau khi cơn lũ đi qua, chính quyền đã tìm mọi cách để giúp dân gia cố lại nhà cửa, chăm lo sản xuất.”
Và sau cơn mưa trời lại sáng, vùng đất lũ miền Trung đã thực sự hồi sinh từ sức sống tiềm tàng của con người nơi đây và sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Thế mới biết, thiên nhiên dù khắc nghiệt đến đâu, dù có dữ dằn thế nào cũng không thể nhấn chìm được ý chí và sức mạnh của con người.
Hòa vào không khí của ngày xuân, người dân vùng rốn lũ xã Hòa Hải (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) và xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng đang nô nức bên nồi bánh chưng thơm; chuẩn bị cho mình những cành đào, cành mai, cây nêu đón Tết./.