Danh Nhân

"Vua phá bom" qua lời kể của hai bà vợ

Danh hiệu "Vua phá bom" gắn với người anh hùng Vương Đình Nhỏ đã đi vào huyền thoại không chỉ đối với người dân Hà Tĩnh. Thế nhưng, cuộc đời ông là một quãng thời gian đầy bi kịch. Hai lần lấy vợ và không thoát khỏi lời nguyền "sinh nghề, tử nghiệp".

Nhiều cô mê lắmKhi chúng tôi tìm đến nhà, bà Lê Thị Nhưng cùng chồng đang ăn bữa cơm trưa. Một chiếc mâm nhôm nhỏ xíu, trên đó có 1 bát nhỏ có cái đầu vịt cùng mấy miếng cổ và một nồi cơm điện đã bong tróc hết lớp chống dính. Mâm cơm được đặt trên một cái cũi tre cũ kỹ trụ bốn chân trên nền nhà bằng đất.

d

Một chiếc mâm nhôm nhỏ xíu, trên đó có 1 bát nhỏ có cái đầu vịt cùng mấy miếng cổ và một nồi cơm điện đã bong tróc hết lớp chống dính.

Nhà không có bàn, có khách đến, hai vợ chồng bỏ dở bữa cơm ngồi lên giường tiếp chuyện. Bà Lê Thị Nhưng đi bước nữa về xã Kỳ Đồng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) từ cách đây hơn 30 năm. Những tưởng câu chuyện về ông Vương Đình Nhỏ, người chồng cũ đã trở thành quá vãng nhưng không phải như vậy.”Khai mương cho nác (nước) chảy về cống/Tháo cống cho nước chảy về biển/Anh Nhỏ lắm tiền/ Mua o (cô) Nhưng về mà nhởi (chơi)”, bà Nhưng móm mém nhắc lại câu đồng dao mà trẻ con hay hát trêu khi ông Vương Đình Nhỏ trở về địa phương.”Hồi trẻ ông ấy gầy gầy, đen đen, để ria trông cũng khá đẹp trai. Nhưng mà ông ấy hiền lắm. Khi đi bộ đội về có cái đài và khẩu súng dắt bên cạnh ai cũng nể. Ông ấy cũng khéo mồm, lại biết chơi đàn nên nhiều cô mê lắm”, bà Nhưng hồi tưởng.Bà lấy ông Nhỏ năm 1964, sống với nhau 12 năm. “Ông ấy đi bộ đội về, tui 19 tuổi rồi nhưng cũng đang con nít. Yêu nhau từ tháng Chạp thì tháng 6 năm sau cưới…”, nói đến đây, bà Nhưng đưa ánh mắt về người chồng (hiện tại) ra ý thăm dò.”Tui với ông đây (chỉ sang người chồng) sống với nhau hơn 30 năm rồi. Ông ấy ngày xưa đẹp trai lắm chứ không móm mém như bây giờ đâu. Ngoài 70 cả rồi…”, bà Nhưng quay về hiện tại.Anh mà chết thì em… đi báo cáo thành tíchTiếp câu chuyện về ông Nhỏ, bà Nhưng như được quay trở lại quãng thời gian còn chiến tranh: “Hồi còn ở với ông Nhỏ, ông ấy đi phá bom suốt. Cứ ông ấy ra khỏi nhà là tui lo. Nhỡ có mệnh hệ chi thì tui biết sống ra răng (thế nào). Có lần, ông ấy mở bom gần nhà, tui chạy ra xem thì thấy đơn vị đang làm lễ truy điệu sống (chấp nhận cái chết). Nhìn thấy quan tài đặt bên cạnh, còn ông ấy thì ôm quả bom cưa, tui òa khóc. Ông ấy đùa để động viên: Em lo gì, anh mà chết thì em có cái để mà… đi báo cáo thành tích”.Khi chúng tôi hỏi về cuộc ly hôn năm 1968, bà Nhưng thoáng chút ngập ngừng rồi nói: “Hồi ấy ông Nhỏ chuyển ra Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) công tác. Tại đây ông ấy gặp và ở với bà Luận (bà Trần Thị Luận, người vợ sau) nên chúng tôi chia tay.”

d

Bà Nhưng có một con chung với ông Nhỏ là anh Vương Đình Việt hiện đang sống cùng gia đình ở Tây Nguyên.

Bà Nhưng kể: “Có lần, tui cũng ra thăm ông ấy. Tui tìm đến nhà và giới thiệu với bà Luận là em gái ông Nhỏ. Khi tui đang bồng con bà Luận và ngồi nói chuyện vui vẻ thì ông Nhỏ về. Ông ấy giơ hai tay nắm lấy vai tui và nói với bà Luận: “Đây là vợ đầu chứ không phải em gái mô”. Rồi ông ấy quay sang tui nói: “Em ra nhởi (chơi) nhưng đừng có làm gì ảnh hưởng đến anh nhé”. Sau lần ấy, tui không ra nữa…”.Bà Nhưng có một con chung với ông Nhỏ là anh Vương Đình Việt hiện đang sống cùng gia đình ở Tây Nguyên. Sau khi chia tay, bà đi bước nữa với người chồng hiện nay và có thêm 2 người con.Cũng vì “nhân duyên dang dở” mà hồ sơ phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang của ông Vương Đình Nhỏ nhiều lần bị chậm lại. Năm 2005, tức 15 năm sau ngày mất, ông Nhỏ mới được truy phong danh hiệu cao quý này.Nhân duyên không được như ý sau hàng chục năm, bà Lê Thị Nhưng vẫn không thay đổi suy nghĩ về người chồng cũ của mình: “Ông Nhỏ là người sống có đạo đức và có trách nhiệm với vợ con”.




“Vua phá bom” qua lời kể của vợ: Phút trải lòng của bà vợ hai

Số nếp nhăn trên khuôn mặt bà Trần Thị Luận (ở Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) nói lên phần nào sự vất vả và lo toan của người đàn bà mới ngoài 60 tuổi này. Bà Luận nên duyên cùng “vua phá bom” Vương Đình Nhỏ tại “túi bom” Ngã Ba Đồng Lộc trong khói lửa của chiến tranh…Cưới!Vừa trở về sau chuyến phẫu thuật u ở Hà Nội và điều trị bệnh khớp tại Quảng Bình, bà Luận tranh thủ thu hoạch số lạc ít ỏi trồng được ở vườn. “Tiền tuất của ông mỗi tháng hơn hai trăm ngàn. Tui thì đau ốm liên miên không làm được gì nên phải trồng ít lạc, nuôi thêm con bê để có thêm thu nhập. Ngày xưa chui dưới hầm tránh bom nhiều nên giờ mới đau yếu thế này”, bà chia sẻ.Trong căn nhà xây tuyềnh toàng, bà Luận ôm hai đứa cháu gái còn nhỏ và kể: “Tui có với ông Nhỏ 6 người con. Đứa này là con thằng đầu, bố nó bị tai nạn nên mẹ nó bỏ vào miền Nam từ khi nó mới 28 tháng. Còn đứa này là con cô con gái thứ 2, bị chồng hắt hủi nên về sống với mẹ”.Chuyện tình duyên của bà Luận diễn ra trong hoàn cảnh éo le. “Hồi ấy tui 18 tuổi, đông khách đến “cưa” lắm. Còn ông Nhỏ thì nhiều hơn hai chục tuổi, đen như chum cháy nhà, lại từng có vợ nên nhiều người phản đối. Mẹ tui còn bảo: Văn công, thầy giáo đến cưa răng không lấy? Mi (mày) lấy ai thì lấy chứ răng lấy hắn (cậu ấy)”.

d

Nếp nhăn thể hiện rõ trên khuôn mặt bà Trần Thị Luận.

Thời điểm ấy, cha bà Nhỏ cũng là người phá bom vừa bị mất do bom phát nổ. Hoàn cảnh gia đình mất đi trụ cột nên rơi vào túng bấn. “Tui mà lấy chồng xa thì ai nuôi mẹ và em? Nghĩ vậy nên tui nói với ông Nhỏ: Nếu anh thương em, thương mẹ và các em của em, chịu ở rể thì em lấy!”. Ông Nhỏ đồng ý, vậy là hai người nên vợ thành chồng! Đám cưới chỉ có bánh kẹo và bát nước chè xanh mời anh em bà con chung vui.Sống!“Thế khi ấy cô có yêu chú không?”, tôi hỏi. Bà Nhỏ cười thật thà: “Khi ấy hoàn cảnh khó khăn nên mình quyết lấy chồng thôi. Ban đầu chưa yêu đâu”.Cuộc sống dưới túi bom nếu không phải là người trong cuộc chắc chắn khó hình dung nổi. “Năm 1972, Mỹ ném bom dữ dội ở Đồng Lộc, có hôm nghe tiếng máy bay rít, tui chỉ kịp ôm đứa lớn kéo xuống hầm. Khi quay trở lên, đứa bé khóc oe oe trên chõng. May mà không sao. Có hôm thì cùng con gái ở dưới hầm, bom ném vùi ngay hầm bên cạnh. Cùng ngày lại bị ném thêm một lần nữa làm cho mấy đứa trẻ bị ngạt vì khói bom”, bà Luận kể.Bà Luận tiếp: “Ông ấy đi suốt. Khi thì đi mở bom nổ chậm. Khi thì làm nghi binh đánh lạc hướng. Mỗi lần ông ấy ra khỏi nhà là tui lo lắm. Tôi dặn: “Cha em cũng rà bom bị bom nổ chết. Anh hãy cẩn thận không thì thiệt thân”. Ông ấy thì cứ gạt đi: “Sống thì sống, chết phải chết, sợ gì!” – Mà ông ấy bị sức ép của bom suýt chết hàng chục lần chứ phải ít mô…”.Bà Luận không thể quên những lần chồng mình được dìu về trong tình trạng ngất xỉu, mặt mày tím tái. Đó là hậu quả của việc đứng quá gần khi bom nổ. Tránh làm sao được khi mà hằng ngày người anh hùng Vương Đình Nhỏ phải lấy phên nứa dựng hình ô tô, buổi tối dùng ắc quy thắp sáng đèn để đánh lạc hướng máy bay địch nhằm “hút bom” về những mô hình này. Mỗi lần như vậy, ông đều phải núp gần đó để điều chỉnh ánh sáng và làm cho mô hình này trông giống chiếc xe ô tô đang chạy nhất…”Những hôm ông ấy đi lâu lâu không thấy về thể nào cũng có chuyện. Đa số là bị sức ép bom… Cứ nơi nào có bom thì ông ấy đi ngay chứ không kể là ai nhờ. Ông ấy xác định làm nghề là phải thế…”, bà Luận nhớ lại.


Kỳ tới: Anh hùng và nghèo túng

Vương Đình Nhỏ sinh năm 1925 tại xã Kỳ Thịnh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Năm 1948, ông Nhỏ nhập ngũ. Từ năm 1964 – 1967, ông làm trung đội trưởng Công binh D57 Hà Tĩnh, phá gỡ bom mìn ứng cứu đường. Từ tháng 7/1967, ông chuyển ngành về Ty Giao thông, làm nhiệm vụ dỡ phá bom trên các cung đường. Ông mất năm 1990 khi đang mở bom và được truy phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2005.

Trọng An

Bee

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP