Chúng tôi có mặt tại khoảnh 2, tiểu khu 150, xã Hương Thọ và được chứng kiến hình ảnh buồn khi chỉ qua một đêm, 930 cây cao su (tương ứng với diện tích gần 2 ha) đã bị chặt phá nham nhở, đổ gãy tan hoang.
Nhìn những cây cao su có đường kính bình quân 4 cm, cao gần 3 m bị triệt hạ không thể phục hồi, bỏ lại từng khoảnh đất rừng nằm trống tuênh, trơ trọi khiến không ít cán bộ, công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.
Anh Trần Văn Song, Trưởng phòng thanh tra bảo vệ – Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê cho biết: Để trồng được một rừng cây cao su lên xanh tốt, đơn vị phải bỏ nhiều vốn liếng, mồ hôi công sức, nhưng giờ đây, mọi nỗ lực trong chăm bón, quản lý bảo vệ đã không mang lại hiệu quả. “Lực bất tòng tâm”. Cái khó nhất của Công ty là lực lượng bảo vệ quá mỏng, diện tích rừng trồng cao su lại trải rộng với nhiều lô, khoảnh khác nhau.
Theo đề án phát triển cây cao su trên địa bàn huyện Vũ Quang, giai đoạn 2010 – 2015, diện tích đất thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê quản lý, sử dụng và dự kiến quy hoạch phát triển cây cao su là 1.653 ha. Đất do các xã và hộ gia đình đang quản lý, sử dụng phù hợp cho việc phát triển cây cao su là 2.657 ha.
“Tình trạng lấn chiếm đất rừng, chặt phá cao su ở xã Hương Thọ đã diễn ra từ lâu, hàng chục, thậm chí hàng trăm ha thông, rừng cây tạp được giữ lại làm vành đai bảo vệ môi trường đã bị người dân nơi đây vào xâm lấn, chặt phá và khai thác nhựa. Đợt chặt phá cây cao su lần này không chỉ gây thiệt hại lớn về diện tích mà còn cho thấy hành vi phá hoại của những kẻ vô lương tâm thực sự có quy mô, tổ chức”, anh Song bức xúc.Để cây cao su thực sự là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Công ty đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương chuyển đổi đất rừng, hiệu quả kinh tế của cây cao su mang lại, tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút lao động là con em địa phương. Nhờ đó, đến nay, tại huyện Vũ Quang, Công ty đã khai hoang, trồng mới 465 ha cao su, trong đó riêng địa bàn xã Hương Thọ là 230 ha.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án lại nảy sinh nhiều bất cập. Nhiều năm nay, tại các tiểu khu 150, 151 ở xã Hương Thọ, tình trạng người dân xâm lấn đất rừng để trồng keo, hoa màu diễn ra hết sức phức tạp.
Những nỗ lực của cán bô, công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê bị những kẻ bất lương tàn phá
Ông Nguyễn Văn Hoàn – Chủ tịch UBND xã Hương Thọ khẳng định: Cấp ủy, chính quyền địa phương đã không ít lần tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân về chủ trương trồng cao su. Trước đó một số đối tượng chặt phá cây cao su, lấn chiếm đất rừng đã bị phát hiện, đưa ra kiểm điểm, xử lý.
“Điều đáng nói ở đây là đối tượng phá hoại tài sản phần lớn lại đang ở độ tuổi vị thành niên, nhiều em hiện đang là học sinh phổ thông nên việc xử lý, răn đe giáo dục hết sức khó khăn. Ngoài ra, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ những lợi ích thiết thực của cây cao su nên đã có hành vi cản trở, chống đối. Vấn đề này vừa gây khó khăn cho Công ty trong quy hoạch khai hoang, mở rộng diện tích vừa làm mất ổn định tình an ninh chính trị tại cơ sở. Với sự việc diễn ra vào rạng sáng ngày 13/3 xã Hương Thọ sẽ phối hợp với chủ rừng và các cơ quan chức năng quyết tâm điều tra, làm rõ xử lý một cách nghiêm minh để làm gương cho kẻ khác”, ông Hoàn cho biết thêm.
Chuyển đổi diện tích đất rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Nếu hành vi xâm lấn đất rừng, phá hoại cây cao su không được lên án, ngăn chặn kịp thời, thì cây cao su sẽ khó đứng vững trên đất đồi Vũ Quang.
Văn Chương
Baohatinh