Giáo dục

Vụ đề thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Sinh: Có dấu hiệu bao che?

Dư luận những ngày qua bày tỏ sự băn khoăn quanh những bất thường ở đề thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Sinh học.

Hình ảnh so sánh điểm tương đồng giữa tài liệu ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ (trái) và đề thi chính thức môn Sinh học, theo phản ánh của thầy Đinh Đức Hiền.

Theo đó, nhiều phần trong đề thi chính thức tương đồng với nội dung ôn tập cho học sinh của thầy Phan Khắc Nghệ, Hiệu phó THPT Chuyên Hà Tĩnh. Thế nhưng, những diễn biến sau đó khiến dư luận nghi vấn dường như những người có trách nhiệm ở Bộ GDĐT có dấu hiệu bao che?

1. Câu chuyện bắt đầu từ hồi tháng 7/2021, thầy Đinh Đức Hiền - một giáo viên Toán - Sinh phản ánh, đề thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Sinh học có nhiều phần tương đồng với nội dung ôn tập cho học sinh của thầy Phan Khắc Nghệ, Hiệu phó THPT Chuyên Hà Tĩnh. Theo đó, môn thi Sinh học nằm trong tổ hợp Khoa học Tự nhiên, diễn ra vào sáng 8/7.

Trước đó, ngày 5/7, thầy Phan Khắc Nghệ tổ chức buổi dạy live tổng ôn kiến thức trọng tâm cho môn Sinh. Đến ngày 7/7, thầy thực hiện thêm một video chữa đề luyện thi. Khi phát hiện dấu hiệu trùng hợp, thầy Đinh Đức Hiền đã thống kê và nhận thấy, 32 trong số 40 câu hỏi thi thật có nội dung tương tự câu hỏi tổng ôn của thầy Nghệ.

Thầy Hiền cho biết, sau khi phát hiện vụ việc, ngày 12/7/2021, đã viết thư gửi lên Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, kèm theo đó là toàn bộ tài liệu liên quan. Ngay sau đó, đại diện Bộ là nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh đã phản hồi về việc đã nhận được thông tin và đang cùng các cơ quan chức năng tiến hành xác minh.

“Đến ngày 16/8/2021 tôi đã gửi email đến ông Mai Văn Trinh về tình hình điều tra sự việc. Ngay trong ngày, tôi nhận được phản hồi rằng vụ việc vẫn đang được điều tra”, thầy Hiền cho biết thêm.

Sau gần nửa năm kể từ khi được phản ánh, nghi vấn lộ đề thi Sinh học vẫn chưa được làm rõ. Sự việc hiện mới dừng lại ở biên bản của các chuyên gia giáo dục, kết luận “có dấu hiệu bất thường”. Hiện, chưa có kết quả điều tra từ phía công an. Tuy nhiên, khi vụ việc có dấu hiệu “chìm xuồng”, buộc thầy Hiền tiếp tục đi tìm sự thật.

Ngày 9/11/2021, thầy Đinh Đức Hiền tiếp tục gửi thư đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với mong muốn Bộ GDĐT nhanh chóng điều tra và công bố vụ việc.

“Ngày 16/11/2021, tôi nhận được phản hồi từ chính Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Tuy nhiên, thông tin tôi nhận được vẫn là Bộ GDĐT đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh làm rõ vụ việc và Bộ đang tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ các quy trình kỹ thuật tổ chức Kỳ thi để phục vụ tốt hơn cho tổ chức kỳ thi những năm tiếp theo”, thầy Hiền cho biết.

2. Nhưng điều khiến cá nhân thầy giáo Đinh Đức Hiền cũng như nhiều người quan tâm đặt câu hỏi, liệu có sự bao che, khuất tất nào không từ phía người đứng đầu Bộ GDĐT?

Bởi hồi đầu tháng 8, Bộ thành lập tổ chuyên gia, phối hợp cùng cơ quan công an để xác minh. Tư liệu dùng để đối sánh gồm: 4 đề thô, 4 đề duyệt chốt, một bản PDF đề ôn tập được thầy Nghệ dạy cho học sinh, 3 video live của thầy Nghệ, các tệp được thầy Nghệ gửi Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh và thành viên Tổ thẩm định thông qua email từ năm 2016-2018 và 2021.

Theo biên bản làm việc, kết quả đối sánh cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề thô đều trùng nhau theo thứ tự các câu tương ứng, đồng thời khác biệt hẳn với các câu hỏi trong 12 mã đề không được chọn. Cùng với đó, các câu hỏi trong 4 mã đề thô “trùng lặp rất lớn” với nội dung ôn tập của thầy Nghệ. Cụ thể, trong tổng 40 câu của từng mã đề thô được chọn, 39 câu trùng (tỷ lệ 97,5%). Trong 39 câu trùng này, 37 câu trùng ở cả 4 mã đề.

Cho rằng Bộ GDĐT có tinh thần thẳng thắn trong việc thừa nhận có sự bất thường trong đề thi và việc luyện thi môn Sinh học, song thầy Hiền cho rằng, còn nhiều vấn đề Bộ GDĐT chưa trả lời rõ ràng.

“Thứ nhất, nếu như báo chí đăng, kết quả thẩm định của Tổ chuyên gia đã có từ tháng 8/2021 và kết luận có sự bất thường, nhưng Bộ đã không đưa ra bất kì thông tin nào. Trong khi đó, ngày 16/11/2021, trong email Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hồi đáp tôi lại nói rằng chưa đủ căn cứ xác minh dấu hiệu vi phạm. Tại sao lại có sự bất nhất trong thông tin từ Bộ GDĐT và việc Bộ để thông tin quá lâu mà không công bố liệu có vấn đề gì khác? Thứ hai, Bộ GDĐT khẳng định có bất thường, sẽ xử lý vi phạm nhưng bất thường đến đâu, mức độ vi phạm như thế nào lại không đề cập. Đề thi là bí mật Nhà nước cấp độ tối mật, sự trùng khớp bất thường này có phải là dấu hiệu lộ đề, lộ bí mật Nhà nước hay không? Thứ ba, nếu cá nhân, tổ chức sai phạm, vậy quy trình xây dựng và ra đề hiện nay có lỗ hổng hay không, và lỗ hổng ở đâu?”, thầy Đinh Đức Hiền nêu quan điểm.

3. Liên quan đền vấn đề này, dư luận những ngày qua cũng quan tâm và mong muốn sự việc sớm được làm sáng tỏ. Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, gần đây ông nhận được nhiều thông tin của các giáo viên, cử tri về sự bất thường của đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021.

Trước sự im lặng nhiều tháng của Bộ GDĐT từ khi các chuyên gia chỉ ra các bất thường, ông Lê Như Tiến cho rằng chỉ có một cách, đó là Bộ GDĐT nên nhìn thẳng vào sự thật, công bố đúng sự thật để cử tri, người dân, dư luận xã hội biết được sự thật là như thế nào. Thà rằng Bộ GDĐT lấy lại uy tín của mình bằng cách cho thanh tra, kiểm tra, nếu thật sự có tiêu cực thì xử lý nghiêm.

Đồng quan điểm, bà Phạm Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV, cho rằng, Bộ GDĐT cần phải đối diện với những câu hỏi thẳng và buộc phải trả lời thật trước dư luận xã hội về vấn đề nghiêm trọng này.

“Việc xảy ra cách đây nhiều tháng mà Bộ GDĐT im lặng quá lâu như vậy, mà lại im lặng với chính lực lượng giáo viên trong ngành cho thấy Bộ đã chưa đề cao giá trị của giáo viên, xem nhẹ tinh thần góp ý, xây dựng trong đội ngũ giáo viên, mà lẽ ra Bộ cần xem đó là thế mạnh của ngành. Những bài học xương máu trong công tác quản lý giáo dục ở giai đoạn trước lẽ ra phải được rút kinh nghiệm sâu sắc trong nhiệm kỳ này. Tôi tin rằng sự việc này dư luận sẽ không dễ dàng để “chìm xuồng”. Vì thế cần xem xét nghiêm túc trách nhiệm quản lý của Bộ, đã chưa thực hiện đúng và nghiêm túc trách nhiệm của ngành trong vụ việc này hay chưa. Tôi rất mong Chính phủ cần có sự quan tâm kịp thời chỉ đạo sâu sát, cụ thể và yêu cầu Bộ GĐĐT có báo cáo giải trình cụ thể về chuyên môn như: việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, việc quản lý ngân hàng đề thi như thế nào? Có xây dựng quy chế bảo mật khi xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm hay không…”, bà Hiền nêu quan điểm.

TS Phạm Văn Lập, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, là một trong các thành viên tổ chuyên gia thẩm định sự việc, do Bộ GDĐT thành lập hồi tháng 8. Trao đổi với báo chí, ông Lập nhận định dù việc lộ đề có xảy ra hay không, hiện tượng một người ôn trúng 90% đề thi “là bất thường”. Ông Lập đặt câu hỏi về quy trình làm đề, chọn đề. Theo ông Lập, “không ai giỏi mà đoán được đến mức đấy, nhất là khi đề được rút ngẫu nhiên trên máy tính”; và “về mặt khoa học, việc này có xác suất gần như bằng 0 và khó ai chấp nhận được”.

Những đánh giá này, ông Lập nói đã được tổ chuyên gia đưa vào biên bản thẩm định đầu tháng 8, với kết luận “có dấu hiệu bất thường” và phân tích rõ. Ông bày tỏ sự khó hiểu khi “từng đấy ngày mà Bộ GDĐT, cơ quan chức năng chưa đưa ra phản hồi”.

Tác giả: NHÓM PV

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP