Pháp luật

Vụ bé trai 1 tuổi bị bạo hành: Vì sao mẹ cháu bé không được tại ngoại?

Liên quan đến vụ cháu bé 1 tuổi bị bạo hành, theo thông tin từ cơ quan công an, mẹ cháu bé mới bị bắt giữ vì buôn bán ma túy. Nhiều độc giả băn khoăn, tại sao đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nhưng mẹ cháu bé không được tại ngoại.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 5/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” để điều tra vụ bạo hành bé trai gần 1 tuổi, hiện đang được Bệnh viện Nhi Trung ương chăm sóc.

Cháu bé 1 tuổi bị bạo hành đang được điều trị, chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tài liệu điều tra bước đầu xác định, chiều 3/8, cháu Trần T.A. được một người đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn chiều 3/8 theo giấy chuyển viện của Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Người này khai tên là Nguyễn Trường Giang (ở thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội; hiện tạm trú tại K8 - khu 7,2ha, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình).

Trong hồ sơ bệnh án, cháu bé được ghi tên là Nguyễn Đình Phong, ở số 6D bãi Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá (quận Ba Đình).

Quá trình xác minh, cơ quan điều tra làm rõ, cháu bé tên thật là Trần T.A. (sinh ngày 23/8/2016). Mẹ cháu là Đinh Lan Hương (SN 1983, HKTT ở phố Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm).

Người đưa cháu bé đến bệnh viện được xác định là Nguyễn Thanh Hằng (SN 1978, trú tại phố Yên Phụ, quận Ba Đình). Hằng khai nhận được bạn nhờ nuôi hộ cháu T.A. nhưng phủ nhận những vết thương trên người cháu do mình gây ra.

Liên quan đến nhân thân mẹ cháu T.A., theo Công an phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), Đinh Thị Hương liên tiếp dính vào các vụ buôn bán ma túy. Tháng 8/2016, Hương bị Công an quận Ba Đình bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy nhưng được tại ngoài do đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.

Chỉ hơn 1 tháng sau, Hương lại bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt vì cùng tội danh trên và lại được tại ngoại. Đến tháng 7/2017, Hương tiếp tục bị Công an phường Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt vì buôn bán ma túy.

Sau khi bị bắt, Hương không được tại ngoại nên đã giao bé T.A. cho một người bạn tên là Chi (ở phố Kim Mã, quận Ba Đình). Chi giao tiếp cháu bé cho Nguyễn Thanh Hằng (ở Yên Phụ, Ba Đình) nuôi cho đến lúc xảy ra sự việc bé bị bạo hành và bỏ rơi tại bệnh viện.

Nhiều độc giả băn khoăn trước việc Hương không được tại ngoài dù đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Giải đáp vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, cơ quan điều tra không cho Hương được tại ngoại trong trường hợp trên là phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, trong trường hợp bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng nếu tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử thì sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam.

“Pháp luật Nhà nước ta đã nhân đạo đối với người phạm tội là phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi với quy định về thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên, trường hợp các đối tượng phạm tội lợi dụng quy định này để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội thì Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã có quy định dự phòng nói trên.” - luật sư Tú cho hay.

Điều 88 - Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003:

...

2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;

b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Tác giả: Tiến Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP