>> ‘Bé gái chết đói’: Các tổ chức xã hội ở đâu?
Gia cảnh nheo nhóc của gia đình anh Vân, cha bé Nhung chết đuối tại Hà Tĩnh. Ảnh báo Phunutoday
Tôi đã khóc như một đứa trẻ khi đọc bản tin buồn ngày 25-9-2014 về cái chết của em Nhung, học sinh lớp 3 ở Vũ Quang, Hà Tĩnh. Một sự sống vừa bị tước mất do đói lả va vào thành cầu rồi té theo dòng nước cuốn trôi. Một mầm xanh đang tươi trẻ lẽ ra phải tung tăng nắng sân trường, luôn hân hoan vì được yêu thương, bảo bọc, vậy mà…! Chợt nhớ câu chuyện cô bé bán diêm trong đêm Noel…
Một ông bạn đã chia sẻ với tôi trên Facebook: “Tôi cũng đã gặp một trường hợp như thế. Một em bé trai ôm cặp ngồi gục trong một góc đường tối. Đi qua tôi nhìn thấy, nghĩ em bị bệnh gì đó, tôi lay vai em, nhưng em ngã về phía trước. Hoảng quá, tôi bế em lên xe, chở đến bệnh viện gần đó. Bác sĩ cấp cứu nói em bị “nuỗn” vì đói quá mà thôi. Tôi mua cho em ca sữa nóng và khúc bánh mì, đút em ăn từ từ. Em tỉnh lại, tôi đưa em về nhà ở đường Kỳ Đồng. Mẹ em bị tật một chân, bán vé số. Em không có cha”. Rồi ông bạn đó lại nói thêm chuyện xưa: “Hồi năm 1977, tôi đã chứng kiến 4 em bé trong một gia đình ở vùng Kinh tế mới Tân Uyên (Sông Bé) vì đói quá, ngắt đọt khoai mì luộc ăn và chết vì ăn phải đọt “khoai mì mọi” cực độc. Ngỡ đã qua rồi cái thời khốn khổ đó. Nào ngờ, giữa thời đại người ta lên vũ trụ rồi, mà còn chuyện đau lòng như thế này”.
Những bản tin buồn dường như kéo dài triền miên từ ngày này qua ngày khác. Vậy mà đâu đó có rất nhiều người ăn thừa mứa, vung vãi một cách phung phí. Họ nghĩ họ có tiền thì có quyền sử dụng sao cũng được.
Nhiều người lại khoe khoang vật chất mình đang có. Sự chênh lệch mức sống trong đời sống xã hội ngày càng rộng, dày. Chỉ đau, rát lòng, cảm xúc ùn ứ vì cái chết do đói của một em bé lớp 3 quá thơ trẻ.
Còn nhớ cách đây không lâu, tin cho biết có rất nhiều học sinh đã phải tự chế vật nổi hoặc lội qua sông suối đến trường, phó mặc sinh tử cho rủi may trên đường tìm chữ. Ngày trước, tôi cũng từng dạy học, ở một trường tiểu học vùng sâu. Có nhiều hôm học trò vào lớp đầu tóc ướt mem rối nùi, mình vẫn còn lấm tấm nước nhưng quần áo, sách vở khô rang. Ngạc nhiên tôi hỏi thì được các em hồn nhiên kể đã lội qua sông cho kịp giờ học vì cầu khỉ bị gãy, đi đường vòng rất xa… Cởi truồng và tay cầm quần áo, sách vở giơ cao, cứ thế mà đạp nước qua sông, mặc kệ sông có rộng hay hẹp… Lúc đó tôi cứ mơ sao có cây cầu bê tông, hoặc chí ít thì cứ cách vài chục mét lại có một cây cầu khỉ bắc qua sông nhưng phải vững chãi… Tâm sự ấy được đồng nghiệp và phụ huynh đồng tình hưởng ứng, nhưng chỉ có thể làm tới cầu khỉ là cùng… Ôi! Những học trò vùng sâu vùng xa chân đất móng phèn, chưa từng nghĩ tới việc phải mặc đồng phục, mang đôi dép mới, có chiếc cặp xinh xắn như ở huyện, thị. Cũng có khi đâu đó có trò bị vọp bẻ và theo dòng nước cuốn trôi… Những cái chết lẽ ra không thể có, không thể chấp nhận.
Trở lại câu chuyện em bé lớp 3, có bạn trẻ lại nói: “Biết đâu, cái chết cũng là một cách giải thoát cho em bé đó. Áo quần thì cũ rách, bụng thì đói, còn tâm trí đâu mà học, còn cái gì để mà nghĩ ngợi cao xa. Bởi có thực mới vực được đạo mà”. Nghe cực đoan, nghe bực mà thiệt xót xa và đúng vậy!
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng
Đọc lại bài ca dao này thêm ràn rụa. Đừng bao giờ để chuyện xảy ra rồi chúng ta mới lại nói nếu, thì, là, tại, bị,… Lý do nào nghe cũng bất nhẫn. Lời chia sẻ nào cũng muộn mằn! Với nhiều đứa trẻ trên đất nước ta, đường đến cái chữ còn xa và mãi gập ghềnh. Một gói xôi thì thật bé nhỏ đến tầm thường với người này nhưng lại là ước mơ vĩ đại của một người khác… Tôi đang rơi tự do theo những bản tin buồn…