Vụ án cháu bé 20 ngày tuổi ở thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) tử vong khiến dư luận người dân bất bình phẫn nộ. Họ càng giận hơn khi biết bà nội cháu bé là Phạm Thị Xuân (65 tuổi, trú tại Tiền Hải, Thái Bình) có liên quan đến cái chết này của cháu.
Tại cơ quan công an, bước đầu Xuân khai nhận do mê muội tin lời thầy bói nên đã xuống tay hại chết cháu rồi hoang tin cháu bé bị kẻ xấu bắt cóc. Tuy nhiên sau đó, đối tượng lại khai do đánh rơi cháu bé khiến cháu tử vong, sợ nên hoang tin rồi phi tang xác cháu bé. Cơ quan công an đang vào cuộc điều tra và dự kiến sang tuần sẽ có kết luận điều tra ban đầu.
Đối tượng Xuân cố tình hay vô ý trước trong cái chết của cháu nội 20 ngày tuổi? |
Thạc sỹ Nguyễn Văn Hiếu (giảng viên học viện Cảnh sát Nhân dân) cho rằng, lời khai ban đầu có giá trị lớn vì lúc đó đối tượng chưa có sự chuẩn bị, chưa có sự cố thủ về mặt tinh thần để đối phó với cơ quan điều tra. Sau một thời gian hồi tỉnh, đối tượng có thể thay đổi lời khai theo hướng có lợi. Họ có thể đổ tội cho nạn nhân, đồng phạm khác. Trong trường hợp này, nghi phạm có thể xoay sang hướng khác để giảm tội, đổ tội cho lý do khách quan.
Hành vi giết người ảnh hưởng bởi tư tưởng lạc hậu và hành vi vô ý giết người thì trách nhiệm hình sự khác nhau. Chính vì vậy, để chứng minh hai tội danh này thì tài liệu hoàn toàn khác nhau chứ không thể chung nhau được.
Luật sư Trần Huy Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) nhìn nhận, nếu đối tượng Xuân vô ý làm rơi cháu dẫn đến tử vong thì hành vi đó chỉ là vô ý làm chết người. Nhưng hành động vứt xác cháu bé là nhẫn tâm, có thể xem là tình tiết tăng nặng.
Đưa ra ý kiến về việc liệu rằng đối tượng Xuân thay đổi lời khai ban đầu nhằm trốn tránh tội lỗi của mình, luật sư Tuấn cho rằng nếu đối tượng vô ý làm rơi cháu, với tư cách bà nội, đối tượng sẽ tìm mọi cách để đưa cháu bé đi cấp cứu, sẽ phải gọi sự hỗ trợ từ mẹ cháu khi đó đang ở nhà, hoặc có thể nhờ tới sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng. Cho nên lời khai “cháu bé bị rơi” là rất mâu thuẫn và không phù hợp với diễn tiến tình huống và tâm lý tội phạm.
“Đối tượng nói vô ý làm rơi cháu bé đương nhiên là để chuyển biến tình hình phạm tội, làm giảm tính chất mức độ của hành vi. Tuy nhiên, căn cứ vào các lời khai, chứng cứ, kết luận giám định pháp y của cơ quan công an, đối tượng không thể “thích” thì thay đổi lời khai, thay đổi bản chất hành vi phạm tội được”, luật sư Tuấn cho biết.
Ngoài ra, luật sư Tuấn cũng nhấn mạnh đến việc xác định cơ chế gây ra tử vong, hoặc thương tích (nếu có) từ kết quả giám định của công an. Căn cứ vào kết luận pháp y tử thi có thể làm rõ được nhiều điều.
Khai báo gian dối hay chối tội không phải là tội. Lời khai bất nhất không có chế tài xử lý. Trừ khi là có mục đích vụ lợi sẽ bị xử lý hành chính. Việc không thành khẩn khai báo, hay khai báo gian dối sẽ không được xem là tình tiết giảm nhẹ. Và việc vứt xác phi tang có thể được xem là tình tiết tăng nặng.
Luật sư Tuấn:Nếu vô ý làm chết người mà vứt xác thế thì không phù hợp với diễn tiến vụ việc. Không phù hợp với tâm lý phạm tội. |
Theo luật sư Tuấn, giả sử Xuân đánh rơi dẫn đến cái chết của cháu bé thì cũng bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Với hành vi vô ý đánh rơi cháu dẫn đến việc cháu bé tử vong, Xuân có thể bị xử lý ở tội danh Vô ý làm chết người theo Điều 98, BLHS. Theo đó, người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Khung hình phạt ở điều khoản này nhẹ rất nhiều so với khung hình phạt lên đến tử hình ở tội Giết người (Điều 93 BLHS) với tình tiết định khung hình phạt là giết trẻ em.
Với hành vi vứt xác phi tang, đối tượng có thể bị xử lý ở tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo Điều 246 BLHS. Theo đó, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Tác giả: Xuân Hòa
Nguồn tin: Báo Người đưa tin