Giáo dục

Việt Nam tăng tốc đào tạo tiến sĩ: Nói thật thì...ngượng lắm!

"Không phải cứ có bằng cấp cao là thì nền khoa học sẽ đổi khác, nhiều người không có bằng tiến sĩ mà rất giỏi".

"Tôi cũng phát ngượng"

Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 với các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, quy mô đào tạo tiến sĩ ở các trường đại học, học viện là 13.587, tăng 25% so với năm học 2015 - 2016.

Trước con số trên, trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Dương Đức Tiến - Giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH quốc gia Hà Nội cho biết: "Một đất nước giỏi không cứ phải có nhiều Tiến sĩ, nhiều học vị, ngay bản thân chúng tôi cũng vậy, chúng tôi nhìn nhận tài trí của đất nước là phải phát huy được đa dạng, làm được nhiều việc khiến cho đất nước thay đổi mới là đào tạo tốt.

Còn đào tạo tràn lan thì không giải quyết được vấn đề gì, bản thân chúng tôi cũng được đào tạo, hàng loạt các thế hệ Tiến sĩ được đào tạo ở Nga, Trung Quốc, các nước XHCN trước đây, đến nay chúng ta không sử dụng hết.

Mới đây, tôi có gặp lại bạn bè, ai cũng còn ít tuổi, chỉ 60 tuổi, đang thời kỳ sung sức, mà hỏi làm gì, thì ai cũng ở nhà, như vậy là quá lãng phí, lãng phí sức lực, một người khoa học làm tốt họ có thể nghiên cứu đến 70-80 tuổi, đó là thời kỳ thăng hoa nhất.

Đừng chạy theo mục tiêu con số đào tạo Tiến sĩ

Còn ở nước ta, tầm 60 tuổi lại không có việc làm, trong khi đổ bao nhiêu tiền vào để đào tạo thế hệ mới. Tôi vẫn nghĩ là làm sao để cho người có thực lực, có điều kiện đóng góp được cho đất nước, chứ không phải hướng đến chỉ số Tiến sĩ, Thạc sĩ, cử nhân nhiều.

Các nước phát triển cũng đâu có nhiều Tiến sĩ như Việt Nam, họ chỉ là người hoạt động bình thường, không đào tạo chạy theo văn bằng".

Bên cạnh đó, ông Tiến đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta phải đặt mục tiêu 20.000 tiến sĩ, rồi vắt chân chạy theo mục tiêu đó?. Tại sao phải chạy theo con số như vậy?.

"Chúng tôi là dân có học thấy phát ngượng lên vì cái danh Tiến sĩ, số lượng của chúng ta không ít, nhưng cái đóng góp để thay đổi nền trí thức đất nước vô cùng ít, thậm chí là không có gì. Nói thật là tôi ngượng lắm!.

Chúng ta cần đào tạo được những người trí thức, có thể cống hiến một cách tích cực hơn nữa, đừng chạy theo các chứng chỉ, văn bằng.

Tôi nghĩ nếu có khoảng 20.000 tiến sĩ thì chắc gì nền khoa học sẽ đổi khác, chạy theo những con số mà con số đó chưa chắc đẹp, cái gì cũng có, nhưng cái gì cũng bình thường, dân khoa học ai cũng ngượng ngùng.

Cho nên không phải cứ có bằng cấp cao là thì nền khoa học sẽ đổi khác, nhiều người không có bằng tiến sĩ mà rất giỏi", ông Tiến phân tích.

Cử nhân thích làm quán cà phê hơn phòng thí nghiệm

Ở góc độ khác, theo ông Tiến, trong một đất nước còn nhiều mặt yếu, thì phải có điều kiện cơ bản để người làm khoa học phát huy, Còn hàng loạt các vấn đề cơ bản liên quan đến hỗ trợ các nhà khoa học trong lĩnh vực như vật lý, hóa học, sinh học không theo kịp các nước.

Trong khi đó, chúng ta quên rằng cần đẩy mạnh vấn đề kỹ thuật, đào tạo nắm kỹ thuật của các nước khác thì mới thay đổi được nhiều.

"Tôi từng trò chuyện với nhiều bạn đi thi Toán quốc tế, các bạn đều cho hay là cháu đi thi thôi, nhưng sau cháu không học ngành này, vì học cũng không xin được việc, mà có xin được việc thì cũng không đủ sống.

Để thấy, xã hội cần đào tạo thực chất, tìm ra người có năng lực, nhiệt tình cống hiến cho đất nước, thì mới làm cho đất nước phát triển.

Số lượng học Đại học, có bằng cấp ở nước ta không đến nỗi tồi, số lượng ngang ngửa các nước lân cận, nhưng sao các nước họ phát triển khoa học hơn mình, các nước cùng thời kỳ xuất phát điểm phát triển mà giỏi hơn chúng ta.

Tôi không phủ nhận, so với ngày xưa lớp thanh niên bây giờ vô cùng thông minh, giỏi giang, tiếng Anh giỏi, cập nhật thêm được nhiều sự cải tiến. Nhưng vấn đề phải tạo cho họ hướng đi, làm cho họ phục vụ thay đổi đất nước, như Trung Quốc có bước tiến khoa học nhanh hơn các nước.

Còn Việt Nam cứ đào tạo theo các hướng cũng học nhưng xa xôi thực tiễn, nhiều bằng mà không để làm gì", ông Tiến chỉ rõ.

Cùng với đó, ông cũng kể lại các câu chuyện thực tế, nhiều sinh viên của ông ra trường được mời lại nhà trường nghiên cứu, thì đều từ chối, vì không đủ sống. Hầu hết nhiều sinh viên lựa chọn đi làm quán cà phê, chạy grab vì thu nhập ổn định hơn, thậm chí là cao, trang trải được cuộc sống.

"Tôi vẫn hay nói chuyện với các thầy cùng khoa, giờ cử nhân thích đi làm quán cà phê hơn là các phòng thí nghiệm.

Hay có một chị tốt nghiệp Tiến sĩ ở Đức, sau đó còn sang bên Thụy Sỹ, Đan Mạch dạy học, nhưng khi trở về Việt Nam xin vào làm việc trường Đại học, được trả lương 3,5 triệu đồng/tháng.

Do được trả quá bèo bọt, cô ấy mở một công ty riêng để làm, có nghĩa chúng ta đang không có chế độ tận dụng nguồn chất xám.

Rồi tôi có hướng dẫn một Tiến sĩ giỏi của Đại học Bách Khoa Hà Nội, sau đó về làm chủ nhiệm khoa của một Trường Đại học, sau đó làm Viện trưởng một Viện nghiên cứu, nhưng giờ đã chuyển sang làm một công việc khác, vì không có sự đóng góp rõ rệt, nên chán nản và bỏ", ông Tiến kể lại.

Tác giả: Châu An

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG